Một số chuyên gia quân sự tại Macau đầu tuần qua đã dấy lên nghi vấn rằng các hoạt động tập trận tăng cường gần đây của Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy chính quyền Đại lục đang chuẩn bị chiếm đảo Đài Loan bằng vũ lực.

Embed from Getty Images

Tàu chiến Đài Loan tuần tra gần cảng Cao Hùng vào đầu năm 2016

Tờ Hoa Nam Buổi Sớm (Hồng Kông) cho biết hôm Chủ Nhật (17/12), Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã công bố video một máy bay ném bom H-6K kết hợp cùng 2 chiến đấu cơ Su-30 thực hiện các cuộc tuần tra “xung quanh” vùng biển gần đảo Đài Loan. Trước đó chưa đầy một tuần, PLA cũng đã công khai đoạn băng về một đội chiến đấu cơ Trung Quốc tập trận gần Đài Loan.

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macau cho hay: “Các cuộc tuần tra ‘xung quanh đảo’ hiện tại là rất bất thường. Không lực [Trung Quốc] đang thực hiện các cuộc tuần tra thiết thực và lên kế hoạch kỹ càng gần Đài Loan để thu thập thông tin tình báo quân sự mới nhất”.

Ông Wong nói thêm rằng mặc dù các cuộc tuần tra không quân và hải quân của PLA trên khu vực này là không có gì mới và trong quá khứ nó chỉ mang tính chất biểu tượng, nhưng “bây giờ, phía Đại lục đang triển khai các thế hệ máy bay trinh sát mới và cũ, các chiến đấu cơ và hàng không mẫu hạm… cho thấy PLA đang đẩy mạnh việc chuẩn bị cuộc chiến với Đài Loan”.

Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm thứ Hai (18/12) nói rằng họ đã phát hiện PLA ngoài việc triển khai tuần tra bằng máy bay ném bom và chiến đấu cơ, còn cho các máy bay vận tải Yun-8 thực hiện những chuyến bay dài gần Đài Loan từ Chủ Nhật (17/12) đến thứ Hai (18/12).

>>Đài Loan tuyên bố sẵn sàng tự vệ khi bị Trung Quốc đe dọa

Các chuyên gia quân sự nhận định rằng mặc dù được xếp loại là máy bay vận tải, nhưng nhiều chiếc Yun-8 trong biên chế không lực Trung Quốc đã được lắp đặt các thiết bị thu thập thông tin tình báo. PLA vào tháng 11 thậm chí đã công khai triển khai máy bay trinh sát lớn nhất của họ là Tu-154 gần đảo Đài Loan.

Chuyên gia Antony Wong Dong thông tin rằng: “Tu-154 với việc trang bị radar khẩu độ lớn có thể khảo sát và lập bản đồ các căn cứ quân sự của Đài Loan. Điều này là rất hữu ích nếu Bắc Kinh triển khai không kích Đài Bắc”.

Kể từ khi lực lượng Quốc Dân Đảng của ông Tưởng Giới Thạch trốn chạy tới Đài Loan năm 1949 sau khi thất bại trong cuộc nội chiến với lực lượng Đảng Cộng Sản của ông Mao Trạch Đông, chế độ Bắc Kinh luôn coi đảo Đài Loan là một tỉnh ngoài khơi của họ. Do đó, Đại lục chưa bao giờ từ bỏ ý định sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền trung ương Bắc Kinh.

Ông  Zhou Chenming, nhà bình luận quân sự tại Bắc Kinh chỉ ra rằng đảo Đài Loan có tầm quan trọng chiến lược rất lớn đối với Trung Quốc Đại lục vì nó nằm ở vị trí trung tâm trong tuyến hàng hải tới Thái Bình Dương. Vì vậy, không có gì bất ngờ khi Eo biển Đài Loan luôn trở thành bãi tập trận chủ yếu của PLA.

Đài Loan là trở ngại chính ngăn PLA tiếp cận Tây Thái Bình Dương vì nó là một phần của ‘chuỗi đảo đầu tiên’, kiểm soát Trung Quốc Đại luc”, ông Zhou Chenming đánh giá.

Chuyên gia bình luận quân sự này cho rằng ‘chuỗi đảo đầu tiên’ là một loạt các quần đảo lớn nhỏ nằm giữa Trung Quốc với Thái Bình Dương. Phía Bắc Kinh vẫn luôn nhận định Hoa Kỳ đã sử dụng chuỗi đảo này như một rào chắn tự nhiên nhằm kiểm soát Trung Quốc kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Trung Quốc luôn tìm cách kiểm soát các chuỗi đảo này để phá vỡ thế bao vây mà Hoa Kỳ và đồng minh tạo ra.

Trong các cuộc diễn tập quân sự hôm 11/12 vừa qua, hàng không mẫu hạm của PLA đã đi qua Kênh Bashi giữa Đài Loan và Philippines, và Eo Miyako gần đảo Okinawa, Nhật Bản. Ngoại giới nhận định rằng hoạt động triển khai quân như vậy là minh chứng cho thấy Trung Quốc đã có khả năng phá vỡ thế trận của ‘chuỗi đảo đầu tiên’.

Ông Andrew Yang Nien-dzu, Tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Chính sách Cao cấp Trung Quốc ở Đài Bắc, nói với Tờ Hoa Nam Buổi Sớm rằng  mặc dù quy mô và phạm vi các màn diễn tập gần nhất của PLA cho thấy dấu hiệu rõ ràng về việc quân đội Trung Quốc ngày càng phát triển và tự tin hơn, nhưng không lực Đại lục vẫn có nhiều điều phải làm trước khi họ có thể cân nhắc khả năng triển khai “các cuộc chiến thực sự” trong trường hợp họ phát động chiến tranh xâm lược Đài Loan.

Ông Yang Nien-dzu nói: “Mật độ các cuộc tuần tra quanh [Đài Loan] tăng cao cho thấy PLA đang hướng tới trở thành lực lượng tác chiến sẵn sàng chiến đấu. Nhưng Đài Loan vẫn có khả năng phòng không để đối phó với bất kỳ cuộc không kích nào từ Đại lục”.

Chuyên gia hải quân Li Jie tại Bắc Kinh đánh giá rằng việc Đại lục tăng cường tập trung vào Đài Loan có lẽ được kích hoạt từ tình huống chính trị không ổn định gần đây trên hòn đảo này. Ông Li Jie cũng nói rằng vừa qua cũng đã có những dấu hiệu rõ hơn về việc Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ ủng hộ các nỗ lực tuyên bố độc lập chính thức của Đảng Dân chủ Tiến bộ trong nghị trình làm việc của quốc hội Đài Loan.

Ông Li cho rằng: “Những đối thủ sau cùng của PLA chính là Hoa Kỳ và Nhật Bản, trong đó Washington đang đóng vai trò quan trọng phía sau hậu trường về các vấn đề hai bờ eo biển [Đài Loan]”.

Hôm 11/12, Thông tấn xã trung ương Đài Loan đã thông tin rằng chính quyền Đài Bắc đã đề nghị Nhật Bản ủng hộ họ gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương Tiến bộ Toàn diện (CPTPP) – tên mới của Hiệp định Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Hoa Kỳ rút lui.

Việc Đài Loan xúc tiến tham gia sâu rộng hơn vào cộng đồng quốc tế là điều Trung Quốc không muốn và chế độ Đài Bắc tuyên bố độc lập chính thức là “lằn ranh đỏ” đối với Bắc Kinh. Do đó, Trung Quốc đang phô trương sức mạnh quân sự quanh Đài Loan để răn đe và phòng ngừa, cũng là bước chuẩn bị sẵn sàng cho việc dùng vũ lực trong trường hợp cần thiết.

Đại lục cần cập nhật tất cả các thông tin tình báo quân sự về Đài Loan, trong đó họ cần biết [chế độ Đài Bắc] có bao nhiêu chiến đấu cơ tàng hình, máy bay ném bom chiến lược, cũng như bất kỳ hoạt động triển khai quân sự nào của Hoa Kỳ và Nhật Bản tại Tây Thái Bình Dương. Thực hiện các cuộc tuần tra dày đặc quanh Đài Loan là một phần thiết yếu mà PLA chuẩn bị cho các hoạt động chiến tranh có thể diễn ra trong tương lai”, ông Li Jie nhấn mạnh.

Yên Sơn

Xem thêm: