Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) hôm Chủ Nhật 23/7 đưa tin, hơn 200 cư dân trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc đang chiếm đóng đã được xem bộ phim khai rạp đầu tiên được mở trên đảo này. Đây là một phần trong nỗ lực gọi là “làm phong phú thêm đời sống tin thần” của binh lính và dân cư trên hòn đảo tranh chấp bị Trung Quốc chính thức chiếm đóng từ năm 1956.

phu lam
Cơ sở du lịch trên đảo Phú Lâm

Theo CCTV, rạp mới có tên Yinlong – Rồng Bạc thuộc sở hữu của Công ty Phim Hải Nam, được trang bị nhiều công nghệ hiện đại như một màn hình rộng độ phân giải 4K và một màn hình 3D. Tân Hoa Xã gọi đây là “rạp chiếu phim cực nam của đất nước” Trung Quốc.

Ông Gu Shaoqiang, Chủ tịch Tập đoàn Phim Hải Nam được báo chí Trung Quốc trích lời cho biết với rạp chiếu phim mới, cư dân đảo có thể tận hưởng những dịch vụ của rạp chiếu phim như người dân ở bất cứ nơi nào thuộc Trung Quốc. Rạp chiếu phim đươc mô tả là sẽ chiếu ít nhất 1 phim một ngày, trong đó có nhiều phim bom tấn tại Trung Quốc và thế giới.

Phú Lâm là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa. Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, Đài Loan cũng đòi chủ quyền với quần đảo này.

Theo tờ Washington Post, số lượng cư dân trên đảo Phú Lâm (Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng) được cho là 2.000 người, 3/4 trong số đó là binh lính.

Bộ phim khai rạp là phim tài liệu có tựa đề “Sự vĩnh hằng của Tiêu Dụ Lộc”, (nhân vật Đảng Cộng Sản Trung Quốc ca tụng là hình mẫu trung thành mẫu mực dưới thời Mao Trạch Đông). Có 200 người đã tới xem. Mô hình rạp chiếu phim này được cho sẽ được Bắc Kinh nhân rộng ra các đảo chiếm đóng khác trên biển Đông để binh lính Trung Quốc giải trí vào thời gian rảnh.

Đảo Phú Lâm (tên quốc tế: Woody Island) là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Hoàng Sa mà cả Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền. Trung Quốc từ lâu đã chiếm phần lớn quần đảo này và quần đảo Trường Sa phía nam, tuyên bố họ có “quyền lịch sử” với cái gọi là đường 9 đoạn trên biển Đông. Tuyên bố đường 9 đoạn đã bị Toà Trọng tài Quốc tế tại The Hague, Hà Lan phủ nhận vào năm ngoái.

Trung Quốc không công nhận phán quyết của toà và đẩy mạnh các hoạt động củng cố hiện diện của mình trên các hòn đảo nhỏ bé, thường cô lập trên biển Đông. Năm ngoái, truyền thông phương Tây đưa tin các ảnh chụp vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã đưa tên lửa đất đối không ra đảo Phú Lâm.

Năm 2012, Trung Quốc lập thành phố Tam Sa để quản lý các đảo mà họ chiếm đóng và tuyên bố chủ quyền. Chính quyền Tam Sa đặt trên đảo Phú Lâm. Bắc Kinh còn cho xây dựng một trường học, bệnh viện và thậm chí hệ thống mạng 4G trong nỗ lực được xem là nhằm xây dựng một thành phố có thể sống bình thường trên Phú Lâm. Tờ Tân Hoa Xã đưa tin Tam Sa hiện đã có một sân vận động và tổ chức được nhiều hoạt động văn hoá làm phong phú đời sống cho người dân.

Ngoài ra còn có các cuộc thảo luận nhằm biến hòn đảo Phú Lâm trở thành điểm “du lịch yêu nước” hay thậm chí trung tâm ngân hàng ngoài khơi của Trung Quốc.

Đức Trí (t/h)

Xem thêm: