Chính quyền Trung Quốc tuyên bố lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong Un, trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên cũng như sẽ tiến hành cuộc gặp lịch sử với phái đoàn Hoa Kỳ. 

Tap can binh Kim jong un
Ông Tập Cận Bình tiếp ông Kim Jong-un tại Đại Lễ Đường Nhân dân. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Vừa qua, Trung Quốc và Bắc Hàn đều xác nhận ông Kim Jong Un đã bí mật tới Bắc Kinh bằng đường tàu hỏa và hội kiến ông Tập Cận Bình. Cuộc gặp được Bắc Kinh mô tả là “chuyến thăm không chính thức”, kéo dài từ 25/3 đến 28/3. Đây là lần đầu tiên Kim gặp Tập, cũng là lần duy nhất ghi nhận được ông Kim ra nước ngoài kể từ sau khi lên làm lãnh tụ Bắc Triều Tiên năm 2011. Các nhà phân tích tin rằng chuyến thăm bất ngờ này chính là sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc gặp mặt lịch sử vào tháng 5 giữa ông Kim và ông Trump.

Hãng truyền thông nhà nước Bắc Hàn, KCNA, không hề nhắc tới cam kết phi hạt nhân hóa của lãnh tụ Kim Jong Un, cũng như cuộc gặp dự kiến với ông Donald Trump.

Trung Quốc là đồng minh quan trọng nhất của Bắc Hàn trong suốt chiều dài lịch sử kể từ khi nước này thành lập, tuy nhiên gần đây quan hệ hai bên tỏ ra có rạn nứt khi Trung Quốc ủng hộ một số chế tài khắc khổ của Liên Hiệp Quốc lên Bắc Hàn vì tham vọng hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Kim trong một tuyên bố dài, nói rằng tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang bắt đầu cải thiện bởi vì Bắc Hàn đã chủ động giảm căng thẳng và đề xuất đàm phán.

Lập trường nhất quán của chúng tôi là cam kết phi hạt nhân hóa bán đảo [Triều Tiên], phù hợp với mong muốn của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành và cố Tổng bí thư Kim Chính Nhật (Kim Jong Il)”, ông Kim Jong Un nói, theo công bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Bắc Hàn “sẵn sàng đàm phán và tổ chức thượng đỉnh giữa hai quốc gia”, ông Kim được dẫn lời nói.

Vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên có thể được giải quyết, nếu Hàn Quốc và Mỹ đáp lại nỗ lực của chúng tôi bằng thiện chí, tạo ra không khí hòa bình và ổn định trong khi tiến hành các biện pháp tiến bộ và đồng bộ để hiện thực hóa hòa bình”, Kim Jong Un được dẫn lời nói.

Ô dù hạt nhân

Người tiền nhiệm của Kim Jong Un, ông nội Kim Nhật Thành và cha Kim Chính Nhật đều đã từng cam kết không theo đuổi chương trình vũ khí hạt nhân, nhưng lại âm thầm duy trì và phát triển nó. Việc này dẫn đến vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006 dưới thời ông Kim Chính Nhật.

Bắc Hàn cũng từng nói trong vòng đàm phán trước đây, vốn thất bại trong nỗ lực giải giáp hạt nhân rằng họ có thể cân nhắc từ bỏ kho vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Nam Hàn và tháo bỏ cái gọi là “ô dù hạt nhân đánh chặn” khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản.

Rất nhiều nhà phân tích và cựu đàm phán gia tin rằng các điều kiện này vẫn cấu thành lập trường của Bắc Hàn, đồng thời họ cực kỳ nghi ngờ rằng ông Kim sẵn sàng từ bỏ loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà gia đình ông ta đã phát triển trong hàng thập kỷ qua.

Việc Kim Jong Un âm thầm tới Bắc Kinh gặp Tập Cận Bình, sau nhiều ngày đồn đoán, đã trở thành chủ đề được bàn tán đứng thứ ba trên mạng Weibo của Trung Quốc, mặc dù truyền thông nhà nước đã chặn không cho độc giả bình luận trên internet.

Tờ Thời Báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Trung Quốc ca ngợi cuộc gặp này là đã chứng minh những kẻ hoài nghi là sai lầm về quan hệ Trung-Triều.

Việc Trung Quốc và Bắc Triều Tiên duy trì quan hệ hữu nghị mang tới một lực lượng tích cực đối với cả khu vực và thúc đẩy ổn định chiến lược tại Đông Bắc Á”, bài bình luận của trang này viết.

Bắc Kinh đã đón Kim Jong Un với thể thức đầy đủ của một chuyến thăm cấp nhà nước, bao gồm đội cận vệ danh dự và yến tiệc tại Đại Lễ Đường Nhân Dân.

2 người cũng xuất hiện cùng nhau tại Nhà Khách Điếu Ngư Đài, nơi Kim Nhật Thành trồng một cái cây kỷ niệm năm 1959.

Tổng thống Trump đã được thông báo

Nhà Trắng cho hay Trung Quốc đã thông báo cho Tổng thống Trump về chuyến thăm Bắc Kinh của Kim Jong Un và Tập Cận Bình còn gửi tin nhắn riêng cho ông Trump.

Mỹ duy trì liên hệ chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Chúng tôi coi diễn biến này là một bằng chứng nữa cho thấy chiến dịch đặt áp lực tối đa [lên chế độ Bắc Hàn] đang tạo ra bầu không khí phù hợp để đối thoại với Bắc Hàn”, tuyên bố nói.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc gặp Kim-Tập đã củng cố vị thế của Bắc Hàn trước khi nhà lãnh đạo Bắc Hàn gặp Mỹ, đồng thời đảm bảo với Bắc Kinh rằng họ sẽ không bị cho ra rìa trong bất cứ một cuộc đàm phán nào.

Giáo sư nghiên cứu Trung Quốc Han Suk-hee tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc nhận xét: “Dường như Bắc Hàn chưa sẵn sàng đối mặt với Mỹ mà không có sự trợ giúp của đồng minh lâu đời Trung Quốc”.  

Tại yến tiệc do ông Tập tổ chức, Kim Jong Un phát biểu chuyến thăm của ông có mục đich là “duy trì tình hữu nghị lớn lao và tiếp tục phát triển quan hệ song phương của chúng ta trong thời gian có các biến động nhanh chóng trên bán đảo Triều Tiên”, KCNA cho biết.

Tuy nhiên Bắc Kinh không nhắc tới chi tiết ông Tập “vui lòng nhận lời thăm Bắc Hàn” mà KCNA đưa ra. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng chỉ nói rằng ông Tập sẵn sàng duy trì liên lạc thường xuyên với Bắc Hàn thông qua các chuyến thăm, trao đổi đại sứ và thông tin.

Trước chuyến thăm, Trung Quốc gần như ngồi bên lề trước tiến triển trong quan hệ giữa hai miền Triều Tiên gần đây, làm dấy lên suy đoán rằng Bắc Kinh không còn là nhân tố trung tâm trong vấn đề Bắc Hàn nữa. Việc ông Trump tuyên bố ông dự định gặp Kim Jong Un vào tháng 5 đã củng cố suy đoán này.

Trung Quốc là nguồn sống của Bắc Hàn, vì thế từ quan điểm của Trung Quốc, suy nghĩ rằng Kim Jong Un có thể gặp 2 người [lãnh đạo Hàn Quốc và Mỹ] trước khi gặp ông Tập Cận Bình, tôi cho rằng Trung Quốc nghĩ rằng điều này không thể xảy ra”, Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Caregie-Thanh Hoa tại Bắc Kinh và cựu đại diện Nhà Trắng tham gia đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên từ 2005-2009, nói.

Trọng Đức

Xem thêm: