Mới đây tờ The Guardian (Anh Quốc) loan tin rằng chính quyền Trung Quốc đang tăng cường dạy tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để giúp gia tăng ảnh hưởng hơn nữa tại Mỹ La tinh. Trong khi đó, cùng thời điểm Thủ tướng Đài Loan thông báo hòn đảo dân chủ này từ năm 2019 sẽ chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức thứ hai.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Đài Loan William Lai 

Trong bài báo đăng hôm Chủ Nhật (1/9), tờ The Guardian lưu ý rằng năm 2016 có 20.000 sinh viên Trung Quốc học tiếng Tây Ban Nha, gấp 40 lần số với hồi năm 1999, khi đó mới có 500 sinh viên Trung Quốc theo học ngoại ngữ này. Tờ báo của Anh Quốc cũng cho biết số lượng sinh viên theo học tiếng Bồ Đào Nha cũng đang tăng lên. Tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính của Brazil – quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, ngôn ngữ này cũng được sử dụng chính tại các nước thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha như Mozambique, Cape Verde, và Angola.

The Guardian nhận định rằng xu hướng gia tăng dạy và học tiếng Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha tại Trung Quốc dường như có quan hệ tới việc chế độ Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh ảnh hưởng tại khu vực Mỹ La tinh. Trung Quốc vài năm qua đã sử dụng các khoản cho vay ưu đãi và các dự án cơ sở hạ tầng lớn để tăng cường mối quan hệ ngoại giao với các nước Mỹ La tinh. Tại đây, Trung Quốc phát triển mối quan hệ gần gũi nhất với các nước cũng theo chế độ cộng sản và xã hội chủ nghĩa như Venezuela, Cuba, Nicaragua và Bolivia.

Trung Quốc cũng gia tăng áp lực lên các nước Mỹ La tinh để họ cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Tháng trước, El Salvador đã trở thành quốc gia thứ ba tại Mỹ La tinh sau Panama và Cộng hòa Dominica phải cúi đầu trước áp lực từ Bắc Kinh và không còn công nhận Đài Loan là một quốc gia độc lập.

Một báo cáo do Trung tâm vì Xã hội Đảm bảo Tự do (SFS) của Mỹ phát hành vào tháng Một cảnh báo rằng: “Sự hiện diện của Trung Quốc tại Mỹ La tinh sẽ tiếp tục tăng lên không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, mà còn cả về các khía cạnh chính trị, an ninh và văn hóa”.

Cũng trong tháng Một, Đại sứ Trung Quốc tại Argentina, Yang Wanming đã lên tiếng bảo vệ chính sách Mỹ La tinh của chế độ Bắc Kinh, gọi đó là nỗ lực nhằm thúc đẩy “toàn cầu hóa” thông qua các mối quan hệ thương mại gần gũi hơn.

Trong một bài xã luận viết cho tờ nhật báo Clarin của Argentina, ông Yang Wanming tuyên bố: “Trung Quốc sẽ chú trọng tới việc tham gia và chủ động thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế, và duy trì mở cửa. Trung Quốc và Mỹ La tinh có thể tăng cường hợp tác hơn nữa thông qua cải cách tài chính quốc tế, nhóm các nước công nghiệp mới nổi (G-20), nhóm BRICS, Diễn đàn Hợp tác Châu Á Thái Bình Dương, các hoạt động về biến đổi khí hậu và an ninh lương thực”.

Trong khi đó, trước bối cảnh cần phải hội nhập sâu hơn vào cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước dân chủ tự do sử dụng tiếng Anh, Đài Loan đã quyết định sẽ chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thứ hai từ năm tới.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn tờ United Daily News, Thủ tướng Đài Loan William Lai đã nói rằng việc chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức sẽ khuyến khích người Đài Loan học thứ tiếng này và cho phép họ có thể theo đuổi những cơ hội lớn hơn ở nước ngoài. Ông Lai dự kiến bắt đầu từ năm tới sẽ cho triển khai đại trà các trường học song ngữ trên khắp cả nước và tăng cường dạy tiếng Anh cho trẻ từ khi còn rất nhỏ.

Tôi sẽ đặt mục tiêu chính sách vào năm tới để biến Đài Loan thành một quốc gia song ngữ với tiếng Anh và tiếng Trung là hai ngôn ngữ chính thức. Văn hóa là gốc rễ của chúng ta, và tiếng Anh là công cụ – hoặc cũng có thể xem đó là đôi chân của chúng ta. Vì ngôn ngữ này là công cụ giao tiếp cơ bản, nên việc thiếu trình độ tiếng Anh sẽ cản trở chúng ta đạt được những vị trí thuận lợi trong cạnh tranh quốc tế”, ông William Lai nói với tờ United Daily News.

Ông Lai cũng nói rằng trong thời gian ông làm Thị trưởng thành phố Đài Nam, ông đã nỗ lực đưa tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai của vùng này và nhận được phản hồi tích cực của người dân địa phương.

Được biết, tiếng Trung Đài Loan và tiếng Trung Quan Thoại vẫn là ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi nhất tại Đài Loan, nhưng tại hòn đảo này cũng có một số tiếng địa phương và bản địa như Hakka và Matsu.

Ngoại giới đánh giá, động thái chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức của Đài Loan có thể khiến Trung Quốc Đại Lục tức giận vì chế độ Bắc Kinh từ lâu vẫn tìm cách thúc đẩy Đài Loan sử dụng duy nhất tiếng Trung Quan Thoại. Một số chuyên gia quốc tế cho rằng động thái này của Đài Loan cũng là chỉ dấu cho thấy hòn đảo tự do này muốn tăng cường hơn nữa mối quan hệ gần gũi với Mỹ và phương Tây.

Hùng Cường

Xem thêm: