Các công ty Trung Quốc và Solomon đã đạt thỏa thuận tái thiết mỏ vàng bỏ hoang Gold Ridge tại quần đảo Thái Bình Dương này. Theo Reuters, các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư 825 triệu USD để xây dựng và sau đó có quyền kiểm soát các cơ sở sản xuất điện, bến cảng, đường bộ, đường sắt và cầu trên đảo Guadalcanal, thuộc Quần đảo Solomon.

Mỏ Gold Ridge cách thủ đô Honiara, Quần đảo Solomon khoảng 30km về phía nam
Mỏ Gold Ridge cách thủ đô Honiara, Quần đảo Solomon khoảng 30km về phía nam. (Ảnh từ Taiwan News)

Ông Xue Bing, Đại sứ Trung Quốc tại Papua New Guinea, gần Quần đảo Solomon tham dự buổi lễ công bố dự án Gold Ridge cuối tuần qua đã gọi dự án này là “vụ thu hoạch sớm” của mối quan hệ ngoại giao mới giữa Bắc Kinh và Honiara và gia tăng chỗ đứng của Trung Quốc tại Thái Bình Dương, nơi trước nay vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Mỹ và đồng minh.

Mặc dù cư dân địa phương ban đầu bày tỏ lo lắng rằng thỏa thuận mỏ Gold Ridge sẽ khiến Quần đảo Solomon gánh nợ Trung Quốc, nhưng những người tham gia buổi lễ công bố dự án đã được các bên liên quan thông báo rằng Solomon sẽ không phải chi trả cho dự án này, toàn bộ do các công ty Trung Quốc đầu tư và hưởng quyền kiểm soát, theo Reuters dẫn từ tư liệu buổi lễ công bố dự án.

Công ty Khai khoáng Quốc tế Wanguo, Trung Quốc đã niêm yết cổ phiếu tại Hồng Kông là chủ đầu tư dự án Gold Ridge và họ sẽ nắm quyền sở hữu mọi cơ sở hạ tầng nào liên quan tới dự án này, Reuters dẫn theo các điều khoản dự án được ban tổ chức trình bày cho người tham dự buổi công bố.

Wanguo đã ký hợp đồng với Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc (China Railway) hợp đồng trị giá 825 triệu USD để doanh nghiệp này hoàn thành các công trình tại Gold Ridge theo nhiều giai đoạn.

Mỏ Gold Ridge cách thủ đô Honiara của Solomon khoảng 30km về phía nam. Những người tham gia buổi lễ công bố dự án vào cuối tuần qua được thông tin rằng hợp đồng lớn này sẽ liên quan tới một phức hợp cơ sở hạ tầng quan trọng vượt ngoài khu vực khai mỏ đơn thuần.

Đại sứ Xue Bing nói tại buổi lễ: “Chỉ có Trung Quốc, xuất phát từ tình hữu nghị và phúc lợi của người dân địa phương, mới sẵn sàng vượt qua tất cả những trở ngại để thực hiện dự án này bằng cách lên kế hoạch xây dựng đường bộ, cầu, các cơ sở khai mỏ và công trình thủy điện.

Cơ sở hạ tầng nêu trên sẽ được xây dựng trong và xung quanh Honiara, trên đảo Guadalcanal – một địa điểm chiến lược tại Thái Bình Dương, nơi đã chứng kiến cuộc chiến khốc liệt trong Thế Chiến II.

Mặc dù cả chính phủ Solomon, công ty China Railway và các nhà điều hành dự án này đều bác bỏ bất kỳ liên quan chính trị nào đến dự án khai mỏ này, nhưng trong buổi lễ công bố, dự án lại được coi như một ví dụ về những gì mà mối quan hệ mới giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon có thể mang lại.

Đây không chỉ là khởi đầu mới của mỏ Gold Ridge, mà cũng là vụ thu hoạch sớm rất quan trọng của sự hợp tác hữu hảo giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon, mối quan hệ ngoại giao vừa mới được thiết lập được 35 ngày,” Đại sứ Xue Bing nói tại buổi lễ.

Theo hãng tin Đài Loan Taiwan News, mỏ Gold Ridge hoạt động từ năm 1998, nhưng trong hai thập kỷ qua, hoạt động khai thác thường xuyên bị đình trệ bởi tình trạng bất ổn xã hội, thảm họa môi trường và các vụ bê bối tài chính liên quan đến các chủ cũ. Năng lực sản xuất của mỏ Gold Ridge đạt đỉnh cao vào năm 2012 với doanh thu chiếm khoảng 20% GDP của Quần đảo Solomon.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP của Quần đảo Solomon năm 2018 là khoảng 1,4 tỷ USD với nguồn thu chính từ xuất khẩu gỗ. Với mức GDP này, Solomon là một trong những nền kinh tế nhỏ nhất thế giới.

Mỏ Gold Ridge vận hành lần cuối vào năm 2014, sau đó dừng hoạt động do bị ảnh hưởng bởi nhiều trận lũ lụt, đặc biệt là vụ một con đập bị vỡ vào năm 2015. Chính quyền Honiara từ sau đó xếp mỏ Gold Ridge là “vùng thảm họa”.

Dự án Gold Ridge đã được truyền thông Quần đảo Solomon và công ty China Railway công bố từ hồi cuối tháng Chín.

Theo Taiwan News, chính phủ Quần đảo Solomon vào ngày 12/9 đã ký với China Railway thỏa thuận 825 triệu USD xây dựng và cho thuê hệ thống đường sắt và trạm dịch vụ khai khoáng tại mỏ Gold Ridge. Thỏa thuận này có thời hạn tới năm 2034 và được ký kết chỉ vài ngày trước khi Quần đảo Solomon chính thức cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan và thiết lập quan hệ chính thức với Trung Quốc Đại Lục.

Vào cuối tháng Chín, Thời báo Solomon đã đưa tin về thỏa thuận nêu trên và chỉ ra 6 điểm quan trọng của thỏa thuận này như sau:

  1. Khoản vay 825 triệu USD là gần gấp hai lần ngân sách của chính phủ Solomon năm 2019.

  2. Số tiền này cũng chỉ thấp hơn một chút so với tổng thu nhập quốc nội (GDP) của Solomon trong năm 2018.

  3. Nợ chính phủ của Solomon cho tới tháng 6/2019 (nội bộ và bên ngoài) ở mức 1,03 tỷ SBD (tiền Solomon), đưa tỷ lệ nợ công của nước này lên mức trên 10% GDP.

  4. Nếu tính cả khoản vay China Railway thì nợ công của Solomon đã đạt tỷ lệ nợ/GDP ở mức gần 23%.

  5. Nếu tính thêm các dự án như thủy điện Tina và các khoản vay cơ sở hạ tầng khác vào nợ công, thì tỷ lệ nợ/GDP của Solomon sẽ ít nhất ở mức 45%.

  6. Tỷ lệ nợ/GDP như vậy là đã cao hơn mức 35% mà các cơ quan tài chính quốc tế quy định.

Thời báo Solomon khi đó đã dẫn phát biểu của một quan chức từ bộ tài chính nước này nói rằng: “Vấn đề lớn là chúng ta sẽ trả khoản nợ này như thế nào? Mỗi 100 đồng kiếm được, chúng ta sẽ phải để ra 45 đồng trả nợ.

Chúng ta biết rằng những nguồn tài nguyên chính mà chúng ta phụ thuộc vào đang suy giảm, chỉ có ngành công nghiệp khác là khai mỏ, đủ lớn để giúp chi trả các khoản nợ, nhưng hiện tại ngành này lại đang trong tình trạng lộn xộn,” nguồn tin trên nói thêm.

Vị quan chức ngành tài chính giấu tên nhấn mạnh rằng các khoản vay của chính phủ hiện nay là cho cơ sở hạ tầng, và không có nhiều khoản cho ngành sản xuất, như ngành chế biến hải sản.

Reuters cho biết họ đã liên hệ với Tập đoàn Wanguo để yêu cầu trả lời thêm về dự án Gold Ridge, nhưng không nhận được phản hồi. Chính phủ Solomon hôm thứ Tư (30/10) cũng chưa trả lời chất vấn của Reuters. Trước đó, chính phủ Solomon nói rằng Gold Ridge là thỏa thuận tư nhân và không liên quan đến các thỏa thuận thương mại của chính phủ.

Nhà lập pháp đối lập Peter Kenilorea nói với Reuters rằng thỏa thuận Gold Ridge là không rõ ràng và các điều khoản của thỏa thuận này cần phải được các bên liên quan giải thích thấu đáo hơn.

Xuân Thành

Xem thêm: