Kênh CNBC (Mỹ) hôm thứ Tư (2/5), dẫn theo nguồn tin tình báo Mỹ, loan tin rằng Trung Quốc đã lắp đặt các tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không tại ba hòn đảo tiền tiêu mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại quần đảo Trường Sa, trên biển Đông.

Embed from Getty Images

Trung Quốc đang là nước chi tiêu quốc phòng lớn thứ hai thế giới

Động thái này của Trung Quốc, nếu được xác nhận, sẽ đánh dấu lần đầu tiên tên lửa của Trung Quốc được triển khai trên quần đảo Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh đang tranh chấp chủ quyền với một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Hãng tin Reuters đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Trung Quốc để yêu cầu trả lời về thông tin kênh CNBC nêu ra, nhưng chưa nhận được phản hồi.

CNBC, dẫn theo các nguồn tin giấu tên tiếp cận được các đánh giá của tình báo Mỹ, cho biết hệ thống tên lửa chống hạm và đất đối không được phía Trung Quốc triển khai lắp đặt tại Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa trong khoảng 30 ngày qua.

Bộ Quốc phòng Mỹ trước nay vẫn luôn phản đối Trung Quốc quân sự hóa các hòn đảo trên biển Đông. Tuy nhiên, họ đã từ chối phản hồi báo giới khi được hỏi về động thái mới nhất của chế độ Bắc Kinh. “Chúng tôi không bình luận về các vấn đề liên quan đến thông tin tình báo”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Mỹ nói với Reuters.

Trung Quốc chưa bao giờ đề cập đến bất kỳ hoạt động triển khai tên lửa nào tại biển Đông, nhưng họ khẳng định các cơ sở hạ tầng quân sự ở Trường Sa chỉ thuần túy nhằm mục đích tự vệ, và tuyên bố họ có thể làm bất cứ điều gì trên lãnh thổ của mình.

Ông Greg Poling, chuyên gia về biển Đông của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế có trụ sở tại Washington, nói rằng việc triển khai tên lửa trên các đảo tiền tiêu sẽ rất quan trọng.

Đây sẽ là những tên lửa đầu tiên trên Trường Sa, cả tên lửa chống hạm và đất đối không”, ông Greg Poling nói.

Chuyên gia của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế nói thêm rằng việc triển khai lắp đặt tên lửa như vậy đã được dự báo từ năm ngoái khi Trung Quốc xây dựng các hầm chứa tên lửa trên các rạn san hô và họ đã triển khai hệ thống tên lửa như vậy trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Ông Poling nhấn mạnh rằng việc triển khai tên lửa tại Trường Sa sẽ là bước tiến lớn trên con đường Trung Quốc thống trị biển Đông – một tuyến hàng hải quốc tế quan trọng.

Trước khi [Trung Quốc] tiến hành việc này, nếu bạn là một bên tranh chấp lãnh thổ [biển Đông]… bạn biết rằng Trung Quốc đang giám sát mọi hoạt động của bạn. Bây giờ bạn sẽ biết thêm rằng bạn đang hoạt động trong tầm phóng tên lửa của Trung Quốc. Đó là một mối đe dọa tiềm ẩn khá mạnh mẽ”, ông Poling cảnh báo.

Kênh CNBC thông tin thêm rằng các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B cho phép Trung Quốc thực hiện tấn công vào tàu chiến trong phạm vi 295 hải lý. Trong khi đó, các tên lửa đất đối không HQ-9B có thể nhắm mục tiêu vào phi cơ chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý.

Vào tháng trước, Đô đốc Mỹ Philip Davidson, người mới được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói rằng “các căn cứ hoạt động tiền tiêu” của Trung Quốc trên biển Đông dường như đã hoàn thiện.

Điều duy nhất mà [Trung Quốc] còn thiếu là triển khai bộ binh. Một khi điều đó được thực hiện, Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng của mình ra hàng ngàn dặm xuống phía nam và các dự án sâu trong lòng Đại dương”, Đô đốc Philip Davidson nhấn mạnh.

Ông Davidson nói thêm rằng Trung Quốc có thể sử dụng các căn cứ này để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và “sẽ dễ dàng áp đảo lực lựng quân đội của các bên khác cũng đang yêu sách chủ quyền trên biển Đông”.

Trung Quốc bây giờ có khả năng kiểm soát biển Đông trong tất cả các kịch bản chiến tranh ngắn hạn với Mỹ”, ông Davidson thừa nhận.

Xuân Thành

Xem thêm: