Nhật Bản và Mỹ đều đã phát đi tuyên bố xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm chính thức Nhật Bản từ ngày 25 tới 28/5. Trước đó một tháng, Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị Vành đai và con đường thu hút gần 40 nguyên thủ quốc tế tham dự, nhưng không có Tổng thống Mỹ và nhiều lãnh đạo phương Tây.

Embed from Getty Images

Trong tuyên bố phát đi hôm thứ Năm (18/4), Tòa Bạch Ốc nói rằng Tổng thống Donald Trump sẽ công du Nhật Bản từ ngày 25 tới 28/5, hội đàm với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Tuyên bố nêu trên nhấn mạnh hai nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật sẽ thảo luận về Bắc Hàn, “bao gồm các nỗ lực để đạt được phi hạt nhân hóa cuối cùng, đầy đủ và được kiểm chứng.”

“Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ tìm các cách thức đạt được bước tiến trong tầm nhìn chung của họ về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở, bao gồm các bước sẽ thúc đẩy mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc nói thêm.

Phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản hôm thứ Sáu (19/4) đã nói rằng Nhật Bản sẽ mời Tổng thống Trump thăm Nhật từ ngày 25 tới 28/5.

Trong một cuộc họp báo hôm 19/4, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết ông Trump sẽ gặp Nhật Hoàng mới, cũng như sẽ hội đàm với Thủ tướng Shinzo Abe.

Trong khi đó, trong các ngày từ 25 tới 27/4 (trước thời điểm ông Trump thăm Nhật Bản một tháng), Trung Quốc sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh Vành đai và Con đường thu hút sự tham gia của 37 nguyên thủ ngước ngoài, trong đó có nhiều đồng minh thân cận của Trung Quốc như Pakistan và Nga; không có lãnh đạo Mỹ và nhiều nước phương Tây, nhưng sẽ có sự góp mặt của nguyên thủ các nước Ý, Thụy Sĩ và Áo.

Reuters, dẫn lời Ngoại trưởng Trung Quốc Vượng Nghị cho biết, có hơn 150 nước sẽ gửi phái đoàn tới tham dự thượng đỉnh Vành đai và Con đường năm nay, quy mô khách mời khoảng 5.000 người.

Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đầu tháng Tư đã nói rằng Mỹ sẽ không gửi các quan chức cấp cao tới dự hội nghị Vành đai và Con đường với lý do họ lo ngại về các thực hành tài chính thiếu minh bạch của sáng kiến này.

Ông Vương Nghị cho biết sẽ có một số người Mỹ tới dự thượng đỉnh, tạo thành một phái đoàn gồm các quan chức nhà nước, các giám đốc điều hành doanh nghiệp và các học giả.

“Chúng tôi chào đón bất kỳ nước nào quan tâm tham gia hội nghị. Mỹ tham gia khi nào và liệu họ có tham gia hay không là tùy thuộc vào họ quyết định,” ông Vương nói thêm.

Phát ngôn viên của Đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh mới đây cũng nói rằng: “Mỹ không có kế hoạch gửi các quan chức cấp cao từ Washington tới Diễn đàn Vành đai và Con đường.”

“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước hãy đảm bảo các sáng kiến ngoại giao kinh tế của họ tuân thủ các chuẩn mực và tiêu chuẩn đã được quốc tế chấp nhận, thúc đẩy phát triển bền vững, toàn diện và nâng cao quản trị tốt và các thể chế kinh tế mạnh mẽ,” phát ngôn viên Đại sứ quán Mỹ nhấn mạnh.

Sáng kiến Vành đai và Con đường là kế hoạch phát triển kinh tế quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với mục tiêu tái thiết Con đường Tơ lụa cổ đại nối Trung Quốc với Châu Á, Châu Âu và xa hơn nữa bằng đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng quy mô lớn trên toàn vành đai.

Tuy nhiên, sáng kiến này cũng gây ra nhiều tranh cãi ở nhiều nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Washington đánh giá Vành đai và Con đường chỉ là một phương thức để lan tỏa ảnh hưởng Trung Quốc ra nước ngoài và trói buộc các nước khác với các khoản vay nợ không bền vững thông qua các dự án thiếu minh bạch.

Tháng trước, Mỹ đã đặc biệt lên án quyết định tham gia Vành đại và Con đường của chính phủ Ý. Rome đã ký bản ghi nhớ tham gia Vành đai và Con đường nhân chuyến công du Châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình. Ý trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 tham gia vào sáng kiến cơ sở hạ tầng đầy tham vọng của chế độ Bắc Kinh.

Phản bác những chỉ trích của Mỹ, Ngoại trưởng Vương Nghị mới đây đã nói với báo giới rằng kế hoạch Vành đai và Con đường đã đem đến những lợi ích thực sự cho các nước tham gia.

“Mối quan hệ đối tác này không phải là một công cụ địa chính trị mà là một nền tảng cho sự hợp tác,” ông Vương nói.

“Bạn không thể chụp mũ “khủng hoảng nợ” lên đầu Vành đai và Con đường, và đây không phải là điều mà bất cứ nước tham gia nào thừa nhận,” ông Vương nói thêm.

“Tất nhiên, sẽ có tiến trình phát triển cho Vành đai và Con đường. Bạn không thể đạt được toàn bộ mục tiêu trong một bước và sẽ không tránh khỏi việc sáng kiến này sẽ gây lo lắng trong sự phát triển của nó. Do vậy, chúng tôi chào đón tất cả các bên đưa ra các kiến nghị mang tính xây dựng,” ông Vương nhấn mạnh.

Ông Vương Nghị cũng tiết lộ thêm rằng Bắc Hàn cũng sẽ tham gia hội nghị Vành đai và Con đường năm nay, nhưng không cung cấp thêm chi tiết về thành phần phái đoàn Bình Nhưỡng.

“Tôi nghĩ đây là điều bình thường vì đó là sáng kiến hợp tác kinh tế. Tất cả các nước có quyền tự do tham gia, nhưng tôi nghĩ không nước nào có quyền ngăn chặn bất kỳ nước nào khác tham gia. Đây là một nền tảng mở, toàn diện,” ông Vương nói.

Xuân Thành