Đạo luật dẫn độ gây tranh cãi nhiều khả năng được thông qua sẽ hủy hoại một cách không thể cứu vãn nền pháp trị độc lập cũng như sự hấp dẫn của trung tâm thương mại quốc tế Hồng Kông. Và điều nguy hiểm là giới lãnh đạo ở Trung Quốc sẵn sàng chấp nhận hậu quả thảm họa này để đánh dập đầu tinh thần cứng cỏi và khát vọng tự do của những người không muốn sống cúi đầu trước cường quyền Bắc Kinh.

hong kong bieu tinh2
Người biểu tình Hông Kông rút chạy trong làn khói của đạn hơi cay (Ảnh: Youtube)

Vài ngày qua, thế giới đã bàng hoàng trước cuộc biểu tình biến thành bạo loạn tại Hồng Kông, chống lại dự luật cho phép dẫn độ nghi phạm từ Hồng Kông tới Trung Quốc đại lục. Hơn 1 triệu người, khoảng 1/7 dân số Hồng Kông đã tràn xuống đường vào ngày 9 và 12 tháng 6. Nỗ lực bao vây tòa nhà lập pháp để khẳng định tiếng nói của họ đã bị lực lượng 5.000 cảnh sát với đạn cao su, lựu đạn khói cay, dùi cui và bình xịt hơi cay đánh tan. Mức độ bạo lực được sử dụng để giải tán người biểu tình còn lớn hơn những gì được chứng kiến trong phong trào Ô Dù 2014.

Tuy nhiên, bất chấp thái độ cương quyết của một phần bảy dân số thành phố, Bắc Kinh vẫn khăng khăng ý định của mình. Thay vì rút lại dự luật để xoa dịu dư luận như thường thấy ở một thể chế dân chủ thực sự, giới lãnh đạo Hồng Kông bị chính quyền Trung Quốc cầm đầu vẫn khăng khăng dự luật là đúng và định ngày đem ra bỏ phiếu tại Hội đồng Lập pháp (Legco) vào cuối tháng này. Trong Legco cũng có đa số là nghị sĩ do Bắc Kinh đưa vào, sau thất bại của phong trào biểu tình Ô Dù năm 2014, khiến quyền tự do đầu phiếu của người Hồng Kông bị tước đoạt. Tuy nhiên việc thông qua của luật dẫn độ không chỉ là thảm họa cho Hồng Kông, mà còn cho Trung Quốc.

carrie lam cry
Bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), trưởng đặc khu Hồng Kông, khóc trên video phỏng vấn sau cuộc biểu tình 12/6.

Đạo luật này, nếu được thông qua, sẽ vi phạm cam kết của Trung Quốc về một đặc khu Hồng Kông “một quốc gia, hai chế độ”. Trong khi cho Bắc Kinh cơ sở pháp lý để thò tay bắt bất cứ ai mà nó cho là “kẻ thù của nhà nước”, điều luật này sẽ tiêu hủy tự do của người Hồng Kông cũng như những người nước ngoài sống và làm việc ở đây.

Mặc dù dự luật không chính thức áp dụng cho các tội chính trị, nhưng gần như chắc chắn Bắc Kinh sẽ biến nó thành chính trị. Dưới hệ thống pháp lý của Trung Quốc vốn được điều khiển bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc thì sự tách bạch giữa các vi phạm chính trị và tội phạm khác là mờ nhạt đến vô vọng. Trên thực tế, chính quyền của ĐCSTQ ngày càng gia tăng đàn áp những người bất đồng chính kiến, các nhà vận động nhân quyền, dân chủ bằng cách vu cho họ những tội thông thường, chẳng hạn như “gây mất trật tự xã hội”, “kích động bạo lực” hoặc “kinh doanh bất hợp pháp”.

Tuy nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nên biết rằng thế giới bên ngoài đang theo dõi sát sao diễn biến ở Hồng Kông. Nếu tiếp tục con đường này, các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ sẽ có thể đưa ra các biện pháp buộc Bắc Kinh trả giá.

Từ khi Hồng Kông trở về sự kiểm soát của chính quyền Trung Quốc năm 1997, các chính phủ phương Tây vẫn duy trì ưu tiên kinh tế đặc biệt để giúp thành phố này trở thành một trung tâm tài chính, dịch vụ hàng đầu thế giới như ngày này. Năm 1992, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật Chính sách Mỹ – Hồng Kông nhằm đối xử với thành phố này như một thực thể tách biệt khỏi Trung Hoa cộng sản. Đạo luật này trao cho Hồng Kông nhiều lợi thế thương mại và kinh tế, như quyền tiếp cận đến các công nghệ nhạy cảm, tự do trao đổi giữa đô la Mỹ và đô la Hồng Kông.

Nhưng những lợi ích này chỉ tồn tại chừng nào mà Trung Quốc tuân theo các cam kết dưới Tuyên bố Chung Anh-Trung 1984, văn bản quy định các điều khoản điều kiện để Anh trao trả Hồng Kông về Trung Quốc. Ngoài nhiều cam kết khác, Trung Quốc hứa sẽ duy trì nền tự trị, tự do và pháp trị ở mức độ cao cho Hồng Kông trong 50 năm.

Đạo luật Mỹ-Hồng Kông cũng có biện pháp đề phòng trường hợp Trung Quốc vi phạm các cam kết của mình. Cụ thể, nó trao cho Tổng thống Mỹ quyền ra một sắc lệnh hành pháp ngay lập tức nếu ông ta cảm thấy “Hồng Kông không có quyền tự trị đầy đủ để được hưởng ưu đãi theo một điều luật cụ thể của Mỹ”. Khi đưa ra quyết định này, tổng thống cần phải cân nhắc “các điều khoản, trách nhiệm và kỳ vọng được bày tỏ trong Tuyên bố Chung 1984 về Hồng Kông”.

Thậm chí chỉ đọc lướt qua Đạo luật Mỹ – Hồng Kông thì giới lãnh đạo Trung Quốc cũng phải thấy rõ rằng hành động của họ trong những năm gần đây đã phá hoại nghiêm trọng tình trạng của Hồng Kông như một thực thể tự trị. Những hành động này được thấy rõ trong việc bắt cóc 5 nhà xuất bản sách Hồng Kông, việc tuyên bố các nhà lập pháp chống Bắc Kinh thắng cử không đủ tiêu chuẩn dựa trên các căn cứ mơ hồ và việc tống giam nhiều lãnh đạo của phong trào biểu tình sinh viên. Đối với Mỹ, việc thông qua dự luật dẫn độ này rất có thể sẽ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly.

Cuộc đối đầu công khai giữa Bắc Kinh và người dân Hồng Kông sẽ cho phe diều hâu tại Washington, những người vẫn luôn vận động cho một lập trường cứng rắn chống lại chính phủ Trung Quốc, một cơ sở để làm như vậy. Việc hủy bỏ các đặc quyền của Hồng Kông sẽ là ưu tiên số một của họ, bởi nó sẽ làm tổn thương Trung Quốc một cách sâu sắc.

trump
Với vấn đề ở Hồng Kông, ông Trump có thêm một con bài để đối đầu với Mỹ trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc

Trong tình hình hiện nay, khi mà chiến tranh lạnh kinh tế Mỹ-Trung đang leo thang, các rào cản thuế quan, quy định và luật lệ tăng lên khiến các công ty Trung Quốc khó gây vốn ở Mỹ, Hồng Kông sẽ trở thành một tài sản vô cùng có giá trị cho Trung Quốc với tư cách là một trung tâm tài chính. Nhưng nếu Mỹ quyết định rút lại các ưu tiên ban cho Hồng Kông thì giá trị của trung tâm tài chính này sẽ bị giáng một đòn chí tử. Các công ty Trung Quốc sẽ bị chặn tiếp cận tới tư bản và giá trị của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc được niêm yết trên sàn Hồng Kông sẽ sụt giảm.

Thêm vào đó, sức hấp dẫn của một thành phố “tự do, tự trị” sẽ bị đánh mất trong khi các tập đoàn quốc tế buộc phải tháo chạy khỏi nguy cơ mất trắng sản nghiệp từ Bắc Kinh. Mất đi trung tâm tài chính Hồng Kông, cái giá phải trả đối với nền kinh tế Trung Quốc là khó đong đếm, nhưng đến nay giới cầm quyền Bắc Kinh liều lĩnh và đầy tham vọng dường như vẫn muốn đánh canh bạc này.

Người dân Hồng Kông chưa chịu thua. Vẫn có những cuộc biểu tình ôn hòa diễn ra trước tòa nhà lập pháp, và vào ban đêm, những tiếng thánh ca của những người Ki-tô hữu cầu nguyện cho tương lai của Hồng Kông vẫn vang lên. Đã có những lời kêu gọi biểu tình với quy mô còn lớn hơn nữa vào cuối tuần này và dường như đó là điều sẽ xảy ra. Các nước phương Tây đã lên án luật dẫn độ cùng bạo lực của cảnh sát, nhưng đến nay, điều duy nhất có thể cứu vớt tự do, quyền tự trị và sức sống của Hồng Kông, chính là những người dân của thành phố này, cùng sự huy sinh đến mức độ mà chưa ai có thể biết được của họ.

hong kong bieu tinh
Những người biểu tình chuẩn bị đầy đủ đồ bảo hộ thân thể trước dùi cui và hơi cay của cảnh sát (Youtube)

Trọng Đức