Giải thưởng “Tưởng nhớ Mẹ Teresa”, tên đầy đủ là giải thưởng “Tưởng nhớ Mẹ Teresa vì Công lý Xã hội” (Mother Teresa Memorial Awards for Social Justice), là một giải thưởng quốc tế được trao hàng năm cho các cá nhân, tổ chức giúp thúc đẩy hòa bình, công lý xã hội trên toàn thế giới. Ngày 3/11 vừa qua, tổ chức “Bác sĩ Chống Thu hoạch Tạng Cưỡng bức” (Doctors Against Forced Organ Harvesting – DAFOH) đã được trao giải thưởng “Tưởng nhớ Mẹ Teresa” trong phạm vi chủ đề năm nay do hiệp hội trao giải đưa ra là “Chống lại các hình thức nô lệ mới”.

Tổ chức bác sĩ chống thu hoạch tạng được trao giải "Tưởng nhớ Mẹ Teresa" 2019
Tiến sĩ Torsten Trey (bên phải cùng) thay mặt DAFOH nhận giải “Tưởng nhớ Mẹ Teresa”.

Được thành lập bởi một mạng lưới bác sĩ và bác sĩ phẫu thuật vào năm 2006, trong suốt 13 năm qua, DAFOH đã liên tục nâng cao nhận thức cho cộng đồng y tế nói riêng và xã hội nói chung về tội ác thu hoạch tạng tại Trung Quốc.

Tiến sĩ Torsten Trey, chủ tịch DAFOH, chuyên gia, tác giả của nhiều cuốn sách và nghiên cứu về chủ đề thu hoạch tạng, nói rằng nhận được giải “Tưởng nhớ Mẹ Teresa” là một vinh dự lớn của DAFOH. “Vấn đề mà chúng tôi đang theo đuổi là một chủ đề hết sức nhạy cảm, vì nó động chạm đến thu hoạch tạng, đặc biệt là từ một nhóm tín ngưỡng vẫn còn xa lạ với phương Tây – phong trào tâm linh Pháp Luân Công”, ông cho biết.

Kể từ sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công diễn ra tại Trung Quốc vào năm 1999, trong suốt 20 năm qua, chỉ có rất ít cơ quan truyền thông quốc tế thực sự theo sát cuộc đàn áp nói riêng và tội ác thu hoạch tạng nói chung. Các báo cáo chỉ thật sự được truyền thông thế giới chú ý trong vài năm trở lại đây, đặc biệt là sau tuyên án của Tòa án nhân dân độc lập tại London. “Tòa án Trung Quốc tuyên bố vào tháng 6 năm nay rằng việc thu hoạch tạng cưỡng bức chắc chắn đang diễn ra tại Trung Quốc và yêu cầu cộng đồng y tế chú ý đến điều này”, ông Trey chia sẻ, “Tuyên án của tòa kết thúc bằng lời kêu gọi cộng đồng quốc tế cần phải nhìn nhận chính quyền Trung Quốc là một nhà nước tội phạm. Đây là điều cần quốc tế lưu ý.”

Kể từ khi thành lập, DAFOH đã khởi động nhiều sáng kiến để nâng cao nhận thức cho người dân thế giới, từ các bài viết, tới các diễn đàn, hội thảo, các phỏng vấn truyền thông, nhằm phơi bày việc thu hoạch tạng tại Trung Quốc. Hơn 5 năm trước, tổ chức này cũng khởi đầu một cuộc thỉnh nguyện thu thập chữ ký, kêu gọi Liên Hợp Quốc mở các cuộc điều tra độc lập về tội ác thu hoạch tạng của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc thỉnh nguyện đã thu được 3 triệu chữ ký từ hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2016 và 2017, DAFOH đã được đề cử giải Nobel Hòa Bình cho các nỗ lực của mình.

“Đây là tội ác chống lại loài người, và nó phải bị ngăn chặn”, ông Trey nói trong lễ nhận giải. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ rằng hành trình nâng cao nhận thức về tội ác này là vô cùng khó khăn. “Mọi người thường không biết về việc lạm dụng cấy ghép này, và chúng tôi thường phải bắt đầu từ những điều cơ bản nhất, rằng điều này không giống hoạt động buôn tạng hay hoạt động chợ đen. Đây là việc giết hại tù nhân lương tâm dưới sự bảo trợ của nhà nước…”, ông Trey cho biết.

Có rất nhiều bằng chứng về tội ác này. Bên cạnh các nghiên cứu của các nhà điều tra độc lập, ông Trey còn dẫn chứng một trường hợp năm 2017, khi các phóng viên đài truyền hình Chosun của Hàn Quốc thực hiện một phóng sự điều tra, giả làm người mua tạng để tiếp cận bệnh viện Thiên Tân tại Trung Quốc. Tại đây, họ đã ghi lại cảnh một nữ y tá nói: “Chúng tôi có thể nhận tiền quyên góp cho bệnh viện, khoảng 10.000 USD, và thời gian chờ thận có thể giảm xuống còn 2 ngày”. Điều đó có nghĩa là những tạng này là tạng theo yêu cầu, có thể được khai thác tùy ý, “đây là hành vi mà cộng đồng y khoa quốc tế không thể làm ngơ”, ông Trey nói. Thu hoạch tạng tại Trung Quốc là hành vi giết hại các tù nhân lương tâm (tù nhân bị bắt chỉ vì tín ngưỡng – đặc biệt là Pháp Luân Công và Duy Ngô Nhĩ) theo nhu cầu để lấy các bộ phận nội tạng của họ phục vụ cho các ca cấy ghép tạng.

Mặc dù “rất khó để ước lượng một con số chính xác”, nhưng ông Trey cũng cho biết có khoảng 60.000 tới 100.000 ca cấy ghép được thực hiện tại Trung Quốc hàng năm. “Nếu bạn tới bệnh viện Thiên Tân, một trong những trung tâm cấy ghép lớn nhất tại châu Á, bạn có thể có 10.000 ca mỗi năm, và với hơn 160 trung tâm cấy ghép tại Trung Quốc, số lượng các ca cấy ghép đã là lớn nhất thế giới rồi.”

Ông Trey nhấn mạnh: “Nếu chỉ có một người bị giết để lấy tạng, thì đó cũng đã là tội ác cần bị phơi bày. Không phải là vượt qua một con số nào đó thì việc lạm dụng cấy ghép tạng mới trở thành tội ác. Dù cho bệnh nhân có là người trong nước hay là người nước ngoài tới Trung Quốc ghép tạng, thì chúng ta cũng cần lên tiếng vì chúng ta tồn tại trong một cộng đồng y khoa quốc tế.”

Ngày càng có nhiều người dân quốc tế và chính phủ các nước lên tiếng. Một số nước như Tây Ban Nha, Đài Loan, Ý, Israel đã ban hành luật ngăn chặn công dân nước họ đi du lịch ghép tạng, một số nước đang có động thái lập pháp tương tự.

Minh Nhật tổng hợp

Xem thêm: