Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai (14/8) đã ký quyết định yêu cầu điều tra Trung Quốc có hành vi đánh cắp sở hữu trí tuệ. Đây là biện pháp thương mại trực tiếp đầu tiên mà chính phủ Trump áp đặt lên Bắc Kinh, nhưng động thái này chưa có khả năng thay đổi thực tế thương mại hai nước trong ngắn hạn.

Tại Tòa Bạch Ốc hôm 14/8, Tổng thống Trump ký quyết định điều tra hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ thiếu công bằng của Trung Quốc.

Ông Trump đã ký quyết định điều tra hoạt động thương mại Trung Quốc vào cuối ngày thứ Hai (14/8) tại Tòa Bạch Ốc sau 17 ngày lưu trú và giải quyết công việc tại New Jersey. Hành động này của ông Trump diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đăng tăng cao liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

Tờ Reuters nhận định rằng cuộc điều tra này của chính phủ Mỹ có thể sẽ phủ bóng đen lên mối quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hoa Kỳ, và ảnh hưởng trực tiếp đến việc ông Trump đang yêu cầu Bắc Kinh đẩy mạnh áp lực chống Bình Nhưỡng.

Đại diện Thương mại Hoa Kỳ, ông Robert Lighthizer sẽ có một năm để xem xét liệu có nên tiến hành điều tra chính thức các chính sách thương mại của Trung Quốc về sở hữu trí tuệ mà Tòa Bạch Ốc và các tổ chức vận động hành lang ở Mỹ cho rằng đang gây tổn hại cho các doanh nghiệp và việc làm của Hoa Kỳ.

Ông Trump đã gọi cuộc điều tra ban đầu này là “một động thái rất lớn”.

Theo Reuters, các quan chức chính phủ Trump ước tính rằng hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc có thể gây thiệt hại cho các doanh nghiệp Mỹ lên tới 600 tỷ USD.

Các chuyên gia về chính sách thương mại Trung Quốc cho biết thời gian đánh giá dài có thể cho phép Bắc Kinh thảo luận một số vấn đề do Washington đưa ra để cùng khắc phục và không bị áp lực đe dọa trả đũa.

Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình trong năm 2016, ông Trump nhiều lần chỉ trích hoạt động thương mại của Trung Quốc, nhưng từ khi nhậm chức, tỷ phú bất động sản vẫn chưa có bất kỳ hành động thiết thực nào để thay đổi tình hình. Mặc dù có đã những đe dọa, nhưng chính phủ Trump đã không gắn nhãn Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và trì hoãn những cuộc điều tra vào lĩnh vực nhập khẩu thép và nhôm có thể gián tiếp ảnh hưởng đến Bắc Kinh.

Về phần mình, Trung Quốc nhiều lần cự tuyệt những nổ lực của các chính phủ Mỹ trước đây trong việc điều tra các hoạt động sở hữu trí tuệ của Bắc Kinh.

Ông Matthew Goodman, cố vấn cao cấp về kinh tế Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế cho hay: “Tôi chắc chắn rằng họ sẽ chính thức bác bỏ những gì mà một cuộc điều tra được tiến hành và phát hiện được vi phạm và họ sẽ yêu cầu đàm phán để giải quyết vướng mắc”.

Ông Jonathan Fenby, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn TS Lombard nói rằng Trung Quốc không quan tâm đến việc cùng Mỹ sửa đổi thương mại trong ngắn hạn và họ sẽ cản trở “các nỗ lực [mà họ cho là] làm suy yếu mối quan hệ [thương mại giữa hai nước]”.

Theo Reuters, hiện tại chính sách của Trung Quốc đang là ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc trong liên doanh và không ngăn chặn hoạt động đánh cắp sở hữu trí tuệ tại Trung Quốc. Đây là những tồn tại kéo dài qua nhiều đời Tổng thống Hoa Kỳ.

Hội đồng Ngành Công nghệ Thông tin (ITI), một nhóm đại diện thương mại chính cho các gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Microsoft, Apple và Google, cho biết rằng họ hy vọng Trung Quốc sẽ thực thi thông báo của chính phủ Trump một cách nghiêm túc.

Chủ tịch ITI, ông Dean Garfield, trong một tuyên bố gần đây đã nói rằng: “Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều nên sử dụng những tháng tới để giải quyết các vấn đề gây ra xích mích trong mối quan hệ thương mại song phương trước khi Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập có cuộc hội đàm dự kiến trước cuộc họp các nhà lãnh đạo APEC vào tháng 11 tới”.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ, nhóm vận động kinh doanh lớn nhất, cho biết Trung Quốc cần phải chấm dứt việc yêu cầu chuyển giao công nghệ bắt buộc và phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các cá nhân, công ty nước ngoài tại Trung Quốc.

Trước đó, vào đầu giờ sáng thứ Hai (14/8), một bài xã luận đăng trên tờ China Daily, nhật báo của nhà nước Trung Quốc, cho rằng cuộc điều tra thương mại này sẽ “gây tổn hại” đến mối quan hệ song phương Mỹ – Trung và cảnh báo chính phủ Trump không nên đưa ra quyết định như vậy nếu không có thể sẽ phải hối tiếc.

Thực tế ông Trump đã muốn ký quyết định này từ đầu tháng 8, nhưng vẫn phải trì hoãn để tiếp tục thúc ép Bắc Kinh kiềm chế Bình Nhưỡng.

Cuối cùng, Tổng thống Mỹ đã quyết định hành động để bước đầu hiện thực hóa khoản 301 trong Đạo luật Thương mại 1974, một công cụ thương mại mà các chính phủ Hoa Kỳ áp dụng phổ biến trong thập niên 80, nhưng ít thực hiện trong khoảng chục năm gần đây. Điều khoản này cho phép Tổng thống Mỹ đơn phương áp đặt thuế quan hoặc các hạn chế thương mại khác để bảo vệ ngành công nghiệp Mỹ khỏi các hành vi thương mại không công bằng của nước ngoài.

Yên Sơn

Xem thêm: