Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 9/3 cảnh báo rằng nguy cơ dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) bùng phát trở thành đại dịch toàn cầu là “rất thật”, nhưng nhấn mạnh dịch bệnh vẫn có thể được kiểm soát.

WHO, viêm phổi Vũ Hán, virus corona
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Xinhua)

Đêm 9/3 (giờ Việt Nam), phát biểu trong hội nghị trực tuyến ở Geneva, Tổng Giám đốc WHO, tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết mối đe dọa của một đại dịch đã trở nên “rất thật.”

“Đây sẽ là đại dịch đầu tiên trong lịch sử mà [chúng ta] có thể kiểm soát được,” ông nói.

“Cho dù đó có phải là là đại dịch hay không, thì quy tắc của trò chơi vẫn giống nhau là không bao giờ bỏ cuộc. Điều quan trọng nhất là, chúng ta không chịu sự chi phối của virus đó.

Tuyên bố của ông Tedros được đưa ra trong bối cảnh toàn thế giới đã có hơn 114.000 ca nhiễm bệnh, dịch bệnh đã lan ra 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 4.000 ca tử vong.

Ông Tedros cho biết tới thời điểm hiện tại chỉ có một số ít các quốc gia có dấu hiệu lây lan trong cộng đồng, và trong số 4 quốc gia có nhiều ca nhiễm nhất, Trung Quốc hiện đang kiểm soát dịch bệnh tốt và số ca bệnh mới ở Hàn Quốc cũng đang giảm. 

“70% trong số hơn 80.000 ca nhiễm bệnh tại Trung Quốc đã được điều trị khỏi và xuất viện, và dịch bệnh tại nước này có thể đang đi đến hồi kết… Trung Quốc đang đặt dịch bệnh vào tầm kiểm soát,” ông nói.

WHO cũng ca ngợi những nỗ lực phòng chống dịch viêm phổi Vũ Hán của Ý, cho rằng biện pháp phong tỏa các khu vực miền Bắc nước này là “quyết liệt”, và hy vọng những giải pháp này sẽ cho thấy hiệu quả trong những ngày tới.

Tổng Giám đốc WHO kêu gọi các chính phủ tập trung vào cả việc ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh lây lan.

“Cho dù đó là đại dịch hay không, quy tắc của trò chơi là như nhau, không bao giờ bỏ cuộc. Hãy để hy vọng là thuốc giải cho nỗi sợ hãi. Hãy để sự đoàn kết là liều thuốc giải độc”, ông phát biểu.

Trước dịch COVID-19, WHO từng tuyên bố đại dịch với dịch SARS năm 2003 và dịch cúm H1N1 năm 2009.

WHO: Không có bằng chứng bệnh nhân “tái nhiễm” virus corona ở Trung Quốc

CNN tuyên bố sẽ dùng từ “đại dịch” để nói về COVID-19

Trước đó, đài CNN tuyên bố họ sẽ bắt đầu dùng từ “đại dịch” từ ngày 9/3 để nói về COVID-19 bất chấp việc WHO chưa chính thức công bố. Theo CNN, các tiêu chí cụ thể cho một đại dịch chưa được xác định, nhưng có 3 tiêu chí chung, gồm loại virus gây bệnh hoặc tử vong, lây nhiễm từ người sang người và lây lan khắp thế giới đã rõ ràng.

Tiến sĩ Jerome Adams, bác sĩ phẫu thuật hàng đầu tại Mỹ, nói với CNN: “Tôi rất coi trọng sự thay đổi ngôn ngữ này và tôi đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo y tế công cộng, nhà dịch tễ học và bác sĩ về thuật ngữ này. Trong khi một số người còn bảo thủ, phần lớn mọi người đều đồng ý rằng chúng ta đang ở trong một đại dịch”.

WHO định nghĩa thuật ngữ “đại dịch” để chỉ “sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trên toàn cầu”. Một dịch bệnh sẽ chỉ được gọi là đại dịch khi nó là bệnh truyền nhiễm và lan rộng ở một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn cư dân.

