Không hẹn mà gặp, Trung Quốc và Nga hiện nay đều đang phải đối phó với các cuộc biểu tình phản đối chính quyền mạnh mẽ. Trong bối cảnh ấy, hai thành trì lớn nhất của các chế độ chuyên chế thế giới đang tìm kiếm sự ủng hộ lẫn nhau hòng vượt qua sự bất ổn trong nước và đối phó với sự lên án của quốc tế.

bieu tinh nga 2
Cảnh sát trấn áp người biểu tình ở Nga (Ảnh: Youtube)

Thời báo Kinh doanh Singapore hôm thứ Tư (14/8) đã đăng bài bình luận của cây viết Gideon Rachman nhận định rằng các cuộc biểu tình tại Trung Quốc và Nga hiện tại có khá nhiều điểm tương đồng.

Ông Gideon Rachman cho rằng: “Cả hai phong trào đều không có người lãnh đạo và tập hợp lực lượng thông qua internet, điều này khiến cho chính quyền khó kiểm soát. Tại Hồng Kông phong trào biểu tình đã áp dụng một câu nói nổi tiếng của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long – ‘hãy là nước” để khuyến khích người biểu tình tránh dùng các chiến thuật cứng nhắc, dễ dự đoán trước. Tại Moscow, việc bắt giữ hầu hết nhắm vào vệ tinh quanh ông Alexei Navalny – nhà lãnh đạo đối lập nổi bật nhất, đã không giúp chấm dứt biểu tình.

Bài viết của ông Gideon Rachman cũng nhận định: “Ở cả Nga và Trung Quốc, sự bất mãn của người biểu tình về một nền dân chủ giả mạo cũng rất giống nhau. Các cuộc biểu tình tại Moscow được kích hoạt bởi quyết định của giới chức trong việc cấm tất cả các ứng viên đối lập tham gia chạy đua vào hội đồng thành phố tháng Chín này. Trong khi, nhiều người tại Hồng Kông tin rằng một bước ngoặt chính trị tại thành phố này xảy ra vào năm 2016 khi các chính trị gia được dân bầu đã bị loại khỏi nghị viện chỉ vì họ không tuân thủ lời thề trung thành với Trung Quốc.

Trước bối cảnh Trung, Nga cùng phải đối phó với các cuộc biểu tình gia tăng như vậy, hãng thông tấn nhà nước Nga Tass hôm thứ Tư (14/8) đã dẫn phát biểu của tân Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui kêu gọi hai nước hãy “vun đắp mối quan hệ của chúng ta lên tầm cao hơn” và “mở ra trang mới” trong tình hữu nghị này.

Ông Zhang Hanhui, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc được điều động làm nhiệm vụ tại Moscow vào ngày 10/8 thay thế cho nhà ngoại giao kỳ cựu Li Hui. Ông Zhang mô tả nhiệm vụ mới của ông là “giấc mơ thành sự thật”.

Tôi biết rằng mối quan hệ Trung – Nga là mối quan hệ rất quan trọng. Nó không chỉ quan trọng cho hai nước chúng ta, mà còn cho sự duy trì hòa bình và ổn định trên quy mô toàn cầu. Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau, hướng tới những nỗ lực chung để làm cho mối quan hệ giữa hai nước chúng ta và nhân dân chúng ta gần gũi hơn nữa và thực thi những thỏa thuận mà các lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được để đưa mối quan hệ của chúng ta và sự hợp tác cùng có lợi lên một tầm cao mới,” ông Zhang Hanhui nói.

Trong tuyên bố hôm 14/8 từ Moscow, ông Zhang cũng phát đi cảnh báo rằng Hồng Kông không phải là của “Mỹ” hay “Anh” mà là của Trung Quốc, do đó Mỹ và Anh không nên “nhúng mũi vào công việc của chúng tôi”.

Cả Nga và Trung Quốc đều đã cáo buộc Mỹ can thiệp vào chính trị nội bộ của họ bằng cách ủng hộ những người biểu tình. Bộ Ngoại giao Nga gần đây đã than phiền rằng một cảnh báo du lịch do Đại sứ Quán Mỹ tại Moscow phát đi thực tế là một mẩu quảng cáo được che đậy mong manh cho các cuộc tuần hành phản kháng mà chính phủ Nga coi là bất hợp pháp. Trong khi đó, chế độ Bắc Kinh luôn vẽ chân dung những người biểu tình Hồng Kông là những con rối hay những con tốt của Mỹ và họ tỏ ra giận dữ khi có những báo cáo về việc một nhà ngoại giao Mỹ gặp gỡ các lãnh đạo biểu tình Hồng Kông.

Tờ Trung Hoa Nhật báo đã đánh giá việc bổ nhiệm ông Zhang làm Đại sứ Trung Quốc tại Nga “cho thấy sự ưu tiêu của Trung Quốc trong việc hợp tác mạnh mẽ với nước láng giềng, cũng như cam kết liên tục chính sách”.

Tờ báo của nhà nước Trung Quốc cũng hoan nghênh sự hợp tác chiến lược ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga, trong đó có hoạt động tuần tra không phận chung mới tại Đông Bắc Á.

Trung Hoa Nhật báo dẫn lời nhà phân tích Ji Zhiye nhận định rằng: “Cả hai nước đều phải đối mặt với những nhân tố thách thức toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương, và cả hai cũng đều phải đương đấu với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan tràn lan.

Không trực tiếp nêu tên Mỹ, nhưng cả Nga và Trung Quốc đều đang coi Washington là “nhân tố thách thức toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa phương” mà Bắc Kinh và Moscow cần phải đối phó.

Mối quan hệ Nga – Mỹ vốn đã rất căng thẳng kể từ sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014, có nguy cơ sẽ tiếp tục leo thang nếu chính quyền Putin đàn áp bạo lực người biểu tình tại Moscow.

Tương tự, Trung Quốc và Mỹ đang vướng vào cuộc thương chiến kéo dài hơn một năm qua và chế độ Bắc Kinh có thể bị cô lập kinh tế hơn nữa nếu họ quyết định đàn áp phong trào biểu tình Hồng Kông, chưa kể đến thiệt hại thương mại có thể dẫn đến việc hủy hoại thành phố vốn là lợi ích của nhiều doanh nghiệp nước ngoài.

Theo Breitbart News, hồi tháng Sáu vừa qua Nga đã đề xuất giúp Trung Quốc lấp đầy “khoảng trống thực phẩm” do ảnh hưởng từ thương chiến và dịch tả lợn Châu Phi. Đó là tín hiệu cho thấy hai thành trì lớn nhất của chủ nghĩa chuyên chế có thể ngày càng có nghĩa vụ phải dựa vào nhau nhiều hơn nếu phần còn lại của thế giới tiếp tục gia tăng cô lập họ.

Xuân Thành

(Viết lại dựa theo bài bình luận của tác giả John Hayward đăng trên trang Breitbart News)

Xem thêm: