Phát biểu tại Little Havava, Miani hôm thứ Sáu (16/6), Tổng thống Donald Trump đã yêu cầu hạn chế chặt chẽ hơn đối với hoạt động di trú của người Mỹ tới Cuba và kiềm chế giao dịch kinh doanh của Mỹ với các doanh nghiệp thuộc quân đội của quốc đảo Caribbean.

Reuters cho hay trong bài phát biểu của mình Tổng thống Trump đã nói rằng ông đã huỷ bỏ thỏa thuận “khủng khiếp và sai lầm” của Tổng thống Barack Obama với Cuba.

Trong bài phát biểu tại Miami, nơi tập trung chủ yếu di dân Cuba, ông Trump đã nêu ra chính sách mới của mình với Cuba và thông báo đã ký chỉ thị tổng thống lật ngược một phần các sắc lệnh hành pháp của cựu Tổng thống Obama giúp bình thường hóa quan hệ với cựu thù Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Tổng thống Trump vẫn duy trì nhiều thay đổi của Obama, trong đó có việc giữ sứ quán Hoa Kỳ tại Havana.

Trước đám đông những người Mỹ gốc Cuba có mặt tại Little Havana, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Cộng hòa, Marco Rubio – nhân vật tích cực trong việc vận động chính phủ thiết lập các hạn chế mới với Havana, Tổng thống Trump hứa sẽ có một đường lối cứng rắn hơn với Cuba, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền.

Ông Trump nói: “Chúng tôi sẽ không im lặng thêm nữa trước sự áp bức và lạm quyền của chính quyền cộng sản [Cuba].”

Tôi đang hủy bỏ thỏa thuận hoàn toàn một chiều với Cuba [mà chính quyền Obama thực hiện]. [Chị thị này] sẽ có hiệu lực ngay lập tức.” Ông Trump tuyên bố.

Theo Reuters, cách tiếp cận sửa đổi của chính quyền Trump yêu cầu phải thực thi chặt chẽ hơn về lệnh cấm khách du lịch Mỹ lưu trú tại Cuba trong thời gian dài và tìm cách ngăn chặn dòng tiền tài trợ cho chế độ Cuba mà chính quyền Trump gọi là chính phủ do quân đội áp chế.

Tuy nhiên, trước áp lực từ các doanh nghiệp Mỹ và thậm chí từ cả một số đảng viên Cộng hòa không muốn quay lại thời kỳ Mỹ đóng cửa hoàn toàn với Cuba, Tổng thống Trump đã chọn để lại một số bước tiến bình thường hóa với Havana của người tiền nhiệm. Chính sách mới cấm hầu hết các giao dịch kinh doanh của Hoa Kỳ với Tập đoàn Doanh nghiệp Lực lượng Vũ trang –  một tập đoàn kinh doanh của Cuba tham gia vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, vẫn có một số ngoại lệ, trong đó cho phép các hoạt động đi lại bằng đường biển và hàng không. Ngoại lệ này chủ yếu bảo vệ, duy trì các tuyến hàng không và hàng hải của Hoa Kỳ phục vụ quốc đảo Caribbean.

Ông Trump cũng cam kết rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ sẽ không được dỡ bỏ cho đến khi Cuba thả vô điều kiện các tù nhân chính trị và tổ chức bầu cử tự do. Tổng thống nhấn mạnh: “Chúng tôi không muốn dòng tiền của Mỹ  lại chống đỡ cho sự độc quyền quân sự – bóc lột và lạm dụng người dân Cuba”.

Hoa Kỳ sẽ luôn luôn đứng về phía tự do và Hoa Kỳ sẽ luôn luôn cầu nguyện và chúc mừng tự do cho nhân dân Cuba“.

Những người Mỹ gốc Cuba tại Miani nói gì?

Ông Jose Nadal nói: “Việc cấm vận nên tiếp tục. Tại sao chúng ta lại tài trợ cho một quốc gia mà dân chúng không được hưởng một xu nào? Nhân dân vẫn còn đói khát và không có tự do gì. Tại sao chúng ta nên tiếp tục ‘nuôi’ những người trên đỉnh cao khi họ đàn áp chính nhân dân của mình?”

Cathy Henderson, một người tự nhận 100% là đảng viên Cộng hòa bày tỏ: “Tôi đồng ý 150% với mọi thứ mà Trump nói và làm. Họ nên áp đặt các biện pháp chế tài đối với Cuba. Khi Obama đưa ra thỏa thuận và khôi phục mối quan hệ với chính phủ Cuba, ông ta đã trao cho họ tất cả những gì họ yêu cầu. Chúng tôi không nhận được gì từ chính phủ Cuba. Đây là lý do tại sao Trump muốn tăng cường các biện pháp trừng phạt”.

Trong khi đó ông Santiago Portal lại phản đối lệnh cấm vận, lý do của ông đưa ra là: “Chế độ độc tài Cuba sử dụng lệnh cấm vận như một cái cớ để biện minh cho sự thất bại của mình. Mọi thứ xấu xảy ra ở Cuba, họ đều đổ lỗi cho lệnh cấm vận”.

Sơ lược về lịch sử lệnh cấm vận thương mại của Hoa Kỳ với Cuba

Năm 1959: Cuộc cách mạng Cuba do ông Fidel Castro lãnh đạo đã dẫn một đội quân du kích vào Havana lật đổ chế độ Batista.

Năm 1960: Đáp lại những phong trào cộng sản của Castro, Mỹ cắt đứt mối quan hệ ngoại giao với Cuba và áp đặt lệnh cấm vận thương mại.

Năm 1962: Fidel Castro đồng ý cho phép Liên Xô triển khai các tên lửa hạt nhân trên hòn đảo này, theo đó đưa Mỹ và Liên Xô đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân.

Tháng 4/2009: Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ các hạn chế về di trú gia đình và cho phép gửi tiền về Cuba.

Tháng 7/2015: Hoa Kỳ và Cuba mở lại các đại sứ quán ở thủ đô của nhau và khôi phục lại mối quan hệ ngoại giao đầy đủ.

Tháng 3/2016: Tổng thống Obama thực hiện chuyến thăm Cuba kéo dài ba ngày và hội đàm với Chủ tịch Raul Castro. Ông bày tỏ hy vọng lệnh cấm vận sẽ kết thúc, nhưng nó chỉ có thể được dỡ bỏ bởi Quốc hội Hoa Kỳ được kiểm soát bởi đảng Cộng hòa những người phản đối các bước tiến xa hơn trong quan hệ hai nước.

Tháng 8/2016: Lần đầu tiên trong hơn nửa thế kỷ, có chuyến bay thương mại của Hoa Kỳ tới Cuba .

Tân Bình

Xem thêm: