Trong một đánh giá mới đây, các sĩ quan tình báo Hoa Kỳ cho hay Bắc Triều Tiên đã sản xuất thành công đầu đạn hạt nhân thu nhỏ có thể lắp vào tên lửa. Điều này giúp Bình Nhưỡng vượt một ngưỡng quan trọng trên con đường trở thành một quyền lực hạt nhân thực sự.

Truyền hình quay lại cảnh ông Kim Jong-un và các tướng lĩnh quân đội Bắc Triều Tiên hân hoan sau vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành công hôm 29/7.

Thông tin trên được tờ Washington Post đăng tải hôm thứ Ba (8/8). Trong đó, nói rằng vào tháng trước Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ đã đưa ra phân tích nêu trên từ một cuộc đánh giá khác về tình hình sở hữu bom hạt nhân của chế độ Kim Jong-un. Hoa Kỳ tính toán rằng Bắc Hàn đang sở hữu khoảng 60 bom hạt nhân. Một số chuyên gia độc lập cho rằng số lượng bom hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang có là ít hơn con số trên.

Với những phát hiện này, quan ngại về mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Hàn với lục địa Hoa Kỳ dâng cao hơn bao giờ hết và khác nhiều so với các dự đoán trước đây. Các chuyên gia Mỹ đã kết luận rằng Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể chế tạo tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng tấn công vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trong một phát biểu vào thứ Ba (8/8) tại sân golf của mình tại Bedminster, New Jersey, Tổng thống Donald Trump nói rằng Bắc Triều Tiên sẽ đối mặt với một sự đáp trả tàn khốc nếu tiếp tục đe dọa Mỹ. “Họ sẽ gặp phải lửa thịnh nộ mà thế giới chưa từng được đấy”. Ông Trump cảnh báo.

Trước đó không lâu, Bắc Hàn đã mô tả các biện pháp trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc (LHQ) là một nỗ lực “bóp nghẹt một quốc gia” và cảnh báo rằng “họ sẽ huy động toàn bộ sức mạnh quốc gia để có hành động đáp trả một cách tàn nhẫn“.

Những lời lẽ khiêu khích của chế độ Bình Nhưỡng là không mới, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại nó mang một sức nặng đáng kể đối với Hoa Kỳ và đồng minh. Vì rằng, những đánh giá mới nhất, một tài liệu hoàn thành hôm 28/7, kết luận rằng chế độ Kim Jong-un đã đạt đến cột mốc trọng yếu là thu nhỏ đầu đạn hạn nhân để lắp vào tên lửa. Trước đây, nhiều nhà phân tích vẫn nghĩ rằng Bắc Triều Tiên cần phải mất rất nhiều năm nữa thì các nhà khoa học vũ khí của họ mới có thể chế tạo được đầu đạn thu nhỏ cho tên lửa mặc dù Bình Nhưỡng đã thử bom hạt nhân đầu tiên từ hơn một thập kỷ trước.

Tờ Washington Post đăng trích đoạn đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Mỹ như sau: “Cộng đồng tình báo đánh giá Bắc Triều Tiên đã sản xuất vũ khí hạt nhân cho tên lửa đạn đạo, trong đó có cho các tên lửa ICBM”. Hai quan chức Mỹ giấu tên, những người nắm rõ đánh giá này, đã xác nhận với Washington Post các kết luận nêu trên. Đánh giá này không chỉ ra liệu chế độ Kim Jong-un có thử thành công các thiết kế nhỏ hơn hay không, cho dù Bình Nhưỡng năm ngoái đã chính thức tuyên bố họ đã làm được việc này.

Cơ quan Tình báo Quốc phòng và Văn phòng của Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ từ chối bình luận về bản đánh giá nêu trên do Washington Post công bố.

Trong khi đó, trong một đánh giá đầu tuần này của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng kết luận rằng có bằng chứng cho thấy Bắc Triều Tiên đã đặt được thành tựu thu nhỏ đầu đạn hạt nhân.

Các nhà phân tích cũng nhận định rằng, ông Kim Jong-un đang trở nên ngày càng tự tin vào tính khả dụng của kho vũ khí của mình. Điều đó giải thích cho việc Bình Nhưỡng sẵn sàng có những hành vi thách thức Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, minh chứng là hai vụ thử ICBM trong vòng chưa đầy 3 tuần hồi tháng 7 vừa qua, bất chấp sự lên án của quốc tế và cả đồng minh Trung Quốc.

Tiến triển hạt nhân của Bắc Hàn, càng làm tăng thêm quyết tâm giải quyết vấn đề này của Tổng thống Trump, người đã từng thề rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ được phép đe dọa nước Mỹ bằng vũ khí hạt nhân. Trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm thứ Bảy (5/8) trên kênh MSNBC, cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump, Tướng H.R. McMaster đã nói rằng triển vọng việc Bắc Triều Tiên được trang bị ICBM mang theo đầu đạn hạt nhân sẽ là “không thể chấp nhận, theo quan điểm của tổng thống“.

Chúng tôi phải đưa ra tất cả các lựa chọn…và trong đó có lựa chọn quân sự”, Tướng McMaster nói. Tuy nhiên, vị cố vấn an ninh quốc gia Mỹ cũng cho biết chính phủ sẽ làm mọi việc trước khi dùng đến chiến tranh để “ép ông Kim Jong-un và những người xung quanh ông ta phải nhận thức được rằng việc phi hạt nhân hóa  là lợi ích của họ”. Các quan chức thân cận với các cuộc thảo luận nội bộ của chính quyền Trump nói với tờ Washington Post rằng trong số các lựa chọn mà Tướng McMaster nói có việc Mỹ sẽ đưa vào các cuộc đàm phán đa phương mới về ý định tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến đấu tại Hàn Quốc.

Cùng thời điểm với việc triển khai các lệnh trừng phạt kinh tế và đe dọa quân sự, chính phủ Trump cũng đã thúc đẩy Bắc Triều Tiên hướng tới các cuộc đàm phán thông qua các phát ngôn của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, nhưng Bình Nhưỡng đã tỏ ra không hề quan tâm đến đối thoại.

Dường như điều duy nhất chế độ Bình Nhưỡng đặt tâm hiện tại là nhanh chóng chế tạo thành công ICBM mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ. Ông Kim Jong-un đã nhiều lần tuyên bố ý định về việc phát triển hàng loạt tên lửa ICBM mang theo đầu đạn hạt nhân và coi đó là lá chắn bảo vệ hiệu quả cho sự sống còn của chế độ nhà Kim. Những vụ thử nghiệm thành công liên tiếp trong tháng 7, cho thấy Bắc Hàn đang có những bước tiến lớn hướng tới hoàn thành mục tiêu của nhà lãnh đạo tối cao của họ.

Tuy nhiên, video phân tích các vụ thử ICBM mới nhất đã khiến một số nhà phân tích kết luận rằng tên lửa của Bắc Hàn đã bốc cháy và tan rã trước khi nó rơi xuống mặt đất. Điều này cho thấy các kỹ sư của Bắc Triều Tiên dường như chưa có khả năng chế tạo một thiết bị hồi hướng an toàn khi tên lửa bay qua tầng khí quyển trên cao. Dù vậy, các nhà phân tích của Mỹ và nhiều chuyên gia độc lập tin rằng trở ngại này sẽ được các chuyên gia tên lửa Bình Nhưỡng khắc phục vào cuối năm tới.

Ông Robert Litwak, một chuyên gia về không phổ biến vũ khí hạt nhân tại Trung tâm Học giả Quốc tế Woodrow Wilson và là tác giả của cuốn sách “Ngăn chặn Bùng nổ Hạt nhân Bắc Triều Tiên” mới xuất bản năm nay, đã nói rằng: “Ban đầu người ta nhìn nhận vấn đề Triêu Tiên giống như cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba quay chậm, nhưng bây giờ nó giống với với Dự án Manhattan hơn. Có một cảm giác khẩn cấp đằng sau chương trình này, một chương trình mới cho kỷ nguyên Kim Jong-un”. Dự án Manhattan mà ông Litwak đề cập là một chương trình nghiên cứu và phát triển trong Thế chiến II, chế tạo ra vũ khí hạt nhân đầu tiên. Chương trình này do Hoa Kỳ lãnh đạo cùng với sự hỗ trợ của Vương quốc Anh và Canada.

Mặc dù một số tiến bộ trong chương trình tên lửa và hạt nhân của Bắc Hàn là có, nhưng một số chuyên gia nổi tiếng của Hoa Kỳ cũng cảnh báo về nguy cơ Washington đang đánh giá quá cao mối đe dọa từ Bình Nhưỡng. Ông Siegfried Hecker, giám đốc danh dự của Phòng thí nghiệm Quốc gia Los Alamos và là người cuối cùng của Hoa Kỳ từng trực tiếp đến kiểm tra các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên, đã tính toán quy mô kho vũ khí của chế độ Kim Jong-un không quá 20 đến 25 quả bom. Ông Hecker cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn có thể đến từ việc coi Kim Jong-un nguy hiểm hơn những gì thực tế ông ta có.

Ông Hecker từng đến thăm Bắc Triều Tiên 7 lần từ năm 2004 đến 2010 và đã gặp nhiều vị lãnh đạo quan trọng trong chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, ông cho rằng: “Đánh giá quá mức khả năng của Bắc Hàn là điều đặc biệt nguy hiểm”. Ông Hecker  nói thêm rằng: “Một số người thích miêu tả Kim Jong-un như một gã điên và điều đó làm cho công chúng tin rằng ông ta là người không thể ngăn chặn. Thực ra, ông ta không điên rồ và ông ta không muốn tự hủy diệt mình”.

Hecker nói: “Mối đe dọa thực sự là chúng ta sẽ sa lầy vào một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên“.

Trong quá khứ, các cơ quan tình báo Mỹ đã nhiều lần đánh giá quá mức mối đe dọa Bắc Triều Tiên. Vào đầu những năm 2000, chính phủ của Tổng thống George W. Bush  đã nhận định rằng Bình Nhưỡng gần đạt đến khả năng phát triển tên lửa ICBM, có thể tấn công lục địa Mỹ – một dự đoán mà đã sai cả hàng thập kỷ.

Tuy nhiên, ông Jeffrey Lewis, giám đốc Chương trình Không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Á của Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân nói rằng gần đây các nhà phân tích và hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã rất ngạc nhiên khi Bắc Triều Tiên đạt được mốc quan trọng trước thời hạn dự kiến hàng năm. Ông Lewis, người đã từng nghiên cứu về con đường tiến tới một cuộc thử nghiệm hạt nhân thành công năm 1964 của Trung Quốc, nhận định rằng đang có sự hoài nghi về khả năng hạt nhân của Bắc Triều Tiên tương tự như trường hợp của Trung Quốc những năm 1960.

Không có lý do nào để nghĩ rằng Bắc Triều Tiên không tiến bộ sau khi họ đã có nhiều vụ thử hạt nhân thành công”. Ông Lewis khẳng định như vậy và thêm rằng: “Câu hỏi lớn là: Tại sao chúng ta xếp Bắc Hàn theo một tiêu chuẩn khác với khi chúng ta đã đánh giá Liên Xô của Joseph Stalin hay Trung Quốc của Mao Trạch Đông? Bắc Triều Tiên đang thử nghiệm dưới lòng đất, vì vậy chúng tôi sẽ thiếu nhiều thông tin chi tiết. Nhưng, tôi thấy rằng có vẻ như rất nhiều người đang nhấn mạnh vào mức độ không thể chứng minh bởi vì họ chỉ đơn giản là không muốn chấp nhận những điều đã rõ ràng”.

Theo Washington Post

Tân Bình (t/h)

Xem thêm: