Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn hôm thứ Tư (22/1) đã thúc giục Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tái xem xét tư cách thành viên cho Đài Loan trong bối cảnh thế giới cần chung tay ngăn chặn virus corona bùng phát từ Vũ Hán, Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh từ lâu đã ngăn cản Đài Bắc trở thành thành viên của các tổ chức quốc tế, trong đó có WHO.

Viêm phổi Vũ Hán
Chính quyền tỉnh Hồ Bắc tổ chức họp báo hôm 22/1 về dịch viêm phổi Vũ Hán (Ảnh: Xinhua)

Phát biểu hôm 22/1, Tổng thống Thái Anh Văn cho hay: “Không nên để yếu tố chính trị lên trên việc bảo vệ người dân. Tôi muốn một lần nữa thúc giục WHO không nên loại trừ Đài Loan vì các lý do chính trị. Đài Loan đang ở trên tiền tuyến của việc phòng dịch bệnh truyền nhiễm toàn cầu. WHO nên công nhận tư cách thành viên của Đài Loan.

Hôm thứ Năm (23/1), Thượng nghị sĩ Mỹ Tom Cotton đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố của bà Thái. Ông Cotton cũng đánh giá virus corona bùng phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019 là ví dụ cho thấy chủ nghĩa ngăn chặn của Trung Quốc có thể đã đặt nhiều nhân mạng vào vòng nguy hiểm.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Cotton nói thêm rằng việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục nỗ lực chặn tư cách thành viên của Đài Loan tại WHO trong thời điểm khủng hoảng sức khỏe quốc tế “một lần nữa cho thấy Bắc Kinh là nhân tố gây hại trên vũ đài thế giới”.

Chúng ta hãy cùng hy vọng cách hành xử thù địch của của họ không làm cho số người tử vong tăng cao hơn,” ông Cotton nói.

Được biết, Trung Quốc đã ngăn cản Đài Loan tham gia vào các cuộc họp của WHO từ khi bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan năm 2016. Bắc Kinh vẽ chân dung bà Thái là “kẻ ly khai” nguy hiểm và việc bà trở thành lãnh đạo Đài Loan khiến Trung Quốc cảm thấy cần thiết phải gia tăng cô lập hòn đảo dân chủ này. Trung Quốc trước nay vẫn chỉ coi Đài Loan là một tỉnh bán tự trị thuộc Bắc Kinh và sẽ được tái thống nhất vào đất mẹ, kể cả bằng vũ lực nếu cần.

Trao đổi với BBC sau khi chiến thắng vang dội trong cuộc tổng tuyển cử tự do tại Đài Loan hôm 11/1, bà Thái nói: “Chúng tôi không cần phải tự tuyên bố là một quốc gia độc lập. Chúng tôi đã là một quốc gia độc lập rồi và chúng tôi tự gọi mình là Cộng hòa Trung Hoa.

Bà Thái cho rằng chiến thắng bầu cử vang dội của bà minh chứng rằng người dân Đài Loan không mấy quan tâm tới đề xuất của Trung Quốc về việc thống nhất hòn đảo này về Đại Lục theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ”. Người Đài Loan xem mô hình này đã thất bại tại Hồng Kông, nơi vẫn đang tiếp diễn các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ, chống chính phủ.

Trung Quốc đặc biệt muốn ngăn cản Đài Loan gia nhập vào bất kỳ tổ chức quốc tế nào mà bên có tư cách thành viên có thể được coi là một quốc gia độc lập, trong đó có các tổ chức như WHO và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).

Việc giữ Đài Loan nằm ngoài WHO sẽ khiến hòn đảo dân chủ này không được quốc tế cập nhật, cũng như họ không thể cập nhật cho quốc tế các thông tin kịp thời vì sự lây lan của virus corona.

>>Bệnh nhân thứ 18 chết vì virus corona, Trung Quốc phong tỏa 8 thành phố

Thượng nghị sĩ Cotton là một trong những tiếng nói mạnh mẽ cáo buộc ĐCSTQ khiến cho virus corona lây lan nhanh hơn. Ông Cotton cho rằng ngay từ đầu ĐCSTQ đã cố tình phong tỏa thông tin và giảm nhẹ tính nguy hiểm của loại virus chết người bùng phát tại Vũ Hán.

Nhiều người Trung Quốc bản thân họ cũng tin rằng việc chính quyền giữ bí mật và kiểm duyệt thông tin bệnh dịch đã đặt mạng sống của người dân vào tình trạng nguy hiểm. Một số thông tin trên mạng trực tuyến cho biết giới chức Trung Quốc đã bắt giữ những người cố gắng lan truyền thông tin cảnh báo cho người khác về tính nguy hiểm khẩn cấp của virus corona.

Trên mạng xã hội Trung Quốc hiện đang phổ biến tin tức cho rằng các nhà chức trách nước này ban đầu đã cố ý thông tin sai lệch rằng virus corona không lây từ người sang người. Công chúng Trung Quốc cho tới hai ngày trước đây vẫn chỉ được chính quyền thông tin rằng virus corona tại Vũ Hán là bệnh truyền nhiễm và khuyến cáo phải đeo khẩu trang để giảm nguy hiểm.

Như Ngọc

Xem thêm: