Chế độ Trung Quốc hôm thứ Ba (6/8) đã đe dọa sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung đất đối không tại Châu Á. Bắc Kinh đồng thời cảnh báo các đồng minh của Mỹ rằng họ sẽ phải nhận hậu quả nếu cho phép Mỹ đặt tên lửa loại này trên lãnh thổ của mình.

Mỹ lên kế hoạch phát triển tên lửa tầm trung đất đối không
Mỹ lên kế hoạch phát triển tên lửa tầm trung đất đối không sau khi chính thức rút khỏi hiệp ước INF. (Ảnh: (Air Force/Public Domain)

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm thứ Bảy (3/8) nói rằng ông ủng hộ việc sớm lắp đặt tên lửa tầm trung đất đối không tại Châu Á, có thể triển khai ngay trong vài tháng tới.

Hôm thứ Sáu (2/8), Mỹ đã chính thức rút khỏi Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), ký với Liên Xô (sau này Nga kế thừa trách nhiệm) từ năm 1987, trong đó cấm các bên tham gia thỏa thuận thử hoặc sở hữu tên lửa hành trình và đạn đạo thông thường và hạt nhân tầm trung có tầm bắn khoảng 500km đến 5.000km.

Chính quyền Trump cáo buộc Nga hàng thập kỷ qua đã vi phạm INF và điều đó Mỹ buộc phải rút khỏi thỏa thuận kiểm soát vũ khí này. Tuy nhiên, việc rút khỏi INF cũng cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển vũ khí mới đối phó với Trung Quốc, nước tự hào có lực lượng tên lửa mặt đất ngày càng hiện đại. Bắc Kinh không phải là một bên của hiệp ước INF và ít nhất ba lần họ từ chối tham gia thỏa thuận này theo đề nghị của Mỹ.

Trong buổi họp báo tại Bắc Kinh hôm 6/8, ông Fu Cong – Tổng giám đốc của bộ phận kiểm soát vũ khí tại Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh “sẽ không ngồi yên” xem Mỹ đặt tên lửa tại Châu Á.

Nếu Mỹ triển khai tên lửa trong khu vực này của thế giới, ngay trước thềm cửa Trung Quốc, Trung Quốc sẽ buộc phải thực hiện các biện pháp đáp trả,” ông Fu Cong nói với báo giới.

Tôi kêu gọi các nước láng giềng của chúng tôi hãy thực hiện thận trọng và không cho phép Mỹ triển khai tên lửa tầm trung trên lãnh thổ của họ,” ông Fu Cong nhấn mạnh.

Vị quan chức Trung Quốc này đặc biệt đề cập trực tiếp tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Úc, cảnh báo rằng việc cho Mỹ đặt tên lửa tầm trung trên lãnh thổ sẽ không phục vụ cho lợi ích an ninh quốc gia của các nước này.

Ông Fu Cong không nói rõ Trung Quốc sẽ đáp trả Mỹ thế nào, nhưng cho biết “mọi thứ sẽ sẵn sàng” nếu các đồng minh của Mỹ cho phép Washington lắp đặt tên lửa trên lãnh thổ của họ.

Ông Fu Cong cũng nhắc lại rằng Trung Quốc không quan tâm đến việc tham gia vào bất kỳ cuộc đàm phán ba bên nào với Mỹ và Nga để hướng tới những điều khoản mới về hạn chế loại vũ khí như vậy. Vị quan chức Trung Quốc này lập luận rằng phần lớn tên lửa của Trung Quốc không bắn tới lục địa Mỹ.

Vì khoảng cách lớn giữa kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc với các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Liên bang Nga, nên tôi không nghĩ là hợp lý hay công bằng để hy vọng Trung Quốc sẽ tham gia vào một cuộc đàm phán cắt giảm vũ khí tại giai đoạn này,” ông Fu Cong nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper và các quan chức chính quyền Trump đã cáo buộc Trung Quốc hành xử hung hăng gây mất ổn định khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Khẩu chiến về triển khai tên lửa tại Châu Á giữa Mỹ và Trung Quốc đã dấy lên quan ngại của cộng đồng quốc tế về một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực này.

Theo Reuters, Mỹ dự kiến sẽ thử tên lửa hành trình đất đối không trong vài tuần tới. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đặt mục tiêu sẽ thử tên lửa đạn đạo tầm trung vào tháng Mười Một.

Về phía Trung Quốc, do nước này không bị ràng buộc bởi hiệp ước INF, nên họ đã đang triển khai số lượng lớn tên lửa tầm trung và đã lắp đặt thiết bị quân sự tại các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trái phép trên Biển Đông.

Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã sử dụng ngân sách quốc phòng ngày càng tăng để xây dựng kho vũ khí tên lửa tiên tiến, nhiều tên lửa trong số này được thiết kế để tấn công hàng không mẫu hạm và căn cứ của Mỹ triển khai trong khu vực.

Trung Quốc cũng đang có những bước tiến nhanh chóng trong việc phát triển tên lửa siêu thanh, có thể cơ động mạnh và di chuyển với tốc độ gấp năm lần tốc độ âm thanh hoặc nhanh hơn.

Reuters dẫn lời các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này chưa có khả năng phòng thủ trước tên lửa siêu thanh và đang phải nỗ lực phát triển vũ khí và chiến lược mới để đối phó với loại tên lửa hiện đại này.

Như Ngọc

Xem thêm: