Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Năm (8/3) đã ký lệnh áp thuế nhập khẩu thép và nhôm với tất cả các quốc gia, nhưng miễn trừ cho Canada và Mexico vì hiện tại họ đang tái đàm phán NAFTA (Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ).

Embed from Getty Images

Trước sự chứng kiến của công nhân ngành thép, nhôm, ông Trump đã ký lệnh áp thuế nhập khẩu với hai mặt hàng này. 

Tại phòng Roosevelt, Nhà Trắng, có mặt cùng các phụ tá như Phó Tổng thống Mike Pence, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và đông đảo các công nhân ngành thép, nhôm, Tổng thống Trump đã chính thức ký lệnh áp thuế 25% lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm nhập khẩu. Mức thuế suất này sẽ có hiệu lực trong vòng 15 ngày; trường hợp miễn trừ cho Mexico và Canada có hiệu tức “tức thì”.

Phát biểu với giới công nhân, ông Trump nói: “Các bạn biết đấy, các bạn thực sự là xương sống của nước Mỹ. Những người rất đặc biệt. Chúng ta phải bảo vệ ngành thép và nhôm của chúng ta, đồng thời cho thấy sự linh hoạt lớn đối với những người thực sự là bạn của chúng ta”.

Đây không chỉ là thảm họa kinh tế, mà đó là thảm họa an ninh”, ông Trump nói về thâm hụt thương mại thép và nhôm thời gian qua và khẳng định: “Hôm nay, tôi đang bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ”.

Các số liệu thống kê từ Nhà Trắng cho thấy Mỹ là nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới, nhập gấp gần 4 lần xuất. Mỹ cũng nhập khẩu nhôm gấp 5 lần lượng nhôm sản xuất trong nước vào năm 2016.

Nhà Trắng cho biết “các ngành then chốt” như công nghiệp thép và nhôm đã phải đối mặt với “những xu hướng đi xuống trong dài hạn về việc làm“. Thống kê cho thấy việc làm trong các nhà máy sắt, thép đã giảm hơn 54.000 kể từ năm 2000. Ngành nhôm cũng giảm hơn 40.000 việc làm trong khoảng thời gian tương ứng.

Trong thông báo hôm thứ Năm (8/3), Nhà Trắng cho hay: “Sự suy giảm sản xuất thép và nhôm của Mỹ đã dẫn đến việc mất việc làm của những người Mỹ chăm chỉ trong các ngành công nghiệp quan trọng đối với an ninh quốc gia và thịnh vượng kinh tế”. Nhà Trắng lưu ý rằng bất chấp nhu cầu tiêu thụ “tăng mạnh”, nhưng 6 nhà máy luyện nhôm đã phải đóng cửa vĩnh viễn kể từ năm 2012.

Trước khi Tổng thống Trump ký lệnh áp thuế nhập khẩu với nhôm và thép, chính quyền Mỹ do Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross  chủ trì đã tiến hành một cuộc điều tra kỹ càng kéo dài tới 9 tháng về thực trạng ngành công nghiệp thép và nhôm Mỹ. Cuộc điều tra này phát hiện rằng mức nhập khẩu nhôm và thép hiện tại của Hoa Kỳ có “khả năng đe dọa an ninh quốc gia”.

Ông Trump cho biết cuộc điều tra cho thấy một “cuộc khủng hoảng ngày càng tăng” trong ngành công nghiệp thép và nhôm của Mỹ mà ông gọi nó đã bị “tàn phá“.

Ngành thép đã bị tàn phá bởi các hoạt động thương mại nước ngoài hung hãn, một cuộc tấn công vào đất nước chúng ta … Đó là một cuộc tấn công, họ biết rõ hơn bất cứ ai. Và tôi đã nói về điều này từ lâu rồi, lâu hơn cả sự nghiệp chính trị của tôi”, ông Trump nói.

Các nhà máy của chúng ta ở khắp nơi chỉ còn lại đổ nát và rỉ sét. Những cộng đồng thịnh vượng biến thành các thị trấn ma. Không thể kéo dài thêm nữa. Những người công nhân đã đổ tâm huyết xây dựng đất nước vĩ đại này đã bị phản bội, nhưng sự phản bội đó đã chấm dứt”, ông Trump khẳng định.

Tổng thống Mỹ nhấm mạnh rằng: “Chúng tôi sẽ không áp đặt bất kỳ mức thuế mới nào đối với các sản phẩm được sản xuất tại Mỹ. [Nếu] quý vị không muốn bị áp thuế, hãy chuyển nhà máy của quý vị tới Mỹ”.

Ông Trump nói thêm rằng: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các công ty mua hàng Mỹ. Đó là điều chúng tôi muốn. Mua hàng Mỹ”.

Ông Trump cũng để ngỏ khả năng đàm phán mức thuế với từng nước. Tổng thống Mỹ nói: “Mỹ vẫn để mở việc sửa đổi và gỡ bỏ thuế suất cho từng nước. Miễn là chúng tôi có thể đảm bảo sản phẩm của họ không còn đe dọa an ninh của chúng tôi nữa”.

Ông Trump cho biết Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer sẽ là người chịu trách nhiệm đàm phán mức thuế với các quốc gia muốn thương thảo.

Trao đổi về quyết định của ông Trump, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho hay: “Đây là một chính quyền khác. Nó mạnh mẽ, quyết tâm, nghiêm túc và chu đáo, có thể thảo luận về các vấn đề, nhưng đừng nhầm lẫn về nó, mấu chốt cái chúng tôi cần là chúng tôi sẽ có mức thâm hụt thương mại thấp hơn và chúng tôi sẽ dừng xuất khẩu việc làm và thay vào đó là bắt đầu xuất khẩu nhiều sản phẩm hơn”.

Yên Sơn (T/h)

Xem thêm: