Giới chức Trung Quốc hôm thứ Sáu (12/7) đã nói rằng họ sẽ áp đặt chế tài lên các công ty Mỹ liên quan tới một thương vụ bán xe tăng, tên lửa và các thiết bị liên quan trị giá 2,2 tỷ USD cho Đài Loan. Chế độ Bắc Kinh cho rằng thương vụ vũ khí này gây tổn hại cho chủ quyền và an ninh quốc gia Trung Quốc.

khôn lỏi
(Ảnh minh họa/Shutterstock)

Trước đó, vào đầu tuần này, Bộ Quốc phòng Mỹ thông báo rằng Bộ Ngoại giao nước này đã chuẩn thuận gói bán vũ khí theo yêu cầu của Đài Loan gồm 108 xe tăng M1A2T Abrams của Tập đoàn General Dynamics và 250 tên lửa phòng không vác vai Stinger của Tập đoàn Raytheon, cùng nhiều khí tài quân sự hiện đại khác.

Washington cho biết gói vũ khí này sẽ không làm thay đổi cán cân quân sự cơ bản trong khu vực. Tuy nhiên giới chức Trung Quốc đã lên tiếng yêu cầu Mỹ phải hủy bỏ thương vụ này.

Tuyên bố của Trung Quốc về việc sẽ chế tài các công ty Mỹ liên quan tới bán vũ khí cho Đài Loan nêu trên đến vào thời điểm Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang ở New York trên hành trình tới thăm 4 đồng minh Caribê – chuyến đi cũng khiến Trung Quốc giận dữ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng gói vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan đã cấu thành “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh các mối quan hệ quốc tế.

Ông Cảnh cũng gọi đó là vi phạm nghiêm trọng quy tắc “một Trung Quốc” mà theo đó Mỹ đặt mối quan hệ ngoại giao cấp nhà nước chính thức với Bắc Kinh, không phải Đài Bắc.

Để bảo vệ lợi ích quốc gia, Trung Quốc sẽ áp đặt chế tài lên các doanh nghiệp Mỹ liên quan tới gói bán vũ khí cho Đài Loan nêu trên,” ông Cảnh nói.

Reuters cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã từ chối bình luận về phát ngôn mới nhất của Trung Quốc và các công ty Mỹ liên quan tới thương vụ vũ khí với Đài Loan cũng chưa đưa ra bình luận gì. Thực tế, ngoại giới cũng không rõ liệu chế tài của Trung Quốc có gây ảnh hưởng gì tới các doanh nghiệp Mỹ hay không vì các nhà thầu quốc phòng Mỹ này đã bị cấm giao thương với chế độ Bắc Kinh từ sau vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989.

Mặc dù không có mối quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan kể từ năm 1979, nhưng chính phủ Mỹ, theo quy định của luật Mỹ, được phép hỗ trợ Đài Loan tự vệ và Washington cũng là nguồn cung vũ khí chính cho Đài Bắc.

Chế độ Trung Quốc luôn coi Đài Loan là tỉnh ngoài khơi xa của mình và chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan về dưới sự cai trị của chính quyền cộng sản Trung Quốc.

Trong chuyến thăm thủ đô Budapest, Hungary hôm thứ Sáu (12/7), Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng lên tiếng cảnh báo rằng Washington không nên “đùa với lửa” trong vấn đề Đài Loan.

Ông Vương cho biết không thế lực nước ngoài nào có thể ngăn cản tiến trình tái thống nhất của Trung Quốc và không thế lực nước ngoài nào nên cố gắng can thiệp vào tiến trình này.

Chúng tôi thúc giục Mỹ hãy công nhận đầy đủ tính nghiêm trọng của vấn đề Đài Loan… và đừng đùa với lửa về vấn đề Đài Loan,” ông Vương nói trong buổi họp báo tại Budapest.

Lần gần nhất Tổng thống Đài Loan tới Mỹ là vào tháng Ba vừa qua. So với lần đó, lần quá cảnh Mỹ của bà Thái trong chuyến công du các nước Caribê hiện tại có thời gian dài bất thường. Các nhà phân tích chính trị quốc tế cho rằng việc quá cảnh mở rộng tới 4 đêm trên đất Mỹ của Tổng thống Đài Loan, đã nhấn mạnh sự ủng hộ của chính quyền Trump đối với bà Thái vào thời điểm bà đã đang gặp phải áp lực ngày càng gia tăng từ Trung Quốc.

Trước phản ứng của Bắc Kinh về sự có mặt của Tổng thống Đài Loan trên đất Mỹ, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói rằng không có thay đổi nào trong chính sách “một Trung Quốc” và việc Washington cho phép bà Thái quá cảnh như vậy “xuất phát từ việc cân nhắc tới sự an toàn, thoải mái, thuận tiện và địa vị của vị quan khách này.

Xuân Thành