Một tờ báo của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Hai (10/6) đã đăng bài xã luận cho rằng “thế lực nước ngoài” đang cố gắng gây tổn hại Trung Quốc bằng việc tạo ra hỗn loạn tại Hồng Kông liên quan đến một dự luật dẫn độ tội phạm.

dieu hanh 9 6 4
(Ảnh: Vision Times)

Theo Reuters, cảnh sát chống bạo động vào sáng thứ Hai (10/6) đã được huy động bảo vệ quanh tòa nhà quốc hội Hồng Kông sau khi trước đó một ngày đã diễn ra cuộc tuần hành của hơn 1 triệu người dân Hồng Kông phản đối dự luật dẫn độ tội phạm về Trung Quốc. Đã có đụng độ xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình.

Theo hãng tin CNA (Đài Loan), cuộc diễu hành “Phản đối dự luật dẫn độ đào phạm tới Trung Quốc” vốn dự định sẽ xuất phát lúc 3 giờ chiều ngày 9/6 (giờ địa phương) từ Công viên Victoria đi đến trụ sở chính của chính phủ Hồng Kông và Hội đồng lập pháp Hồng Kông, tuy nhiên do số người tập trung quá đông, nên cảnh sát đã yêu cầu cuộc diễu hành bắt đầu sớm hơn. Sau khi cuộc diễu hành bắt đầu, mọi người vừa đi đường vừa hô lớn khẩu hiệu “Phản đối dẫn độ tới Trung Quốc, rút lại luật xấu”. Thậm chí khi đầu đoàn diễu hành đã tới điểm đích là Hội đồng lập pháp, người diễu hành ở cuối đoàn vẫn chưa xuất phát được.

Khoảng 9 giờ tối ngày 9/6, ban tổ chức cuộc đại diễu hành (Mặt trận dân chủ Trung Quốc) công bố có khoảng 1,03 triệu người tham gia, gấp đôi so với cuộc đại diễu hành năm 2003.

Nhiều người biểu tình nói họ lo ngại rằng luật dẫn độ sẽ đặt ra rủi ro cho nền độc lập tư pháp mà người dân Hồng Kông tự hào và bảo vệ.

Tuy nhiên, trong bài xã luận đăng hôm 10/6, tờ China Daily – cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc – đã nói rằng dự luật dẫn độ tội phạm là bộ luật rất cần thiết.

“Bất kỳ người có suy nghĩ công bằng nào cũng coi dự luật sửa đổi là một điều luật hợp pháp, phù hợp và hợp lý nhằm củng cố luật pháp của Hồng Kông và hướng tới công lý,” bài báo của China Daily viết.

“Thật không may, một số cư dân Hồng Kông đã bị phe đối lập và các đồng minh nước ngoài của họ lừa dối để tham gia vào việc ủng hộ chiến dịch chống luật dẫn độ,” bài báo nói thêm.

Bài báo xuất bản bằng tiếng Anh của China Daily còn cho rằng một số người biểu tình tại Đặc khu Hồng Kông đã hiểu sai những thay đổi được đề xuất trong luật, trong khi những người khác đang cố gắng thúc đẩy một nghị trình chính trị.

“Họ đã không nhận ra rằng phe đối lập đang sử dụng họ đơn thuần như những con tốt trong cuộc thao diễn của mình để gặt hái những lợi ích chính trị bằng cách làm tổn hại tới uy tín và danh dự của chính quyền Đặc khu hoặc một số thế lực nước ngoài đang nắm lấy cơ hội này để tăng cường chiến lược của chính họ nhằm gây tổn hại cho Trung Quốc bằng cách cố gắng tạo ra hỗn loạn tại Hồng Kông,” China Daily nhận định.

Bài xã luận nêu trên của China Daily không nêu đích danh thế lực nước ngoài là thế lực nào.

Theo Reuters, nhiều chính phủ nước ngoài đã công khai bày tỏ quan ngại về dự luật dẫn độ này, cảnh báo về sự ảnh hưởng của nó tới uy tín của Hồng Kông – Trung tâm tài chính quốc tế. Các chính phủ nước ngoài cũng lưu ý rằng người nước ngoài đang bị Trung Quốc truy nã sẽ gặp rủi ro bị bắt giữ tại Hồng Kông để dẫn độ về Đai Lục nếu luật này được thông qua.

Các nhóm nhân quyền đã nhiều lần dẫn chứng các cáo buộc Trung Quốc sử dụng tra tấn, bắt giữ tùy tiện, ép cung và gây khó dễ cho việc tiếp cận luật sư.

Trước sự phản kháng quyết liệt của người dân trong thời gian qua, giới chức Hồng Kông đã ‘xuống thang’ bằng việc đưa ra hạn mức dẫn độ đối với các tội phạm bị phạt từ 7 năm tù trở lên. Tuy nhiên, chính quyền Đặc khu vẫn đang cương quyết tìm cách thông qua dự luật này.

Ngoài China Daily, hôm 10/6, Hoàn cầu Thời báo, thuộc quản lý của tờ Nhân dân Nhật Báo – Cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã đăng bài viết nói rằng các nhóm đối lập Hồng Kông và những người ủng hộ quốc tế của họ đang “thổi phồng chính trị” một hoạt động lập pháp thông thường tại Hồng Kông.

Hoàn cầu Thời báo khẳng định rằng chính quyền Hồng Kông sẽ không lùi bước. “Chính quyền Đặc khu Hồng Kông và quan điểm công khai dòng chính đã làm việc tích cực cho nền pháp trị và lẽ phải, và sẽ tuyệt đối không bỏ cuộc giữa chừng,” Hoàn cầu Thời báo viết bằng tiếng Trung.

Theo Reuters, hoạt động biểu tình rầm rộ tại Hồng Kông như vậy nhưng lại không được báo chí Trung Quốc Đại lục đưa tin. Ngay cả trên mạng truyền thông xã hội như Weibo (tương tự Twitter), người dùng cũng chỉ được dẫn tới các bài báo của các tờ báo tại Hồng Kông thân Bắc Kinh, trong đó có các tờ Wen Wei Po và Ta Kung Pao.

Tờ Ta Kung Pao (Đại Công báo) kinh doanh tại Hồng Kông của trung ương Bắc Kinh từng đăng bài viết chỉ ra lần sửa đổi luật này là một lần “đấu tranh chính trị giữa địch và ta”, coi phe dân chủ thuộc phạm vi “mâu thuẫn địch ta”.

Các hãng tin BBC và CNN thông tin về biểu tình Hồng Kông đều bị chặn tại Trung Quốc. Những kênh tin tức này chỉ xuất hiện ở một số khách sạn cao cấp và một số ít các tòa nhà chung cư, nhưng không phổ biến đối với hầu hết người dân Trung Quốc.

Như Ngọc