Truyền thông Trung Quốc cho biết hôm Chủ Nhật (24/12), quân đội nước này đã thực hiện chuyến bay đầu tiên của thủy phi cơ AG600. Chiếc máy bay sản xuất nội địa cất cánh tại bờ biển Đông và có hành trình bay một giờ trước khi hạ cánh tại điểm xuất phát để làm lễ ra mắt.

Embed from Getty Images

AG600 tại sân bay Chu Hải, tỉnh Quảng Đông hôm Chủ Nhật (24/12).

Reuters cho hay truyền hình nhà nước Trung Quốc đã tường thuật trực tiếp các hình ảnh AG600 cất cánh tại sân bay Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, nằm bên bờ biển Đông.  Sau một giờ bay trên vùng biển mà Trung Quốc đang có tranh chấp với nhiều nước khu vực Đông Nam Á, AG600 trở lại sân bay Chu Hải với sự chào mừng của đội quân nhạc và đám đông vẫy cờ Trung Quốc.

Tân Hoa Xã giới thiệu AG600 là “linh hồn bảo vệ biển và hải đảo”.

Theo Reuters, quân đội Trung Quốc dự kiến triển khai chuyến bay đầu tiên của AG600 từ đầu năm nay, nhưng chưa rõ nguyên nhân tại sao kế hoạch này đã bị hoãn lại sau các thử nghiệm trên mặt đất hồi tháng Tư.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc giới thiệu AG600 có 4 động cơ tua-bin phản lực cánh quạt, có thể chở được 50 người thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu hộ hàng hải. AG600 có thể hút 12 tấn nước trong vòng chỉ 20 giây để thực hiện các chuyến bay cứu hỏa. Thủy phi cơ có thể cất cánh từ mặt nước, mặt đất hoặc đường băng bình thường. AG600 có phạm vi bay tối đa 4.500km và trọng tải bay tối đa là 53,5 tấn.

Giới chức Trung Quốc nói rằng tính đến nay đã có 17 cơ quan chính phủ và các doanh nghiệp đặt hàng mua AG600.

Tập đoàn Công nghiệp Hàng không nhà nước Trung Quốc (AVIC) đã mất 8 năm để phát triển AG600 với kích thước xấp xỉ Boeing 737 của Hoa Kỳ.

Mặc dù AVIC chỉ công bố AG600 được sản xuất để chuyên chở đội tìm kiếm cứu nạn biển và thực hiện nhiệm vụ chữa cháy rừng. Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc cũng lưu ý rằng AG600 có tiềm năng lớn khi được sử dụng trong các nhiệm vụ quốc phòng trên biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp với Việt Nam, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Brunei.

>>Kế hoạch đánh chiếm Biển Đông của Trung Quốc

Tờ Daily China đầu tháng 12 dẫn lời ông Huang Lingcai – kỹ sư trưởng thiết kế AG600 nói rằng dòng thủy phi cơ này có thể bay vòng quanh biển Đông không cần tiếp nhiên liệu. Hành trình bay của AG600 có thể từ đảo Hải Nam tới tận bãi đá James Shoal gần bang Sarawak, thuộc đảo Borneo, Malaysia, nhưng Trung Quốc cũng đang tuyên bố chủ quyền.

Với việc ra mắt thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600, Trung Quốc cho thấy họ đang đẩy mạnh và đạt được bước tiến đáng kể về cải tiến quân sự nhằm phục vụ cho chiến lược bành trướng biển Đông bằng sức mạnh vũ trang.

Theo Reuters, Trung Quốc hiện đang ở giai đoạn giữa của chương trình hiện đại hóa quân sự quy mô lớn, từ việc thử nghiệm các tên lửa chống vệ tinh đến tự sản xuất máy bay chiến đấu tàng hình và hàng không mẫu hạm.

Yên Sơn

Xem thêm: