Tờ Wall Street Journal (WSJ), dẫn theo nguồn tin giấu tên từ quan chức Mỹ, cho biết chính phủ Trump đang cố gắng thành lập lực lượng Ả Rập tại Syria để “thay thế” cho lính Mỹ và giúp mang lại sự ổn định cho quốc gia đã bị chiến tranh tàn phá và cho cả khu vực Trung Đông.

Embed from Getty Images

Quân đội Mỹ đang hậu thuẫn cho lực lượng chiến binh người Kurd ở miền bắc Syria.

Chính phủ Trump được cho là đã thúc giục Ai Cập, Ả Rập Saudi, Qatar và UAE đóng góp hàng tỷ USD cho nỗ lực tái thiết Syria và gửi quân tới lực lượng khu vực nhằm tập trung vào việc ngăn chặn sự hồi sinh của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và không cho Iran mở rộng ảnh hưởng của họ nhiều hơn nữa.

Tờ WSJ giải thích rằng: “Vào đầu tháng Tư, ông Trump đã nói về việc cần thiết phải đẩy mạnh việc rút 2000 lính Mỹ đang đồn trú tại Syria – một lập trường vấp phải nhiều luồng ý kiến trái chiều từ các cố vấn cấp cao, những người lo ngại rằng việc Mỹ rút quân khỏi Syria quá sớm sẽ nhường lại lãnh thổ cho Iran, Nga, các đội quân ủy nhiệm của họ hoặc các nhóm hồi giáo cực đoan. Đề xuất mới của chính quyền Trump [về việc thành lập lực lượng Ả Rập] là nhằm tránh tạo ra khoảng trống an ninh tại Syria, tình huống sẽ cho phép IS trở lại hoặc nhượng những khu vực lãnh thỗ khó khăn lắm mới giành được từ tay IS cho các lược lượng tại Syria do Iran hậu thuẫn… Nhiệm vụ của lực lượng khu vực này sẽ là làm việc với các chiến binh địa phương người Kurd và Ả Rập mà Mỹ đang ủng hộ để đảm bảo IS không thể hồi sinh và ngăn chặn các lực lượng do Iran hậu thuẫn chuyển tới các lãnh thỗ cũ của IS”.

Hiện tại, báo giới cũng chưa rõ liệu Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria khi lực lượng Ả Rập được thành lập hay vào thời điểm nào khác.

WSJ qua nguồn tin giấu tên tiết lộ thêm rằng ông John Bolton – tân cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump mới đây đã liên lạc với ông Abbas Kamel – giám đốc tình báo tạm quyền của Ai Cập để xem liệu Cairo có quan tâm tới nỗ lực tái thiết Syria hay không. Ai Cập hiện tại là một trong những quân đội lớn mạnh nhất thế giới Ả Rập.

WSJ nhận định rằng kế hoạch thành lập lực lượng Ả Rập tại Syria của chính phủ Trump sẽ gặp rất nhiều thách thức.

Ông Charles Lister, học giả cao cấp của Viện Trung Đông chỉ ra rằng: “Việc thành lập một lực lượng mới sẽ là thách thức vì Ả Rập Saudi và UAE đang tham chiến tại Yemen, và Ai Cập sẽ lưỡng lự để bảo vệ lãnh thổ nơi mà không bị kiểm soát bởi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Các quốc gia Ả Rập cũng sẽ không hứng thú gửi lực lượng tới Syria nếu quân đội Mỹ không đồng ý giữ một số binh lính ở lại đó”.

Đầu tháng này, ông Brett McGurk, đặc phái viên của Tổng thống Trump tại liên minh chống IS, đã ám chỉ về kế hoạch của ông Trump thành lập lực lượng Ả Rập nhằm kiểm soát an ninh cho chính khu vực này.

Ông McGurk lưu ý rằng chính phủ Trump đang thúc đẩy “tự chủ khu vực” về các cuộc xung đột Trung Đông trong khi thực hiện “đánh giá” thường niên về hoạt động của quân đội Mỹ tại Syria.

Tổng thống Trump trong vài tuần gần đây đã lặp lại phát ngôn rằng ông muốn rút quân nhân Mỹ khỏi Syria “rất sớm”. Tuy nhiên, sau đó, ông Trump đã ra lệnh tấn công chế độ Assad đêm thứ Sáu 13/4, đáp trả cuộc tấn công hóa học vào Douma hôm 7/4 mà Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định do nhà cầm quyền Syria gây ra.

Chúng tôi đã yêu cầu các đối tác của mình phải đảm nhận trách nhiệm lớn hơn cho an ninh khu vực của chính họ, trong đó có đóng góp nhiều tiền hơn”, ông Trump nhấn mạnh trong tuyên bố quốc dân về cuộc tấn công Syria hôm 13/4.

Hiện tại, chế độ Assad do Nga và Iran hậu thuẫn đang kiểm soát lãnh thổ Syria nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi cuộc nội chiến Syria bùng nổ vào giữa tháng 3/2011. Chính phủ Syria đang sở hữu lãnh thổ nhiều hơn tất cả các bên tham chiến khác tại Syria, trong đó có lực lượng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn ở miền bắc.

Các quan chức quân đội Mỹ cũng đã thừa nhận rằng IS vẫn duy trì mối đe dọa, bất chấp lực lượng này đã bị liên minh do Mỹ lãnh đạo và các đồng minh địa phương đánh bại gần như hoàn toàn tại Iraq và Syria từ cuối năm ngoái.

Một quan chức Mỹ nói với WSJ rằng vẫn còn khoảng “5000 tới 12.000” chiến binh thánh chiến IS hoạt động tại Syria.

Đe dọa từ IS vẫn hiện hữu khiến ý định rút quân của ông Trump thêm phần nan giải. Trong khi, ngoại giới nhận định và các quan chức trong chính phủ Trump cũng cảnh báo rằng nếu chế độ Assad tiếp tục thực hiện thêm các vụ tấn công hóa học, sẽ buộc Mỹ phải tăng cường sự tham gia của quân đội nước này tại Syria.

Xuân Thành (T/h)

Xem thêm: