Hạm đội biển Đông của Trung Quốc mới đây đã thiết lập biệt đội cứu hộ hàng hải mới. Đây là một phần trong nỗ lực của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu và triển khai nhiều tàu ngầm hơn ở vùng biển chiến lược này.

Embed from Getty Images

Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sức mạnh hải quân để kiểm soát các vùng biển rộng lớn hơn

Theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), đơn vị cứu hộ hàng hải mới này thành lập trong khuôn khổ chung của “cuộc cải cách quân sự mới nhất“, được tuyên bố bởi ủy ban chính trị đơn vị trong một phiên họp dành cho việc nghiên cứu bản báo cáo chính trị của Chủ tịch Tập Cận Bình đọc tại phiên khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19 hôm thứ Tư (18/10).

Trong bài phát biểu hôm 18/10, Chủ tịch Tập cũng đã nhấn mạnh rằng ông sẽ biến PLA thành một lực lượng chiến đấu tầm cỡ thế giới vào năm 2050.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu quân sự quốc tế đánh giá đơn vị hải chiến mới này của Trung Quốc sẽ tăng cường khả năng của hải quân nước này trong việc thực hiện các nhiệm vụ ở các vùng biển xa hơn.

Trước đó, vào năm 2011, Hạm đội biển Bắc của PLA cũng đã thành lập một biệt đội cứu hộ hàng hải nhằm mục đích giảm thiểu tổn thất trong các vụ tai nạn tàu ngầm trên biển.

Việc xây dựng một đơn vị tương tự ở biển Đông là dấu hiệu cho thấy về khả năng PLA sẽ tăng cường thêm các đội tàu ngầm tại khu vực này.

Hạm đội biển Đông của PLA chịu trách nhiệm trên một phạm vi hàng hải rộng lớn bao gồm các vùng phía bắc của eo biển Đài Loan và các khu vực phía Nam từ quần đảo Hoàng Sa, Bãi cạn Macclesfield cho tới quần đảo Trường Sa.

Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Ni Lexiong, nhà bình luận các vấn đề quân sự ở Thượng Hải, cho hay Hạm đội biển Đông ngày càng tăng nhu cầu phải có một đơn vị cứu hộ vì nó đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn ở một vùng biển rộng lớn.

Đó là dấu hiệu cho thấy Hạm đội đang chuẩn bị cho khả năng sẵn sàng chiến đấu cao hơn. Khi quân đội đang nhấn mạnh nhiều hơn vào sự sẵn sàng chiến đấu, lẽ nào đội tàu hải quân lại không được trang bị một đơn vị cứu hộ? Các đội cứu hộ là rất quan trọng trong chiến tranh”, ông Ni Lexiong nhấn mạnh.

Theo các hình ảnh vệ tinh do các nhóm nghiên cứu quân sự quốc tế công bố, Trung Quốc gần đây đã cho triển khai hầu hết các tàu ngầm hạt nhân hiện đại của mình tại biển Đông.

Với sự xuất hiện của số lượng lớn tàu ngầm này, sức mạnh hải quân của PLA ngày càng được tăng cường, nhưng nó cũng kéo theo hệ quả về những rủi ro xảy ra càng nhiều hơn các vụ tai nạn trên biển do va chạm hoặc gặp các sự cố kỹ thuật trong lòng đại dương.

Ông Collin Koh, chuyên gia an ninh hàng hải của Trường Đại học Nanyang, Singapore, cho biết: “Khi tai nạn xảy ra [ở biển Đông], [tàu ngầm] không thể phụ thuộc vào đơn vị cứu hộ của Hạm đội biển Bắc. Nhiều tàu ngầm đang được đưa vào phục vụ cho hải quân khu vực [biển Đông]. Điều đó làm gia tăng rủi ro giao thông đường biển và [có thể] xảy ra các tai nạn nhiều hơn”.

Ông Koh cũng nói rằng trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng phạm vi hoạt động của mình và sẽ cần tăng cường khả năng cứu hộ tương ứng.

Sơ lược về Hạm đội biển Đông của Trung Quốc

(Theo Wikipedia)

Hạm đội biển Đông (SSF) là đơn vị hải quân thuộc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA).

Ban đầu khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới thành lập vào năm 1949, sức mạnh của hạm đội bao gồm chủ yếu là các tàu chiến và sĩ quan cũ của Quốc Dân Đảng, những người đã đào thoát sang Trung Quốc cộng sản hoặc bị PLA bắt giữ. Đây là một trong ba Hạm đội hải quân của Trung Quốc. SSF có nhiệm vụ bảo vệ thành phố Quảng Châu, các vùng phụ cận và hỗ trợ PLA đánh chiếm các hòn đảo vẫn nằm trong quyền kiểm soát của lực lượng Quốc Dân Đảng.

Sự phát triển của SSF khá chậm bởi vì phần lớn ngành công nghiệp đóng tàu của Trung Quốc nằm ở bờ biển phía bắc hoặc phía đông. Trong những năm 1970, hạm đội đã trải qua một cuộc củng cố lớn do xung đột tại quần đảo Hoàng Sa và các rạn san hô khác ở biển Đông.

Năm 1974, SSF đã đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Trận chiến này, SSF đã đánh chìm một chiếc tàu khu trục nhỏ của Việt Nam Cộng hòa và làm hư hỏng một chiếc tàu khu trục khác.

Cuộc chiến tranh trên biển Đông gần đây nhất mà SSF tham gia là vào năm 1988. Khi đó, lực lượng đặc nhiệm hải quân Trung Quốc tham gia vào một cuộc xung đột với lượng hải quân Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, đánh chìm một tàu chiến Việt Nam và làm hư hại một tàu chiến khác.

Hầu hết các tàu chiến của hạm đội đều được đặt tại căn cứ hải quân Trạm Giang, trong khi tất cả các tàu ngầm thuộc biên chế của SSF đều ở Căn cứ Hải quân Yulin, trên đảo Hải Nam. SSF có nhiều căn cứ khác bao gồm Quảng Châu, Hải Khẩu, Sán Đầu, Mawei và Bắc Hải, trong khi các căn cứ không quân hải quân đặt tại Lingshui, Hải Khẩu, Tam Á, Trạm Giang, và Guiping.

Hùng Cường

Xem thêm: