Tờ Nhật báo Phố Wall (WSJ), dẫn theo thông tin từ các quan chức quân đội Mỹ, cho hay Trung Quốc gần đây đã cho triển khai thiết bị nhiễu sóng thông tin và radar trên Đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa, trên biển Đông.

Trung-Quoc-lap-thiet-bi-nhieu-song-tren-Truong-Sa
Ảnh vệ tinh chụp thiết bị gây nhiễu điện tử ở Đá Vành Khăn, Trường Sa (Ảnh: DigitalGlobe)

Đá Chữ Thập là một trong bảy đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc đã bồi đắp trái phép từ năm 2014.

WSJ dẫn theo các hình ảnh vệ tinh thương mại DigitalGlobe của quân đội Mỹ và các thông tin tình báo cho biết quân đội Trung Quốc đã lắp đặt thiết bị nhiễu sóng trong khoảng 3 tháng gần đây. Việc triển khai khí tài chiến tranh điện tử này đánh dấu cải tiến đáng kể về năng lực cho quân đội Trung Quốc trên biển Đông, nơi họ yêu sách phần lớn lãnh thổ, chèn ép các nước khác như Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ nói với WSJ rằng: “Trung Quốc đã triển khai thiết bị nhiễu sóng quân sự trên các tiền đồn của quần đảo Trường Sa”. Một trong những hình ảnh từ DigitalGlobe mà WSJ đã đăng lại trên website của hãng tin này cho thấy thiết bị nhiễu sóng có cột anten dựng đứng.

Tờ TheDilopmat nhận định việc triển khai khí tài chiến tranh điện tử là phù hợp với khuynh hướng hành xử gần đây của Trung Quốc tại biển Đông.

Trung Quốc từng bước từ từ và chắc chắn quân sự hóa bảy đảo nhân tạo trên Trường Sa, lắp đặt bổ sung tất cả mọi thứ từ các khu vực radar ngoài trời cho đến các hệ thống vũ khí tầm ngắn và hầm chứa để triển khai chiến đấu cơ trong tương lai.

Những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp bắt đầu được cộng đồng quốc tế biết tới từ năm 2014, cho tới đầu năm 2016, chế độ Bắc Kinh phần lớn phát triển cơ sở hạ tầng kép cho cả dân và quân sự. Tuy nhiên, từ cuối năm 2016, Trung Quốc đã chỉ triển khai các khí tài quân sự và việc lắp đặt thiết bị nhiễu sóng thông tin gần đây là phù hợp với xu thế này của nhà cầm quyền Bắc Kinh.

WSJ nhận định rằng việc Trung Quốc bố trí các thiết bị trên sẽ tăng cường năng lực đòi yêu sách chủ quyền của họ đối với biển Đông và ngăn chặn các xung đột quân sự tương lai của các nước cũng yêu cầu chủ quyền trên biển Đông và thậm chí thách thức cả quân lực Hoa Kỳ.

Hiện tại, trên ba trong số bảy đảo nhận tạo mà Trung Quốc bồi đắp trên biển Đông gồm Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, họ đều đã xây đường băng đủ lớn để có thể chứa được tất cả các loại máy bay có trong biên chế của Không lực Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và Không lực Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.

Việt Nam – nước công khai phản đối yêu sách của Trung Quốc tại biển Đông, nhiều lần nhấn mạnh rằng Hà Nội có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và nhấn mạnh rằng hoạt động bồi đắp và quân sự hóa đảo của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: