Vị thủ tướng đang dính bê bối tham nhũng của Malaysia lên đường sang thăm Trung Quốc từ hôm qua 31/10 với mục tiêu kêu gọi thêm đầu tư từ Bắc Kinh. Giới phân tích ít nhiều lo ngại đây là diễn biến tiếp theo của xu hướng “xoay trục” sang Trung Quốc, xa rời phương Tây mà tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khởi xướng.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak

Cũng giống như Tổng thống Duterte của Philippines, Thủ tướng Malaysia Najib Razak đi Trung Quốc lần này dẫn theo một phái đoàn đoàn doanh nghiệp hùng hậu, mục đích là đạt các thoả thuận thương mại, thu hút vốn đầu tư của Trung Quốc vào Malaysia, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ mới và cơ sở hạ tầng.

Và cũng giống như ông Duterte, ông Najib không phải là người được phương Tây ưa chuộng. Trong hơn một năm qua, ông này bị chỉ trích rộng khắp vì dính vào cáo buộc tham nhũng, tuy nhiên đã sử dụng quyền lực để kiềm chế các cuộc điều tra.

Do đó, nhiều người cho rằng sở dĩ ông Najib chọn quay ra bám lấy Bắc Kinh là vì ông cần đẩy mạnh tăng trưởng cho Malaysia trong năm 2017 để tạo thêm đòn bẩy và tính chính đáng cho vai trò lãnh đạo đang bị đặt nghi vấn vì tham nhũng của ông. Qua đó, củng cố cơ hội tái thắng cử cho liên minh cầm quyền của ông trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018.

Đổi lấy đầu tư vào Malaysia, Bắc Kinh có thể giành thêm được một đồng minh chiến lược khác trong vấn đề tranh chấp chủ quyền biển Đông, mở rộng chân rết ủng hộ mình trong khối ASEAN. Vào tuần trước, tổng thống Duterte của Philippines, một trong những quốc gia chủ chốt trong tranh chấp này, đã tuyên bố ly khai đồng minh Hoa Kỳ, tiến đến hợp tác với Trung Quốc, đánh dấu một thay đổi quan trọng về địa chính trị Đông Nam Á.

Theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Trung Quốc xem Malaysia là quốc gia có vai trò quan trọng trong khối ASEAN và là một bên tranh chấp biển Đông mà Bắc Kinh có thể đối thoại dễ dàng, nhất là cho tới nay lập trường của Kuala Lumpur không rõ ràng.

Malaysia hiện cũng đòi chủ quyền trên khoảng một chục đảo ở biển Đông, nhưng khác với Việt Nam, Philippines hay Đài Loan, chính quyền thủ tướng Najib hầu như không có phản ứng gì trước những hành động lộng quyền của Trung Quốc trên vùng biển này. Thậm chí không hề tỏ thái độ khi các tàu tuần duyên Trung Quốc xâm nhập vùng biển của Malaysia ở biển Đông. Thủ tướng Najib không muốn tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc trong hồ sơ này có lẻ vì sợ làm phật lòng đối tác thương mại hàng đầu của Malaysia.

Chuyến viếng thăm Trung Quốc lần này của thủ tướng Malaysia cũng diễn ra vào lúc vụ tai tiếng tài chính quỹ phát triển 1MDB khiến uy tín quốc tế của ông Najib bị sứt mẻ nặng nề. Trong nước cũng như ngoài nước, ngày càng có nhiều người yêu cầu ông phải từ chức.

Cũng vì bê bối này mà thủ tướng Malaysia trong thời gian qua ít đi thăm các nước phương Tây, với hậu quả là đầu tư trực tiếp từ những nước này sụt giảm, cho nên Kuala Lumpur càng cần đến đầu tư từ Trung Quốc.

Hoa Kỳ, một đồng minh truyền thống chủ chốt của Malaysia, đã gây áp lực rất nhiều lên thủ tướng Najib trong vụ tai tiếng quỹ 1MBD. Điều này lại vô tình đẩy lãnh đạo Malaysia, “học tập” ông Duterte của Philippines mà ngả về Trung Quốc, vốn chủ trương ngược lại là không quan tâm tới lãnh đạo hay chuyện nội bộ của nước khác.

Đức Trí (T/H)