Một người tự nhận là lính đánh thuê đã tố cáo Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hạ mật lệnh giết người gây xôn xao dư luận nước này.

Edgar Matobato, người tố cáo ông Duterte hạ lệnh giết người
Edgar Matobato, người tố cáo ông Duterte hạ lệnh giết người

Tuy nhiên một câu hỏi đặt ra là liệu việc này có khiến các cơ quan chính phủ khởi động cuộc điều tra ông Duterte hay không và ai dám thực hiện việc này?

Hiện ông Duterte chưa có phản ứng nào về lời cáo buộc, tuy nhiên những cấp dưới của ông tại Manila đã kịch liệt phủ nhận.

Trong phiên điều trần tại Quốc hội hôm thứ Năm (15/9), người tự nhận là cựu thành viên của Tiểu đội Sắt thủ (DDS) khét tiếng tại Davao, tên là Edgar Matobato tố cáo ông Duterte trong thời gian làm thị trưởng thành phố Davao đã ra lệnh giết hơn 1.000 người.

Ông này cũng nói rằng Tổng thống Philippines liên đới trực tiếp tới gần 3.000 cái chết từ sau khi ông lên làm tổng thống. Trong giai đoạn 1988-2013, ông Duterte đã ra lệnh cho DDS săn lùng những người ủng hộ của các đối thủ chính trị, giết người Hồi giáo và âm mưu giết Thượng nghị sĩ Leila De Lima sau khi bà đòi điều tra ông vào năm 2009.

Matobato còn mô tả chi tiết những cách thức mà tiểu đội của ông Duterte dùng để sát hại mục tiêu, bao gồm dùng đất đá vùi lấp xác người, vứt xác xuống biển và cả cho cá sấu ăn thịt.

Tuy nhiên tính khả tín của ông Matobato ngay lập tức bị những người ủng hộ tổng thống đặt nghi vấn. Trong đó nhiều người liên tục chất vấn cựu sát thủ mới chỉ hoàn thành lớp 1 bậc tiểu học về sự nhất quán và thời gian của những hành vi kể trên.

Tổng thống Philippines nhậm chức hồi tháng 7 với lời thề sẽ quét sạch vấn nạn ma tuý đang hoành hành tại Philippines. Ông tuyên bố công khai rằng người dân có quyền giết những kẻ buôn bán ma tuý nếu “chúng chống cự lại hoặc bỏ chạy”. Theo thời báo Time, thống kê hồi đầu tháng 9 ước tính 2.400 người bị tình nghi là buôn bán và sử dụng ma tuý đã bị giết chỉ sau 2 tháng ông Duterte cầm quyền, tuy nhiên con số thực tế có lẽ còn cao hơn nhiều.

Sự việc này đã gióng hồi chuông báo động cho các tổ chức nhân quyền quốc tế và các quốc gia khác trên toàn thế giới.

Mỹ và các nhóm nhân quyền như Human Rights Watch hiện đang đòi hỏi một cuộc điều tra về ông Duterte, tuy nhiên nhấn mạnh yêu cầu phải được tiến hành bằng những nhà điều tra độc lập.

Tuy nhiên trên trang Inquirer, người dẫn chương trình nổi tiếng của Philippines Solita Collas đặt câu hỏi: “Ai sẽ đến thành phố Davao để điều tra? Có thể thành lập nhóm những nhà điều tra độc lập mà họ không sợ run bần bật hay không?”.

Trong 10 năm làm thị trưởng Davao, ông Duterte giành được tín nhiệm vì chính sách “bàn tay sắt” của mình chống lại tội phạm. Đội sát thủ của ông được cho là có quyền “tiền trảm hậu tấu”, nhưng không một ai dám tố cáo điều đó hay lên tiếng chống lại ông Duterte.

Một bài xã luận có tựa đề “Trong hang thỏ” đăng hôm qua (17/9) trên trang báo Inquirer nổi tiếng của Philippines cho rằng những cáo buộc của Matobato cần được nghiêm túc điều tra bất chấp có những nghi vấn về thời gian hay mâu thuẫn trong lời khai của ông này.

Tuy nhiên, như Inquirer chỉ ra, trong khi công bằng khi coi ông Duterte là “vô tội cho đến khi bị chứng minh ngược lại”, thì quy tắc hành pháp này lại bị tước đoạt đối với hàng ngàn nghi phạm đã và đang bị giết hại trong cuộc chiến chống ma tuý đẫm máu do Tổng thống Philippines khởi xướng.

Trọng Đức