Trước khi tôi giải thích tại sao bài phát biểu của ông Kerry gây thất vọng nặng nề trước hàng triệu người Israel, tôi muốn nói rằng Israel hàm ơn sâu sắc nước Mỹ, đối với các chính quyền Mỹ kế tiếp, với Quốc hội Mỹ cũng như nhân đân Hoa Kỳ.

Chúng tôi cảm ơn sự ủng hộ mà Israel được nhận từ rất, rất nhiều thập kỷ qua. Liên minh của chúng ta được dựng trên những giá trị chung, quyền lợi chung, một vận mệnh chung và sự hợp tác vượt trên những khác biệt giữa hai chính phủ về phương cách tốt nhất đạt được hoà bình và ổn định ở Trung Đông. Tôi không nghi ngờ gì việc liên minh  này sẽ sống sót qua sự bất đồng hiện tại giữa chúng tôi và chính quyền Obama, thậm chí mạnh mẽ hơn trong tương lai.

Nhưng bây giờ tôi phải biểu thị sự thất vọng sâu sắc của mình đối với những gì ông John Kerry nói hôm nay – một bài phát biểu không công bằng gần như nghị quyết chống Israel mà Liên Hiệp Quốc vừa thông qua tuần vừa rồi. Khi nói về hoà bình giữa người Israel và Palestine, Ngoại trưởng Kerry chỉ nói đãi bôi về những chiến dịch khủng bố mà người Palestine gây nên chống lại nhà nước Do Thái trong gần một thế kỷ qua.

Còn lại trong gần hết thời gian, ông ta cáo buộc Israel thiếu tinh thần hoà bình và mạnh mẽ lên án chính sách cho phép người Do Thái sống trên mảnh đất quê hương lịch sử của mình và tại thủ đô ngàn năm của họ, thành Jerusalem.

Hàng trăm vụ đánh bom liều chêt, hàng ngàn, vạn tên lửa, hàng triệu người Israel phải sống trong hầm trú bom không hề được nhắc đến trong bài phát biểu của ông ta, nhưng đây là thực tế mà nhân dân chúng tôi phải chịu đựng vì nhiều chính sách sai lầm. Những quyết sách mà có lúc đã được thế giới hoan nghênh nhiệt liệt.

Tôi không cần vỗ tay, điều tôi mong muốn là an ninh, hoà bình và thịnh vượng và tương lai cho nhà nước Do Thái. Người Do Thái đã lưu lạc tìm kiếm mảnh đất của mình dưới ánh mặt trời trong suốt 3.000 năm, và chúng tôi sẽ không bị lung lạc bởi những chính sách lầm lạc đã gây ra nhiều thiệt hại to lớn.

Người Israel không cần nghe giảng đạo về sự quan trọng của hoà bình bởi những lãnh đạo quốc ngoại. Với mong muốn hoà bình, bàn tay của Israel đã chìa ra cho những nước láng giềng từ ngày đầu tiên, ngay từ ngày đầu lập quốc. Chúng tôi đã cầu nguyện cho hoà bình, đã nỗ lực từ ngay ngày đầu tới giờ. Và hàng ngàn gia đình Israel đã hy sinh tới người cuối cùng để bảo vệ đất nước của chúng ta, đồng thời thúc đẩy hoà bình. Gia đình tôi là một trong số đó, còn có rất, rất nhiều người như thế.

Không ai muốn hoà bình nhiều hơn nhân dân Israel. Israel cam kết giải quyết những khác biệt lớn nhất giữa chúng tôi và người Palestine thông qua thương lượng trực tiếp. Đây là cách chúng tôi hoà hoãn với Ai Cập, Jordan, và cách duy nhất chúng ta sẽ xây dựng hoà bình với người Palestine. Chính sách của Israel luôn là như vậy; chính sách của Mỹ cũng luôn là như vậy.

Tại LHQ năm 2011, ông Obama nói: “Đạt được hoà bình không dễ dàng. Hoà bình không đến thông qua những tuyên bố và nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc. Nếu dễ thế, thì bây giờ chúng ta đã có hoà bình rồi”.

Ông đã nói thế và ông ta đã đúng. Đến tuần qua, lời này vẫn được nhắc đi nhắc lại như là chính sách của người Mỹ. Ngoại trưởng Kerry cho hay Hoa Kỳ không thể bỏ phiếu chống lại chủ trương của mình. Nhưng tại LHQ họ đã làm như vậy, và chính thế Israel mới phản đối nghị quyết tuần qua của Hội đồng Bảo an LHQ, vì nghị quyết này chính thức gọi Bức tường phía Tây là “chiếm cứ lãnh thổ Palestine”, bởi vì nó khuyến khích việc tẩy chay và chế tài Israel – đó là điều nó chắc chắn làm và bởi vì nó phản ánh sự chuyển dịch của Mỹ ngả về phía Palestine trong vấn đề vị thế cuối cùng – những vấn đề mà chúng ta luôn luôn đồng thuận – Mỹ và Israel – đó là phải được đàm phán trực tiếp, mặt đối mặt mà không có các điều kiện tiên quyết.

Sự chuyển dịch này xảy ra bất chấp chính quyền Palestine đã quyết định quay lưng lại với hoà bình hết lần này đến lần khác, bất chấp việc họ từ chối ngay cả việc đàm phán hoà bình trong 8 năm qua, bất chấp Palestine toan tính tạo ra một nền văn hoá thù ghét đối chống lại Israel trong toàn bộ thế hệ trẻ người Palestine. Israel mong chờ ngày làm việc với Tổng thống Tân cử Donald Trump, với Quốc hội Hoa Kỳ, cả đảng viên Cộng hoà lẫn Dân chủ, để giảm thiểu thiệt hại mà nghị quyết này đã gây ra và cuối cùng là huỷ bỏ nó.

Chúng tôi hy vọng chính quyền Obama sắp mãn nhiệm sẽ ngăn chặn thiệt hại thêm nữa đối với Israel tại Liên Hiệp Quốc trong những ngày còn lại. Tôi ước rằng tôi có thể thấy an ủi bởi lời cam kết Hoa Kỳ nói rằng họ sẽ không đưa thêm bất kỳ một nghị quyết nào mới tới Hội đồng Bảo an, bởi những gì họ đã nói về nghị quyết trước. Chúng tôi có bằng chứng không thể chối cãi rằng Hoa Kỳ đã tổ chức, vận động và đưa nghị quyết này ra Hội đồng. Chúng tôi sẽ chuyển thông tin này tới chính phủ tiếp theo của Mỹ. Dù một số thông tin nhạy cảm, nhưng tất cả là sự thật. Quý vị có thể thấy một phần của nó trong nghị định thư mà một tờ báo Ai Cập mới công bố. Có nhiều hơn nữa, đó chỉ là chóp đỉnh của tảng băng.

Người ta có thể lấy 6 điểm chống Israel từ bài phát biểu của John Kerry. Nó có thể được được nêu vấn đề ra hội nghị quốc tế Pháp sau đó lôi ra LHQ. Pháp sẽ đệ trình vấn đề, hoặc Thuỵ Điển chứ không phải người bạn đáng chú ý của Israel.  Sau đó Hoa Kỳ có thể nói ‘chúng tôi không thể bỏ phiếu ngược lại chính sách của mình, chúng tôi chỉ loan báo thôi.

Tôi nghĩ rằng nếu nước Mỹ thành thật với thế giới, hay ít nhất là thành thật với lời nói của mình, họ nên bước ra và nói rằng sẽ không cho phép bất cứ nghị quyết nào, không thêm một nghị quyết nào tại HĐBA chống lại Israel. “Do chúng tôi đệ trình hay không – chúng tôi không cho phép bất cứ nghị quyết nào nữa, chấm dứt ngay điều này, trò chơi đố chữ”.

Tôi nghĩ rằng những quyết định tối quan trọng đối với lợi ích của Israel và tương lai con cháu của mảnh đất này sẽ không được nêu ra trong các bài phát biểu tại Washington hay tại Liên Hiệp Quốc hoặc các hội nghị ở Paris. Những điều này sẽ được Chính phủ Israel đưa ra trên bàn đàm phán, đại diện cho cho một và chỉ một Nhà nước Do Thái – một quốc gia có chủ quyền, là chủ nhân của chính số phận mình.

Và một suy nghĩ cuối cùng – bản thân tôi biết rõ những khó khăn, mất mát và khổ đau của chiến tranh. Đó là lý do tại sao tôi mong muốn hoà bình đến vậy. Bởi ai trải qua chiến tranh như tôi đều biết, chiến tranh là khủng bố và kinh hoàng. Tôi muốn những đứa trẻ Palestine được giáo giục như trẻ em Israel, để ước mong hoà bình. Nhưng chúng không được dạy bảo phải yêu quý hoà bình. Chính quyền Palestine dạy dỗ chúng bằng cách đề cao lũ khủng bố và sát hại người Israel.

Quan điểm của tôi là người Israel và Palestine đều có một tương lai trong đó 2 bên công nhận lẫn nhau, công nhận nhân phẩm, tôn trọng và cùng tồn tại. Nhưng Chính quyền Palestine tuyên bố rằng họ không bảo giờ chấp nhận sự tồn tại của một nhà nước Do thái.

Vì thế, xin hỏi quý vị, làm sao chúng tôi có thể tạo dựng hoà bình với những người chối bỏ ngay cả sự tồn tại của chúng tôi?

Quý vị thấy không, xung đột ở đây không phải là vấn đề xây nhà, về cộng đồng ở Bờ Tây, Judea và Samaria, quận Gaza hay ở bất cứ nơi nào khác. Mâu thuẫn luôn là về quyền được tồn tại của Israel. Đó là lý do tại sao hàng trăm cuộc gọi của tôi để cùng ngồi xuống thảo luận về hoà bình với Tông thống Palestine Abbas không được trả lời. Đó là vì sao lời mời ông ta tới Knesset của tôi không bao giờ được trả lời. Đó là vì sao chính quyền Palestine tiếp tục trả lương tháng cho bất cứ ai giết được người Israel.

Việc Tổng thống Palestine từ chối công nhận nhà nước Do Thái mới là vấn đề cốt lõi của xung đột này và làm sao giải quyết được nó là chìa khoá tới hoà bình nơi đây.

Các quốc gia trên thế giới nên tập trung vào vấn đề cốt lõi này, việc Palestine công nhận Israel, nếu quý vị thực sự muốn thúc đẩy hoà bình. Tôi lấy làm tiếc khi phải nói rằng quả là đáng xấu hổ nếu Ngoại trưởng Mỹ Kerry không nhìn ra sự thật đơn giản ấy.

Trọng Đức dịch

Xem thêm: