Một phái đoàn quan chức Triều Tiên do bộ trưởng về thương mại quốc tế dẫn đầu đang tới thăm Iran, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin hôm thứ Tư (24/4). Đây là động thái công khai hiếm gặp về trao đổi ngoại giao giữa hai nước Triều Tiên và Iran vốn đang bị quốc tế nghi ngờ có quan hệ quân sự bí mật.

Bộ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại Yun Joong Ho đã rời Bình Nhưỡng vào thứ Ba (23/4) bằng đường hàng không, dẫn đầu một phái đoàn cấp bộ tới thăm Iran, hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin, nhưng không nêu chi tiết về chuyến công du này.

Ông Yun Jong Ho trước đây đã từng làm việc về mối quan hệ Triều Tiên và Syria, theo cơ sở dữ liệu chính phủ của Hàn Quốc. Ông này cũng là hạt nhân tích cực trong việc thúc đẩy tăng cường mối quan hệ giữa Triều Tiên và Nga. Theo KCNA, đầu tháng này ông Yun Jong Ho đã dẫn đầu một phái đoàn quan chức Triều Tiên tới thăm Moscow.

Triều Tiên thường ít khi công khai các chuyến công du của quan chức cấp cao trước và trong khi nó đang diễn ra. Năm 2019, truyền thông nhà nước đưa tin ông Pak Chol-min, khi đó là phó chủ tịch của Quốc hội Nhân dân Tối cao Triều Tiên tới thăm Iran để thảo luận các vấn đề hợp tác song phương.

Thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức vào năm 1973, Triều Tiên và Iran được biết đến là có mối quan hệ gần gũi trong bối cảnh cùng bị quốc tế chế tài do các chương trình vũ khí hạt nhân ở mỗi nước. Hai nước này đã đang bị nghi ngờ có trao đổi phụ tùng và công nghệ tên lửa đạn đạo, đặc biệt trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq giai đoạn 1980-1988.

Chuyến công du Iran của phái đoàn Triều Tiên do ông Yun Joong Ho dẫn đầu lần này làm dấy lên đồn đoán rằng cùng với hợp tác kinh tế, Triều Tiên có thể tìm cách làm sâu sắc thêm các mối quan hệ quân sự với Iran trong bối cảnh cuộc chiến tranh của Nga với Ukraine. Bình Nhưỡng và Tehran được cho là những nước cung cấp vũ khí chính yếu hỗ trợ cuộc chiến tranh của Nga.

Theo Reuters đưa tin hồi tháng Hai, Iran đã đang cung cấp số lượng lớn tên lửa đạn đạo cho Nga sử dụng vào cuộc chiến tranh với Ukraine.

Iran cũng bị nghi ngờ đang cung cấp cho Nga nhiều máy bay không người lái (drone). Ukraine cáo buộc rằng cho đến cuối năm ngoái Nga đã phóng tổng cộng khoảng 3.7000 drone tấn công Shahed-136 do Iran sản xuất vào các mục tiêu bên trong Ukraine.

Triều Tiên cũng bị nghi ngờ cung cấp cho Nga tên lửa và pháo, dù cho cả hai nước đều phủ nhận cáo buộc này.

Theo Yonhap News, hồi tháng Hai vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik nói rằng Triều Tiên tính từ tháng 7/2023 đã vận chuyển khoảng 6.700 container chứa hàng triệu viên đạn tới Nga để hỗ trợ cuộc chiến tranh của Moscow với Kyiv, đổi lại được nhận thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

Sau vụ Iran phóng hơn 300 drone và tên lửa nhắm vào Israel, nhiều đồn đoán dấy lên rằng các linh kiện hoặc công nghệ quân sự Triều Tiên có thể đã được sử dụng trong đợt mưa tên lửa Iran vào Israel này.

Trước đây, năm 2006, chỉ huy trưởng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã công khai xác nhận rằng Tehran đã có được các tên lửa Scud-B và Scud-C từ Triều Tiên, nhưng không cần sự hỗ trợ của Bình Nhưỡng nữa.

Năm 2019, một báo cáo của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ cho biết tên lửa đạn đạo Shahab-3 của Iran là được phát triển dựa theo tên lửa Rodong tầm trung của Triều Tiên. Trong khi, tên lửa Khorramshahr do Iran chế tạo cũng được cho là có công nghệ tương đồng với tên lửa Musudan của Triều Tiên.

Các chuyên gia nói rằng Triều Tiên có thể muốn Iran giúp họ về công nghệ tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, chẳng hạn như tên lửa đạn đạo có lắp đầu đạn bội siêu thanh.

Hải Đăng