Chương trình đầu tư toàn cầu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang phải đối mặt với chỉ trích trong nước, tẩy chay ngoài nước cũng như những khó khăn về kinh tế và tài chính. Chuyên gia đặt câu hỏi, liệu để giảm bớt phí tổn, giới lãnh đạo Bắc Kinh có thể để cho dự án này một cái kết âm thầm lặng lẽ?

Mot vanh dai mot con duong map
Sơ đồ Sáng kiến “Vành đai & Con đường” của Trung Quốc.

Vành đai Con đường (BRI) hay còn được gọi là Con đường tơ lụa mới là sáng kiến đầu tư khổng lồ đầy tham vọng mục đích kéo thế giới lại gần và biến Trung Quốc thành trung tâm chính trị và kinh tế của hơn 60 quốc gia trong vòng quét của dự án.

Trong bài viết đăng trên tạp chí Nhật Nikkei Asian Review, “Will China let Belt and Road die quietly?” tác giả Bùi Mẫn Hân cho rằng có rất nhiều quốc gia đang xét lại hoặc bày tỏ thái độ tẩy chay với dự này của Trung Quốc.

Nước ngoài tẩy chay

Thủ tướng Mahathir Mohamad của Malaysia đã hủy bỏ hai đại dự án thuộc Vành đai Con đường, bao gồm một tuyến đường sắt trị giá 20 tỷ USD, với lý do là chi phí quá cao.

Chính phủ mới của Pakistan kêu gọi xem xét lại vương miện ngọc của Vành đai Con đường – Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC), mà Trung Quốc cam kết tài trợ hơn 60 tỷ đôla.

Chính phủ Myanmar vừa nói với Bắc Kinh rằng họ sẽ không khởi động lại việc xây dựng một đập thủy điện do Trung Quốc tài trợ vốn bị đình chỉ trước đó.

Quốc đảo Maldives tại Ấn Độ Dương, đang cố gắng đàm phán để giảm khoản nợ 3 tỷ đôla – bằng hai phần ba tổng sản phẩm quốc nội – mà nước này đã vay từ Trung Quốc để tài trợ cho các dự án xây dựng thuộc Vành đai Con đường.

Tuy vậy, trong nước Trung Quốc khó tìm thấy bất cứ một tiếng nói nào bộc lộ sự lung lay trong việc ủng hộ Vành đai Con đường, đặc biệt từ chủ tịch Tập Cận Bình vốn kiệm lời. Với ông Tập, kiến trúc sư của BRI, đại dự án kết nối một nửa trái đất với trung tâm Trung Quốc thể hiện tầm nhìn và Trung Quốc mộng của ông trong thời đại mới.

Tuy nhiên, nhìn qua lớp bề mặt, người ta có thể thấy có một sự không hài lòng đang ngày càng lớn dần tại Trung Quốc về dự án này. Theo BBC, dự án đầy tham vọng này của Trung Quốc không chỉ khó tồn tại vì sự tẩy chay của các nước trong vùng, nó đang gặp khó khăn vì tình hình kinh tế của nước này.

Với việc kinh tế chững lại trong khi phải đối mặt với cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ và tẩy chay từ những nước nhận đầu tư BRI, những người hoài nghi dự án này tại Trung Quốc, bao gồm cả các học giả, các nhà kinh tế và giới doanh nghiệp đang âm thầm đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang đặt các nguồn lực khan hiếm của họ vào đúng mục đích sử dụng.

Sự kiểm duyệt chặt chẽ của nhà nước Trung Quốc đã loại bỏ bất cứ chỉ trích trực tiếp nào đối với giấc mộng BRI của Tập trên truyền thông. Tuy nhiên, người ta có thể mơ hồ thấy các dấu hiệu rằng Bắc Kinh đã đang kiềm lại BRI, ít nhất là về mặt tuyên truyền. Không lâu trước, cỗ máy tuyên truyền khổng lồ của ĐCSTQ còn mở hết tốc lực để khoe khoang về thành tựu của BRI, nay đã giảm âm lượng. Hồi tháng 1/2018, Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đăng 20 câu chuyện về BRI. Trong tháng 1 năm nay, chỉ còn 7 bài viết. Nếu so sánh những tin bài về BRI trên truyền thông chính thống Trung Quốc trong năm nay và những năm trước, chúng ta có thể có một bức tranh rõ ràng hơn về tương lai của BRI.

Những khó khăn kinh tế rõ ràng của BRI

Đầu tiên, môi trường tài chánh của Trung Quốc giờ đây không còn giống như thời Tập Cận Bình tung ra Vành đai Con đường vào năm 2013. Lúc đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt gần 4 nghìn tỷ đôla. Và với số tiền ấy, việc dùng một số hối đoái nước ngoài là một ý tưởng tuyệt vời để đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Cùng với việc sử dụng các nhà thầu và vật liệu của Trung Quốc, Vành đai Con đường còn có thể giúp giải quyết vấn đề thặng dư của Trung Quốc trong các ngành công nghiệp thép, xi măng và xây dựng.

Nhưng thế giới đã thay đổi trong 5 năm qua. Suy thoái kinh tế đã rút đi hơn 1 nghìn tỷ đôla từ dự trữ ngoại hối của Trung Quốc. Nếu tính thêm ảnh hưởng của chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc sẽ khó có thể tạo ra đủ thặng dư ngoại hối để tài trợ cho BRI trên một quy mô rộng lớn như trước. Thuế quan áp đặt bởi Mỹ cộng với sự không chắc chắn về quan hệ thương mại giữa hai bên sẽ làm giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ và, ở mức độ thấp hơn, các thị trường phát triển khác.

Tác giả Bùi Mẫn Hân lý giải: vì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ chiếm gần như toàn bộ thặng dư tài khoản vãng lai, việc giảm đáng kể xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ dẫn đến tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai cho Trung Quốc, nếu không thể bù đắp được sự thiếu hụt bằng cách xuất khẩu sang các thị trường khác (một nhiệm vụ bất khả thi). Cán cân thanh toán xấu đi sẽ buộc Bắc Kinh sử dụng dự trữ ngoại hối chủ yếu để bảo vệ đồng Nhân dân tệ và duy trì niềm tin của các nhà đầu tư vào sự ổn định kinh tế vĩ mô của Trung Quốc.

Kết quả là Bắc Kinh sẽ phải rà soát cẩn thận lại các cam kết đầu tư với nước ngoài. Các dự án vĩ đại được hình thành và khởi động khi họ có nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào sẽ phải đánh giá lại, một số sẽ bị cắt gọt hay thậm chí bỏ ngỏ toàn bộ.

Chưa hết, tại nội bộ Bắc Kinh đang phải đương đầu với một cơn bão về chi phí lương hưu tăng, tăng trưởng kinh tế làm chậm và tiền thu thuế giảm dần. Triển vọng tài chính ảm đạm được khẳng định bởi tuyên bố bất thường của Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn: “Tất cả các cấp chính phủ phải lãnh đạo bằng cách thắt lưng buộc bụng và làm hết sức mình để giảm chi phí hành chính.” Ngay sau cuộc họp, Thượng Hải, thành phố giàu nhất Trung Quốc đã ra lệnh cắt giảm 5% chi phí cho hầu hết các cơ quan trong năm 2019.

Cơn bão cắt giảm này được dồn tích bởi sự suy giảm thu tài chính và quyết định giảm thuế của Bắc Kinh để khuyến khích tăng trưởng. Trong năm 2018, tỷ tệ tăng trưởng thu tài chính giảm 1,2 điểm phần trăm so với 2017. Triển vọng tài chính được dự đoán còn tồi tệ hơn trong năm nay do giảm thuế và tốc độ tăng trưởng chậm.

Lỗ hổng ngân sách lớn nhất của Bắc Kinh là chi phí lương hưu cho dân số ngày càng già hóa nhanh chóng. Tỉnh Hắc Long Giang chịu thâm hụt ròng 23 tỷ nhân dân tệ trong tài khoản lương hưu tính đến năm 2016. Cũng trong năm này, sáu tỉnh khác với tổng cộng số dân 236 triệu người, đã phải chi trả lương hưu nhiều hơn số tiền thu về từ những người lao động trẻ. Bức tranh tiền lương hưu cho toàn Trung Quốc cũng khó khăn như vậy.  Bộ Tài chính nước này cho biết chính phủ đã phải góp thêm 1,2 nghìn tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 bù vào thâm hụt trong tài khoản lương hưu.

Một số người có thể cho rằng BRI sẽ nằm ngoài vòng cắt giảm ngân sách của Bắc Kinh bởi vì nó là ưu tiên đối ngoài hàng đầu của chủ tịch Tập. Nhưng thực tại kinh tế khốc liệt sẽ đưa ra trước mặt giới lãnh đạo Trung Quốc những lựa chọn ngày càng không thuận mắt bởi có các nhu cầu khác cần được sử dụng nguồn lực khan hiếm của quốc gia. Chủ tịch Tập và những người ủng hộ ông ta có thể tiếp tục BRI, nhưng họ phải biết rằng BRI ngày càng kém hấp dẫn người Trung Quốc và việc cứ lấy tiền ra khỏi quỹ lương hưu của họ để xây dựng những con đường không dẫn đến đâu ở những đất nước xa lạ là một chính sách ngày càng khó thuyết phục.

Trong một động thái có thể coi là dấu hiệu của sự chính sách chi tiêu tằn tiện mới của Bắc Kinh ở nước ngoài, chính phủ Trung Quốc mới đây chỉ thông qua cho Pakistan 2,5 tỷ USD trong các khoản vay mới, ít hơn nhiều so với khoản 6 tỷ USD mà Islamabad ban đầu mong muốn nhận được.

Tác giả của tờ Nikkei kết luận: “Điều dường như đang xảy ra ở Bắc Kinh là trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục cố đấm ăn xôi với Con đường Tơ lụa mới, tham vọng ban đầu của ông Tập đang bị đẩy lùi khỏi tầm mắt của công chúng. Chúng ta không nên ngạc nhiên nếu cuối cùng Bắc Kinh để cho BRI, ít nhất là BRI phiên bản một, chết một cái chết lặng lẽ.”

Trọng Đức (T/h)

Xem thêm: