Từ tháng 9/2015, với sự tham gia của Nga, Syria trở thành mặt trận cho cuộc chiến đại diện của lãnh đạo Moscow và phương Tây. Đến nay, cục diện của cuộc nội chiến dai dẳng này sắp ngã ngũ, nhưng theo một hướng mà ông Obama không thể hài lòng khi rời nhiệm.

Mới cách đây không lâu, lực lượng nổi dậy tại Syria được Hoa Kỳ hậu thuẫn còn mơ đến ngày lật đổ được chế độ độc tài Bashar al-Assad, nắm quyền kiểm soát toàn thể đất nước. Nhưng đến nay, giấc mơ này đang tan thành mây khói. Ngày họ đánh bật khỏi căn cứ quan trọng Aleppo sẽ đánh dấu ngày tàn của phong trào nổi dậy, và thất bại trong “cuộc chiến đại diện của Mỹ ở nơi đây trước Nga”.

Aleppo, thành phố lớn thứ hai tại Syria, mang giá trị biểu tượng rất cao đối với phong trào nổi dậy, thất bại của họ tại nơi này sẽ trở thành hồi chuông báo tử cho phe đối lập, cho dù ngoài Aleppo, lực lượng nổi dạy vẫn còn kiểm soát một số vùng, đặc biệt là gần như toàn bộ tỉnh Idleb ở miền đông bắc.

Hơn một năm sau các cuộc biểu tình đòi dân chủ tại Syria, nối tiếp theo phong trào được gọi là Mùa Xuân Ả Rập tại các nước lân cận, và bị chế độ Bashar al-Assad đàn áp đẫm máu, vào tháng Bảy năm 2012, phong trào nổi dậy Syria đã mở cuộc tấn công vào Aleppo, giành được quyền kiểm soát một phần của thành phố, biến nơi đó thành cứ địa của mình.

Vào khi ấy, đối lập Syria như diều gặp gió, lại được sự hỗ trợ của một số cường quốc phương Tây, các nước vùng Vịnh, và Thổ Nhĩ Kỳ, cho nên đã tin rằng họ có thể lật đổ chế độ al Assad, và không ngần ngại tuyên cáo với thế giới rằng họ là đại diện hợp pháp của người dân Syria.

Thế nhưng, kể từ khi có sự can thiệp quân sự của Nga vào tháng 9 năm 2015, thế cục cuộc chiến đã hoàn toàn xoay chuyển. Phiến quân Syria phải hứng chịu một loạt thất bại trên chiến trường, mà gần đây nhất là tại Aleppo, nơi mà họ sắp sửa bị trục xuất hoàn toàn.

Trên AFP, chuyên gia Yezid Sayigh, một trong những nhà nghiên cứu chính của Trung Tâm Carnegie về Trung Đông, cho rằng thì tình hình đã chuyển biến đến mức “vượt qua điểm mà phe đối lập có thể xoay chuyển cục diện”. Theo nhà phân tích này, phong trào nổi dậy “không còn đủ số chiến binh cần thiết, cũng như không gian địa lý để mở lại một cuộc phản công lớn”.

Theo chuyên gia Aron Lund, thuộc Century Foundation, nhìn nhận: “Một khi bị đánh giá là không thể cứu chữa, phong trào nổi dậy sẽ không còn nhận được một cách vô thời hạn và chi viện từ nước ngoài”. Phiến quân hiện cũng còn có mặt ở tỉnh Deraa ở miền Nam và trong khu vực Ghouta, ngoại ô xung quanh Damas. Tuy nhiên, tại cả hai nơi này, họ cũng đều phải lùi bước trước đà tiến của quân chính phủ.

Tại sao Mỹ thua Nga trong cuộc chiến đại diện Syria?

Lý do quan trọng nhất là mặc dù tham gia muộn màng nhưng Tổng thống Nga Putin không ngần ngại ‘tất tay’ hỗ trợ vô điều kiện chính phủ Assad, còn Mỹ và phương Tây thì dè dặt và rót viện trợ hạn chế phe đối lập, do e ngại bị sa lầy vào xung đột, và tái lập một kịch bản thảm hoạ như Iraq. Mỹ ước tính đã chi 11 triệu USD/ngày cho chiến dịch của mình tại Syria, dưới dạng viện trợ vũ khí, huấn luyện quân sự và ném bom hỗ trợ. Hồi cuối năm 2015, Obama đã cố gắng kết thúc chương trình đào tạo chiến binh bản xứ tại Syria sau khi tiêu hết 500 triệu đô la mà chẳng thu được kết quả gì.

Ngoài ra sự manh mún, phức tạp trong nội bộ phe đối lập, cùng sự tham gia của các phong trào cực đoan cũng làm phương tây e ngại.

Các nhà quan sát cho rằng, sau Aleppo, thành trì cuối cùng của quân nổi dậy sẽ là tỉnh Idleb. Có điều là nơi này lại nằm dưới quyền kiểm soát của một liên minh do Mặt trận Fateh al-Sham, một chi nhánh trước đây của Al Qaeda của Syria. Sự hiện diện của thành phần Hồi Giáo cực đoan và lực lượng thánh chiến tại Idled rõ ràng là cản lực đối với các nước phương Tây vẫn muốn giúp đỡ phong trào nổi dậy.

Đức Trí (T/H)

Xem thêm: