Hôm thứ Tư (3/7), Trung Quốc đã lên án Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt thậm tệ sau khi ông Hunt bình luận ủng hộ người biểu tình Hồng Kông và cảnh báo Trung Quốc sẽ phải chịu hậu quả nghiêm trọng nếu phớt lờ các cam kết của mình khi nhận lại Hồng Kông vào năm 1997.

canh sang
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng

Chúng tôi có thể khẳng định rằng chúng tôi đứng đằng sau người dân Hồng Kông trong việc bảo vệ tự do mà chúng tôi đã đàm phán cho họ khi chúng tôi đồng ý trả lại Hồng Kông năm 1997, và chúng tôi có thể nhắc nhở bất kỳ ai rằng chúng tôi kỳ vọng tất cả mọi quốc gia tôn trọng nghĩa vụ quốc tế của họ”, ông Hunt nói với Reuters.

Sẽ có hậu quả nghiêm trọng nếu thỏa thuận quốc tế có ràng buộc pháp lý đó không được tôn trọng”, ông Hunt nói hôm 2/7, nhưng không nói rõ hậu quả này là gì.

Trung Quốc không ngần ngại phản ứng gay gắt đối với phát ngôn của Ngoại trưởng Anh, gọi ông Hunt là kẻ không biết xấu hổ.

Để nói rằng tự do cho người Hồng Kông là một điều mà Anh đã nỗ lực đạt được là hoàn toàn đáng xấu hổ”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng nói trong buổi họp báo 3/7.

Tôi muốn hỏi ông Hunt rằng trong thời kỳ Thuộc địa Anh ở Hồng Kông, có một nền dân chủ nào để nói đến không? Người Hồng Kông thậm chí còn không có quyền biểu tình.”

“Chỉ sau khi Hồng Kông trở lại Trung Quốc thì người dân mới có sự đảm bảo chưa có tiền lệ về một nền dân chủ và tự do”, ông Cảnh nói.

“Trách nhiệm của Anh đối với Hồng Kông theo Tuyên bố Chung Trung-Anh đã chấm dứt, và Hồng Kông hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc”, ông Cảnh nói thêm.

Tối hôm thứ Hai, hàng trăm người biểu tình tại Hồng Kông đã bao vây và phá cửa xông vào tòa nhà lập pháp sau cuộc biểu tình quy mô lớn trong khi chính quyền thành phố đang tổ chức kỷ niệm ngày Anh trả Hồng Kông về Trung Quốc.

Báo chí Trung Quốc cáo buộc bạo lực của người biểu tình là một “thách thức rõ rệt” đối với mô hình “một quốc gia, hai chế độ” mà Hồng Kông được hưởng trong suốt 22 năm qua.

Bạo lực và hỗn loạn ở trung tâm tài chính thế giới này nổ ra sau khi chính quyền Hồng Kông giới thiệu dự luật dẫn độ gây tranh cãi, bởi nó cho Bắc Kinh có quyền bắt bất kỳ ai đang có mặt ở Hồng Kông về đại lục xét xử. Người Hồng Kông tố cáo dự luật này sẽ làm xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông và biến thành phố này ngày càng giống đại lục, bị thống trị bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Dự luật đã bị hoãn vô thời hạn do sức ép của người biểu tình, tuy nhiên nhiều người vẫn chưa hài lòng và đòi hỏi lãnh đạo thành phố phải hủy bỏ hoàn toàn dự luật .

Ngoại trưởng Anh Hunt, người đang chạy đua cho ghế Thủ tướng Anh, “đã không đoái hoài đến đến việc sửa lại sai lầm của mình về Hồng Kông và tiếp tục múa lưỡi một cách không kiểm soát”, ông Cảnh nói.

Nếu quốc hội Anh cũng bị bao vây và tấn công, chính quyền liệu có đứng im và không làm gì không, ông này đặt câu hỏi.

Ông ta có nghĩ rằng việc cảnh sát Anh xử lý vụ bạo loạn vào tháng 8/2011 tại London là một vụ đàn áp?”

Chúng tôi hy vọng rằng Anh Quốc, đặc biệt là ông Hunt, không đánh giá quá cao khả năng của mình và ngang bướng can thiệp vào sự vụ của Hồng Kông. Điều đó chắc chắc sẽ vô ích”, ông Cảnh nói.

Chúng tôi đã gửi lời phản đối nghiêm trọng lên Anh Quốc cả ở tại Bắc Kinh và London về bình luận của ông Hunt”, ông Cảnh nói thêm.

Đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh (Liu Xiaoming) cũng phát biểu trong ngày thứ Tư rằng Anh dường như đã quên mất rằng Hồng Kông không còn là một thuộc địa, và London nên bỏ tay khỏi lãnh thổ này.

Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho hay, sau bình luận của Trung Quốc, và ông Lưu, Anh đã triệu vị đại sứ Trung Quốc này tới Văn phòng Ngoại giao để làm việc.

Năm 1997, Trung Quốc nhận lại Hồng Kông sau khi kết thúc thỏa thuận cho Anh thuê 100 năm, với cam kết đảm bảo Hồng Kông sẽ được hưởng những quyền dân chủ và tự do “đặc biệt” mà đại lục không có, bao gồm một chính phủ độc lập, quyền tự do ngôn luận và biểu tình. Tuy nhiên những năm gần đây, người dân Hồng Kông ngày càng lo ngại quyền lợi của họ bị Bắc Kinh làm xói mòn và ra sức phản kháng lại quyết định của chính quyền thân Trung Quốc.

Ngoài ông Hunt, ứng viên số một cho vị trí tân Thủ tướng Anh Boris Johnson, cũng bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với người dân thành phố Hồng Kông.

“Người dân Hồng Kông hoàn toàn có quyền tỏ thái độ hoài nghi, lo lắng về đề xuất dẫn độ về đại lục mà, một đề xuất có thể có động cơ chính trị, có thể là một quyết định tùy tiện và xâm phạm nhân quyền của họ”, ông Johnson, cựu Ngoại trưởng Anh nói, theo Reuters.

“Vì thế, tôi ủng hộ họ và vui lòng phát biểu vì họ và ủng hộ họ hoàn toàn. Và tôi muốn nhấn mạnh với những người bạn của chúng ta ở Bắc Kinh rằng phương án ‘một quốc gia, hai chế độ’ đã có hiệu quả và đang có hiệu quả và không nên bị gạt đi”, ông Johnson nói.

Theo báo AP, tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhận định về những người biểu tình rằng: “Họ đang hành động vì dân chủ và tôi nghĩ rằng hầu hết mọi người đều muốn dân chủ. Không may là một số chính phủ không muốn dân chủ”.

Đó là bản chất của điều này [biểu tình Hồng Kông]. Nó là về dân chủ. Không có điều gì tốt hơn”, ông Trump nói thêm.

Trung Quốc đã đổ tội cho các nước phương Tây như Mỹ và Anh vì xúi giục người biểu tình bạo loạn.

Trên trang Trung Hoa Nhật Báo (China Daily) phiên bản tiếng Anh mà Bắc Kinh thường dùng để gửi thông điệp tới xã hội phương Tây, một bài xã luận lên án “sự kích động từ bên ngoài”.

“Một điều đã trở nên quá nổi bật là sự đạo đức giả của một số chính phủ phương Tây, mà nổi bật nhất là Anh và Mỹ, những nước đã kêu gọi chấm dứt bạo lực, cứ như thể là họ không liên quan gì đến nó”, tờ báo viết.

“Nhưng hãy nhìn trở lại toàn bộ diễn biến biểu tình, họ đã liên quan từ lâu trong việc nuôi dưỡng nó từ lúc nó mới thành hình”.

Trọng Đức

Xem thêm: