Theo Reuters, các chuyên gia pháp lý nhận định rằng cuộc chiến pháp lý của Đảng Dân chủ, các bang cấp tiến và các tổ chức chống lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp để xây tường biên giới của Tổng thống Trump sẽ gặp khó khăn và có thể thất bại với khả năng cao là bị đẩy lên cấp tòa án tối cao có đa số thuộc phe bảo thủ.

Embed from Getty Images

Sau khi bị Đảng Dân chủ tại Quốc hội khước từ yêu cầu chi 5,7 tỷ USD để xây bức tường biên giới với Mexico nhằm “ngăn chặn tội phạm, ma túy và buôn người tràn vào nước Mỹ”, ông Trump đã sử dụng quyền tuyên bố tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Mỹ từ một luật ban hành năm 1976. Theo Tòa Bạch Ốc, động thái này sẽ cho phép ông không phải thông qua Quốc hội để đưa ngân sách từ các nguồn đã cấp khác vào việc xây tường.

Peter Shane, giáo sư Học viện Luật thuộc Đại học Bang Ohio nói rằng các thách thức đối với tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông Trump có thể sẽ là màn diễn lại cuộc chiến pháp lý chống lại lệnh cấm du hành của Tổng thống đối với cư dân 6 nước đa số Hồi giáo trước đây. Năm ngoái, Tòa án tối cao đã ra phán quyết cho ông Trump thắng kiện sau một cuộc chiến pháp lý căng thẳng và cam go, khi mà các tòa án cấp dưới liên tục chặn lệnh cấm của ông. Các thẩm phán tối cao đã quyết định Tổng thống có quyền hiến định trong việc ra quyết định về vấn đề nhập cư và an ninh quốc gia.

Ông Trump đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên cơ sở nạn buôn người, buôn ma túy, tội phạm và số lượng di dân bất hợp pháp xâm nhập Hoa Kỳ từ biên giới Mexico.

“Các tòa án đang ngần ngại trong việc phê bình Tổng thống về vấn đề an ninh quốc gia”, giáo sư Shane nói.

Các thành viên Đảng Dân chủ, một số thống đốc bang và các tổ chức vận động nhân quyền ngay lập tức thề sẽ đưa ông Trump ra tòa. Ủy ban Tư pháp Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát đã yêu cầu điều tra Tổng thống và các quan chức chính quyền có liên quan tới tuyên bố khẩn cấp này.

Ông Trump cũng đã chuẩn bị cho làn sóng chỉ trích và thách thức từ Đảng Dân chủ.

“Tôi sẽ ký các giấy tờ cuối cùng ngay sau khi trở về Phòng Bầu Dục và chúng ta sẽ có tình trạng khẩn cấp quốc gia, sau đó chúng tôi sẽ bị kiện.” ông Trump nói trong buổi tuyên bố về hành động của mình tại Vườn Hồng, Tòa Bạch Ốc.

Đạo luật Khẩn cấp Quốc gia 1976 đã được sử dụng hàng chục lần bởi các tổng thống trước đó. Không có một thách thức pháp lý nào chống lại việc này thành công, Quốc hội cũng không đưa ra định nghĩa về tình trạng khẩn cấp trong luật.

Theo Reuters, các chuyên gia pháp lý phân tích rằng tuyên bố của ông Trump có thể bị thách thức từ 2 mặt: một là không có một tình trạng khẩn cấp nào thực sự tồn tại và hai là ông Trump đã vượt quá thẩm quyền bởi vì Quốc hội Mỹ mới là người có quyền quyết định chi tiêu quốc gia, không phải Tổng thống.

Ông Trump đã phải đóng cửa một phần chính phủ liên bang trong 35 ngày – thời gian lâu nhất lịch sử – hòng gây sức ép buộc Đảng Dân chủ đồng ý cấp 5,7 tỷ USD để xây tường thành trong năm 2019. Đảng Dân chủ từ chối và sau nhiều cuộc họp kín, chỉ đồng ý chi 1,3 tỷ USD cho an ninh biên giới. Ông Trump, với sự hậu thuẫn của các lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại Quốc hội, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Ông Trump hiện có ưu thế tại Tòa án Tối cao, với tỷ lệ 5/9 thẩm phán thuộc phe bảo thủ của Đảng Cộng hòa. Trong số 5 người này, 2 người được chính ông lựa chọn đề cử là thẩm phán Brett Kavanaugh và thẩm phán Neil Gorsuch. Chánh thẩm phán John Roberts, cũng là một người bảo thủ, được cho sẽ là người cầm lá phiếu quyết định của tòa án, và ông cũng sẽ là người quyết định nếu vụ kiện bị đẩy lên mức cao nhất.

“Tòa án Tối cao gần như chắc chắn sẽ ủng hộ tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống Trump”, Steven Schwinn, giáo sư tại Viện Luật Marshall Chicago nói.

Các chuyên gia luật cho rằng đạo luật năm 1976 cho phép tổng thống có nhiều quyền tự quyết. Ông Trump dự định sẽ điều chuyển 6,7 tỷ USD ngân quỹ liên bang cho bức tường. Số tiền này có thể đến từ khoản tiền thu từ tội phạm của Bộ Tài chính và các chương trình chống ma túy và ngân sách xây dựng của quân đội.

“Lợi thế nghiêng hoàn toàn về phía Tổng thống”, Giáo sư Học viện Luật Jonathan Turley của Đại học George Washington nói. “Ông có quyền ra tuyên bố và ông có tiền.”

Tuy nhiên lợi thế này có lẽ không giúp ông đạt được mục đích một cách dễ dàng, bởi các vụ kiện cáo có thể trì hoãn việc ông sử dụng những nguồn ngân sách mà ông muốn, thậm chí các tài khoản này có thể bị đóng băng tới nhiều năm.

Ông Trump đang vận động cho việc tái tranh cử vào năm sau và một thất bại trong việc xây tường – vốn là cam kết tranh cử trọng tâm của ông, có thể kiến ông mất điểm lớn trong mắt cử tri. Thậm chí cuộc chiến pháp lý về tuyên bố tình trạng khẩn cấp có thể kéo dài sang cả nhiệm kỳ sau.

“Dự đoán của tôi là tiền, những khoảng tiền lớn sẽ không thể được sử dụng trước cuộc bầu cử 2020”, Giáo sư Đại học Luật Harvard Mark Tushnet nói.

Những lãnh đạo cốt cả của Đảng Dân chủ như Nancy Peolosi, Chủ tịch Hạ viện và Chuck Schumer tại Thượng viện lên án hành động của ông Trump là “vi phạm quyền lực độc nhất của Quốc hội về vấn đề ngân sách.”

Tuy nhiên với việc Đảng Cộng hòa nắm Thượng viện, Quốc hội khó có thể tổ chức một phiên họp phủ quyết tuyên bố của ông Trump. Đảng Dân chủ nắm Hạ viện và có thể cố gắng tổ chức điều tra hay khởi kiện, tuy nhiên nhìn chung nhánh tòa án sẽ không chấp nhận nhánh lập pháp kiện nhánh hành pháp sau khi các nhà lập pháp không tạo được thế đa số mạnh để phản đối tổng thống, các nhà pháp lý nhận định.

Các bang cũng có thể tham gia vào cuộc tranh chấp này. Thống đốc bang California Gavin Newsom và Tổng chưởng lý bang này là Xavier Becerra, đều thuộc đảng Dân chủ, đã thề sẽ khởi kiện ông Trump, nói rằng bang của họ bị tổn hại vì quyết định của ông Trump sẽ rút tiền khỏi chương trình chống ma túy của họ, khiến công dân của họ gặp nguy hiểm.

Một lợi thế của bang California là vụ kiện nhiều khả năng sẽ đi đến Tòa Phúc Thẩm Khu vực 9 tại San Francisco. Đây là tòa án có tiền lệ xử ông Trump thua trong các phán quyết về lệnh cấm du hành, và có khả năng lại ra một lệnh chặn tuyên bố tình trạng khẩn cấp của ông. Tuy nhiên, ông Trump đơn giản là đẩy vụ kiện lên tòa án tối cao và kịch bản lại lặp lại như lần trước, mặc dù việc này tốn thời gian và bức tường sẽ bị trì hoãn.

Ba chủ đất tại Texas cũng đã đệ đơn kiện Tổng thống, dựa trên lo ngại rằng đất của họ sẽ bị thu hồi để xây tường.

Những người chống Trump còn có thể tranh luận rằng tổng thống đã phạm luật khi cố điều chuyển tiền mà Quốc hội cấp cho Quân đội để làm việc khác. Ngân quỹ xây dựng quốc phòng chưa có tiền lệ được sử dụng để xây dựng tường rào trong nước mà phải dùng cho các chiến dịch quân sự, do đó Đảng Dân chủ sẽ tìm cách lập luận rằng bức tường biên giới của ông Trump không thuộc phạm vi sử dụng này.

Trọng Đạt