Còn theo định nghĩa của cơ quan y tế Liên Hợp Quốc (LHQ), “đại dịch” xảy ra khi một loại virus đã lan rộng trong cộng đồng ở ít nhất hai lục địa. Theo ngưỡng của LHQ thì dịch viêm phổi Vũ Hán đã “đáp ứng” vượt các tiêu chí trên, vì tất cả các châu lục, trừ Nam Cực, đã có người nhiễm bệnh. 

Đài Loan mới đây cũng đã kêu gọi WHO gọi COVID-19 là “đại dịch”, theo Taiwan News. 

Trong buổi họp báo ngày 9/3, ông Chan Chang-chuan, trưởng khoa của Đại học Y tế Công cộng Đại học Đài Loan, đã đặt câu hỏi về lý do WHO không coi dịch viêm phổi Vũ Hán là một đại dịch.

Video: Tham nhũng ở WHO góp phần khiến virus corona lây lan?

Những tuyên bố trước đó của WHO liên quan đến dịch ‘viêm phổi Vũ Hán’ (COVID-19)

Hồi tháng 1, WHO đã tuyên bố dịch COVID-19 là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.

Ngày 23/2, WHO cho biết không sử dụng thuật ngữ “đại dịch” đối với COVID-19, nhưng dịch bệnh “vẫn là một trường hợp khẩn cấp quốc tế có khả năng lan rộng thêm nữa.”

Ngày 24/2, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định COVID-19 “có khả năng trở thành một đại dịch,” tuy nhiên nói rằng tình hình vẫn chưa đạt đến mức độ này. Ông cảnh báo mọi quốc gia cần đề cao cảnh giác, đồng thời ca ngợi các nỗ lực của Trung Quốc giúp ngăn chặn dịch bệnh không lan rộng hơn.

Ngày 25/2, WHO kêu gọi thế giới phải “chuẩn bị cho nguy cơ đại dịch toàn cầu.”

Ngày 27/2, ông Tedros nhận định dịch COVID-19 đang ở “thời điểm quyết định” trên toàn cầu và vẫn chưa phải “đại dịch.” Ông Tedros cho rằng “hiện vẫn chưa có sự lây lan rộng khắp trong cộng đồng” mặc dù có nhiều ca nhiễm mới bên ngoài Trung Quốc Đại lục. Tổng số ca nhiễm hôm 27/2 trên toàn thế giới là 82.165 ca trên 5 châu lục, 47 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng Giám đốc WHO cho biết “chúng ta không nên quá vội vàng tuyên bố một đại dịch khi chưa phân tích cẩn thận và rõ ràng các sự kiện. WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng – mức báo động cao nhất của chúng tôi… sử dụng từ “đại dịch” tuỳ tiện không hề có lợi ích gì, nhưng lại rất rủi ro khi nó khuếch đại sự sợ hãi và kỳ thị vô căn cứ, và làm tê liệt các hệ thống… Nó cũng ám chỉ chúng ta đã không thể ngăn chặn virus – điều này không đúng. Chúng ta vẫn đang chiến đấu và có thể chiến thắng nếu chúng ta làm đúng”. 

Ngày 28/2, ông Tedros nói nguy cơ virus corona chủng mới lây lan là “rất cao đối với toàn cầu”, thay vì mức “cao” như trước đây.

Ngày 2/3, Tổng Giám đốc WHO cho biết “WHO sẽ không ngần ngại mô tả đây là đại dịch nếu các bằng chứng thể hiện rõ điều đó.”

Ngày 5/3, Tổng Giám đốc WHO nói rằng COVID-19 chưa phải đại dịch, nhưng “có những dấu hiệu đáng lo ngại”. Ông Tedros cũng phàn nàn rằng có quá nhiều nước đang không làm đủ các bước cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Xuân Lan (t/h)

Xem thêm: