Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau hôm thứ Năm (20/6) đã ra lệnh cho quan chức hai nước phát triển một kế hoạch hợp tác Mỹ – Canada về “các khoáng sản quan trọng”, Reuters dẫn tuyên bố của Tòa Bạch Ốc sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước Mỹ, Canada.

Embed from Getty Images

Washington ngày càng gia tăng quan ngại về sự phụ thuộc của mình vào việc nhập khẩu các khoáng sản đất hiếm từ Trung Quốc sau khi Bắc Kinh được cho là sẽ sử dụng khoáng sản quan trọng này làm đòn bẩy trong thương chiến với Washington.

Đất hiếm, một nhóm gồm 17 nguyên tố kim loại không có nhiều trên trái đất, được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm từ laser và thiết bị quân sự tới nam châm của các sản phẩm điện tử tiêu dùng.

Theo Reuters, Trung Quốc cung cấp 80% tổng sản lượng nhập khẩu đất hiếm của Mỹ trong giai đoạn từ năm 2014 tới năm 2017.

Trong tuyên bố phát đi hôm 20/6, Tòa Bạch Ốc cho biết ông Trump và ông Trudeau “đã chỉ đạo các quan chức” hai nước phát triển kế hoạch hành động chung về hợp tác các khoáng sản quan trọng.”

Tòa Bạch Ốc không nói rõ mục đích của chương trình hợp tác chung nêu trên giữa Mỹ và Canada, nhưng không khó để thấy rằng hai nước đồng minh Bắc Mỹ này muốn giảm dần sự phụ thuộc vào đất hiếm Trung Quốc trong bối cảnh thương chiến Mỹ – Trung chưa có hồi kết.

Về phía Trung Quốc, trong lúc chiến tranh thương mại đang như “dầu sôi lửa bỏng”, cuối tháng Năm ông Tập Cận Bình đã đến Giang Tây thị sát nhà máy sản xuất đất hiếm, dường như muốn đưa ra tín hiệu dùng “con át chủ bài” đất hiếm để phản kích lại Mỹ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa công bố thông tin liên quan.

Ông Tập Cận Bình khó dùng “át chủ bài đất hiếm”

Hôm 4/6, tờ Epoch Times đưa tin, trước thập niên 1990, lượng đất hiếm toàn cầu đều dựa vào xuất khẩu của Trung Quốc. Bắt đầu từ thời kỳ ông Đặng Tiểu Bình, chính quyền đảng Cộng sản Trung Quốc đã phát triển “chiến lược đất hiếm”, khai thác mà không quan tâm đến môi trường, nhưng lại bán ra nước ngoài với giá rẻ.

98% lượng tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc tập trung ở khu vực như Nội Mông Cổ, Giang Tây, Quảng Đông, Tứ Xuyên, Sơn Đông. Các doanh nghiệp về đất hiếm chủ yếu có Tập đoàn đất hiếm Bắc Kinh, Tập đoàn đất hiếm Cám Châu, Công ty Cổ phần Kim loại màu Quảng Thành, Tập đoàn đất hiếm Trung Lữ, Công ty Cổ phần đất hiếm Ngũ Khoáng, Công ty Tungsten Hạ Môn, Công ty Cổ phần Trung Sắc.

Các tỉnh phân bố nhiều đất hiếm dường như đều thuộc phe Giang Trạch Dân, từng có thời gian dài là địa bàn mà phe Giang nắm giữ lợi ích chính trị và kinh tế.

Trong đó, Nội Mông Cổ là sào huyệt của cựu Thường ủy Bộ Chính trị Lưu Vân Sơn; Giang Tây là quê nhà của Tăng Khánh Hồng, nhân vật thứ 2 trong phe Giang Trạch Dân; Tứ Xuyên là địa bàn chính trị của cựu Thường ủy “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang; Sơn Đông là nơi mà những đại lão phe Giang từng nắm quyền như Ngô Quan Chính, Trương Cao Lệ, Khương Dị Khang; quan trường tỉnh Phúc Kiến và gần 10 quan chức cấp phó quốc gia đương nhiệm hoặc đã nghỉ hưu có liên quan đến phe Giang.

Như Ngọc