Tòa án Tối cao Venezuela hôm thứ Ba (14/5) đã cáo buộc thêm 4 nhà lập pháp đối lập tội phản quốc sau khi đã đưa ra tuyên bố tương tự với 10 nhà lập pháp đối lập khác vào tuần trước.

Embed from Getty Images

Hôm 14/5/2019, lực lượng an ninh của chính quyền Maduro phong tỏa lối vào Quốc hội do phe đối lập kiểm soát. Mật vụ Venezuela cho rằng bên trong tòa nhà quốc hội khả năng bị đặt bom. (Ảnh: Eva Marie Uzcategui/Getty Images)

Tòa án Tối cao trong một tuyên bố đăng trên trang Facebook chính thức của cơ quan này đã cáo buộc các nhà lập pháp Carlos Paparoni, Miguel Pizarro, Franco Casella và Winston Flores tội phản quốc và kích động nổi loạn. Những cáo buộc này đánh dấu bước leo thang mới nhất trong chuỗi hành động mà Tổng thống Nicolas Maduro sử dụng để trấn áp các đồng minh của lãnh đạo đối lập, tổng thống lâm thời Juan Guaido từ sau khi ông Guaido và cộng sự tiến hành cuộc nổi dậy bất thành bên ngoài một căn cứ không quân ở thủ đô Caracas hôm 30/4.

Trao đổi với Reuters, nhà lập pháp Winston Flores cho hay: “Điều này đơn giản chỉ làm cho chúng tôi mạnh mẽ hơn.” Ông Flores gọi các cáo buộc của Tòa án Tối cao là “những lệnh bất hợp pháp từ kẻ độc tài.” “Chúng tôi biết họ sẽ tiếp tục tiến trình cố gắng phá hủy Quốc hội này,” ông Flores nói thêm.

Vào sáng thứ Ba (14/5), lực lượng an ninh của chính quyền Maduro đã ngăn chặn không cho các nhà lập pháp vào tòa nhà quốc hội họp với lý do an ninh đang điều tra khả năng có thiết bị nổ đặt trong tòa nhà.

Phiên họp của quốc hội do phe đối lập kiểm soát dự kiến diễn ra vào 10 giờ sáng 14/5 (giờ địa phương), nhưng đã không thể tiến hành. Các nhà lập pháp dự kiến họp thảo luận về những cáo buộc mà Tòa án Tối cao nhắm vào các đồng nghiệp của họ và về việc an ninh Venezuela đã bắt phó chủ tịch quốc hội Zambrano – một người chỉ trích ông Maduro mạnh mẽ.

Nhà lập pháp đối lập Jorge Millan đã nói với báo giới rằng thông tin về “những quả bom” trong tòa nhà quốc hội là giả mạo.

“Đó là thủ đoạn nhằm ngăn chặn quốc hội hoạt động vào hôm nay. Nếu chúng tôi không họp được trong hôm nay, chúng tôi sẽ họp vào ngày mai,” ông Millan nói.

“Đây là chế độ độc tài săn đuổi những người bất đồng chính kiến, và chúng tôi đang đấu tranh cho sự thay đổi chính trị,” nhà lập pháp Juan Pablo Guanipa nói với Reuters.

Nhà lập pháp Winston Flores cho biết ông sẽ thực hiện chuyến công du “khẩn cấp” tới Uruguay để thông báo với nghị viện của khối thương mại Mercosur về làn sóng cáo buộc phạm tội mà Tòa án Tối cao thân Maduro nhắm vào các nhà lập pháp Venezuela. Ông Winston Flores đang là thành viên của nghị viện Mercosur – cơ quan đặt trụ sở tại thủ đô Montevideo, Uruguay.

Trong khi đó, nhà lập pháp Miguel Pizarro đã đăng tweet gọi tuyên bố của tòa án là “lời lẽ bất hợp pháp chỉ nhằm tìm cách tạo ra nỗi sợ hãi để bịt miệng chúng tôi.”

Reuters cho biết họ đã không thể liên lạc với các nhà lập pháp khác có trong danh sách bị Tòa án Tối cao buộc tội phản quốc để yêu cầu bình luận.

Reuters cũng đã liên hệ với Bộ Thông tin Venezuela để yêu cầu cung cấp thêm thông tin về việc tại sao an ninh lại phong tỏa lối vào tòa nhà quốc hội, nhưng không nhận được phản hồi.

Tuần trước, an ninh của chế độ Maduro đã bắt giữ phó chủ tịch quốc hội Edgar Zambrano. Cùng thời gian đó, Tòa án Tối cao đã xóa bỏ quyền miễn trừ tư pháp đối với 10 nhà lập pháp phe đối lập, cáo buộc họ phạm tội phản quốc, kích động bạo loạn khi tham gia vào cuộc nổi dậy bất thành hôm 30/4. Động thái này của chế độ Maduro đã khiến nhiều nhà lập pháp đối lập phải xin tị nạn tại sứ quán nước ngoài ở Caracas hoặc trốn chạy khỏi Venezuela.

Phe đối lập gọi những cáo buộc của Tòa án Tối cao thân Maduro đối với các nhà lập pháp là nỗ lực của Đảng Xã hội chủ nghĩa cầm quyền nhằm đóng cửa quốc hội do phe đối lập kiểm soát.

Mỹ cũng đã lên án hành vi bắt ông Zambrano của chế độ Maduro và yêu cầu chính quyền Venezuela phải thả nhà lập pháp đối lập ngay lập tức và vô điều kiện.

Bất chấp áp lực từ phe đối lập và quốc tế, ông Maduro vẫn kiểm soát quyền lực thực tế tại Venezuela nhờ vào sự ủng hộ của quân đội, Tòa án Tối cao và sự hậu thuẫn của các chính phủ đồng minh từ Cuba, Nga và Trung Quốc.

Xuân Thành