Dân biểu Lou Barletta của bang Pennsylvania mới đây có bài bình luận trên Fox News chỉ ra rằng đất hiếm của Trung Quốc là thứ đang tác động sâu rộng tới mọi thứ tại Mỹ từ an ninh quốc gia tới điện thoại di động của người dân.

dat_hiem
Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới. (Ảnh: ShutterStock)

Đất hiếm gọi tắt là REE là nguyên liệu quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn mà mọi thiết bị công nghệ như điện thoại di động, máy tính, ô tô và cả các hệ thống vũ khí quốc phòng trọng yếu đều phải cần đến.

Theo Dân biểu Lou Barletta, cuộc sống hàng ngày của người Mỹ đang bị Trung Quốc kiểm soát vì hai nguyên nhân:

Thứ nhất, Trung Quốc đang là nước có trữ lượng đất hiếm và khai thác sản lượng đất hiếm lớn nhất thế giới. Năm ngoái, Trung Quốc sản xuất hơn 80% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Tính từ năm 2013 tới 2016, 78% nguồn cung đất hiếm cho Mỹ tới từ Trung Quốc.

Đất hiếm có mặt trong mọi sản phẩm công nghệ nên có đóng góp lớn vào tổng sản lượng quốc gia. Riêng tại Bắc Mỹ, đất hiếm đóng góp tới hơn 329 tỷ USD trong tổng sản lượng kinh tế.

Thứ hai, lịch sử cho thấy Trung Quốc sẵn sàng dùng đòn bẩy đất hiếm để chiếm lợi thế trong các xung đột, mâu thuẫn với các nước khác. Vào năm 2010, chế độ Bắc Kinh đã tạm dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản khi hai nước này gia tăng mâu thuẫn về lãnh thổ biển đảo tại biển Hoa Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã nhận thấy được mối đe dọa từ Trung Quốc đối với an ninh quốc gia Mỹ liên quan đến nguyên liệu đất hiếm.

Lầu Năm Góc vừa qua cũng đã trình bày với Tổng thống Donald Trump báo cáo nhấn mạnh tới các lỗ hổng trong cơ sở công nghiệp và sản xuất quốc phòng Mỹ. Và một trong những quan ngại lớn nhất của Bộ Quốc phòng là việc Trung Quốc đang kiểm soát nguồn cung của nhiều vật liệu quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ, trong đó có đất hiếm.

Mối đe dọa từ Trung Quốc là rõ ràng, người Mỹ cũng đã nhận ra điều đó và đã có những bước chuẩn bị đối phó.

Theo Dân biểu Lou Barletta, Mỹ có thể khai thác đất hiếm với sản lượng lớn ngay trong lãnh thổ đất nước, tại chính bang Pennsylvania của Dân biểu này.

Ông Lou Barletta cho biết đất hiếm có nhiều trong than đá tại các mỏ than ở bang Pennsylvania, miền đông bắc nước Mỹ. Các mỏ than này đã được khai thác thương mại hơn 150 năm qua.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các mỏ than đá Appalachian ở Pennsylvania chứa hàm lượng đất hiếm cao nhất so với các mỏ than khác trong nước Mỹ. Các nhà nghiên cứu Mỹ đã tìm được cách để trích xuất đất hiếm từ các phế phẩm than Appalachian thân thiện với môi trường hơn các cách thức truyền thống và cũng tốn ít năng lượng hơn.

Ông Lou Barletta nói rằng chính quận 11 tại Pennsylvania mà ông đại diện cũng đã cam kết tài trợ cho một dự án thí điểm nghiên cứu khả năng trích xuất đất hiếm từ các phế phẩm của các hoạt động khai thác than đá hiện tại.

Dân biểu của Pennsylvania thúc giục chính phủ Mỹ phải đầu tư đáng kể vào nghiên cứu và dự án trích xuất đất hiếm nội địa để có thể chấm dứt phụ thuộc vào Trung Quốc.

Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tự sản xuất trong nước các nguyên liệu quan trọng. Làm được như vậy, chúng ta có thể tăng cường an ninh quốc gia, mang việc làm lương cao trở lại nước Mỹ và phát triển nền kinh tế đang bùng nổ của chúng ta”, ông Lou Barletta kết luận.

Trước khi, Dân biểu Lou Barletta dấy lên vấn đề nước Mỹ phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc, các chuyên gia khác cũng đã đề cập tới “vũ khí đặc biệt” này của chế độ Bắc Kinh trong thương chiến với Washington.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Trung Quốc gần như không thể dùng đòn bẩy đất hiếm để giành lợi thế trong đàm phán thương mại với Mỹ. Vì rằng, Trung Quốc cũng đang phụ thuộc lớn vào các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ, như chip bán dẫn để sản xuất các sản phẩm công nghệ tiêu dùng, cũng như quốc phòng.

Minh chứng cho sự phụ thuộc này là công ty viễn thông ZTE của Trung Quốc đã gần như phá sản khi bị chính phủ Trump cấm nhập khẩu chip của Mỹ vào tháng Năm và chỉ có thể khôi phục lại sản xuất khi chấp nhận nộp phạt 1 tỷ USD để được dỡ bỏ chế tài.

Nếu Trung Quốc dừng xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ, thì cũng đồng nghĩa với việc họ tự “lấy đá ghè chân mình”.

Xuân Thành

Xem thêm: