Thủ tướng nước Anh, bà Theresa May đọc bài diễn văn hôm 17/1, trình bày quan điểm của bà về các mối quan hệ với Liên Minh Châu Âu sau Brexit, vốn là một vấn đề chưa rõ ràng còn nhiều bàn cãi. 

Nếu như trước đây, bà có đề cập đến một “Brexit cứng rắn” thì nay được đổi thành “Brexit thích đáng”. Đương nhiên, mọi người đang trông đợi thủ tướng Anh sẽ có những giải thích cụ thể hơn về thuật ngữ này và những điều kiện theo đó bà định đưa nước Anh ra khỏi EU.

theresa May

Điểm quan trọng nhất bà May nêu ra là Anh Quốc chắc chắn sẽ rời thị trường chung châu Âu.

Bà cũng nói Anh tìm kiếm một thỏa thuận về thuế quan với 27 nước còn lại trong EU.

Chi tiết này ngay lập tức thu hút nhiều bình luận về khả năng Anh có còn ở lại trong hiệp định thuế quan chung với EU hay không, và nếu có thì theo mô hình nào.

Bà May cam kết làm việc hết mình với các đối tác thuộc EU để “có thương mại tự do” nhưng Anh Quốc “sẽ không còn nằm trong thị trường chung châu Âu”.

Các điểm chính trong nghị trình Brexit của bà Theresa May:

  • Anh Quốc sẽ kiểm soát biên giới và không chấp nhận tự do đi lại và cư trú theo cách của EU
  • Luật châu Âu và các nghị định đã tồn tại sẽ được đưa vào hệ thống luật Anh
  • Nghị viện Anh sẽ có quyền bỏ phiếu về thỏa thuận cuối cùng khép lại quá trình Brexit
  • Công dân các nước EU tiếp tục được hoan nghênh tại Anh
  • Anh Quốc ra khỏi thị trường chung châu Âu
  • Tòa Công lý châu Âu sẽ không có quyền phán xử với Anh
  • Anh sẽ tìm kiếm các hiệp định thương mại trên thế giới

Thủ tướng Anh nói với 27 nước còn lại trong EU:

Chúng tôi sẽ tiếp tục là đối tác đáng tin cậy, là đồng minh đầy ý nguyện, và bạn bè thân thiết.

Chúng tôi muốn mua hàng hóa của các bạn và bán cho các bạn hàng hóa của mình.

Chúng tôi muốn trao đổi thương mại với các bạn càng tự do thoải mái bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, và hợp tác với bất cứ ai để tạo môi trường an toàn cho tất cả, để có mối giao hảo tiếp tục thật thịnh vượng”.

Có hai điểm nổi bật chính trong các bình luận trên báo chí và truyền hình Anh sau diễn văn của bà May, thứ nhất là kế hoạch của thủ tướng May là khá mạnh mẽ và thứ hai là tuyên bố mới đây của Tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump sẵn sàng ký hiệp định kinh tế chiến lược để làm đệm giảm xóc cho việc Anh khi rời EU. Sau tuyên bố của bà May, đồng bảng Anh giảm giá một chút và giới kinh tế diễn giải kế hoạch của bà May có nghĩa là nước Anh sẽ tách rời khỏi khu vực kinh tế chung của châu Âu.

Do đó, hứa hẹn mới đây của Hoa Kỳ về trợ giúp thương mại sẽ phần nào giúp giảm nhẹ cú sốc đó. Thủ tướng Anh cùng các đồng sự trong chính phủ cũng cam kết về chuyện sẽ đàm phán với EU các hiệp ước thương mại có giá trị tương đương trước đây, nhưng cho đến thời điểm này thì tuyên bố của các lãnh đạo châu Âu mà đặc biệt là nước Đức và Pháp khá lạnh nhạt.

Có lẽ chính phủ Anh cũng không dám kỳ vọng quá nhiều vào các thỏa thuận kinh tế kiểu này, nên bộ trưởng Tài Chính Philip Hammond đã ngụ ý có thể giảm thuế một cách bất thường để biến nước Anh thành thiên đường thuế ngay ngoài rìa châu Âu để thu hút đầu tư và cân bằng kinh tế.

Có thể thấy bản kế hoạch của thủ tướng Anh mới chỉ là khúc dạo đầu cho vô số tranh cãi sắp tới, không chỉ song phương với châu Âu, mà như bà Theresa May đã bày tỏ hy vọng là nước Anh sẽ đạt được vai trò quốc gia thương mại toàn cầu, tiếp tục được thế giới tin cậy.

Một vấn đề lớn là di dân hầu như không được đề cập tới trong kế hoạch của bà May. Trên thực tế thì có lẽ đó chính là vấn đề mà chính phủ của bà May đã tập trung chuẩn bị trong suốt 6 tháng qua. Trước hết là nước Pháp tuyên bố sau ngày Brexit, họ sẽ yêu cầu biên phòng Anh rút khỏi cảng Calais quay về bên phía cảng Dover của Anh.

Đây sẽ là cú sốc lớn cho nước Anh, bởi vì trong trường hợp đó, nếu Pháp tiếp tục bỏ ngỏ cửa khẩu như hiện nay thì dòng người tị nạn sẽ thoải mái tràn sang Anh và khi đó thì nước Anh sẽ phải tiếp nhận và tìm chỗ ở cho người vượt biên trong giai đoạn xét duyệt hồ sơ, chứ không phải để họ vạ vật bên Pháp như vừa qua.

Dự kiến Thủ tướng Anh Theresa May sẽ chính thức kích hoạt điều 50 Hiệp ước Lisbon trước ngày cuối cùng của tháng 3/2017, mở đường cho quá trình đàm phán ly khai khỏi Liên minh Châu Âu.

Đức Trí (T/H)

Xem thêm: