Với gần 2 triệu ca nhiễm COVID-19 đã được xác nhận, ngày càng có nhiều người chú ý đến Trung Quốc, nơi chính quyền che đậy và đưa thông tin thất thiệt về dịch bệnh, khiến nó lây lan ra hơn 200 quốc gia trên toàn thế giới. Tại Đức, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề, ​đã có hơn 130.000 ​ca nhiễm COVID-19 và gần hơn 3.000 ca tử vong tính đến ngày 14/4. Một số bài báo gần đây của truyền thông Đức đã nhấn mạnh về trách nhiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) xuyên suốt thảm họa này, cũng như việc chính quyền này vẫn đang che giấu các ca nhiễm COVID-19.

Truyền thông Đức chỉ trích ĐCSTQ hành xử kém, vẫn che giấu các ca nhiễm COVID-19

Số ​ca nhiễm COVID-19 không được báo cáo rất lớn

Ngày 30/3, tờ Die Welt, một tờ báo lớn của Đức có mặt ở khoảng 130 quốc gia, đã đăng tải bài báo có tiêu đề “Cuộc khủng hoảng Corona: Cách Trung Quốc muốn lợi dụng đại dịch để tuyên truyền như thế nào.” (Tiêu đề gốc: Wie China die Pandemie für Propaganda nutzen will)

Bài báo mở đầu ​như sau: “Nếu Bắc Kinh không che đậy thông tin, đại dịch corona ​đã không bao giờ xảy ra. Nhưng giờ đây, ​nước Cộng hòa Nhân dân này lại đang tự đóng vai vị cứu tinh và bắt đầu một chiến dịch tuyên truyền.”​

Ngày 19/3, lần đầu tiên sau hai tháng, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc báo cáo không có trường hợp lây nhiễm virus corona mới nào tại địa phương, nhưng lại có 34 ca “nhiễm bệnh du nhập ​từ nước ngoài”​. ​Mô hình số ca nhiễm COVID-19 tại địa phương ​gần như bằng không ​và xuất hiện vài ca nhiễm COVID-19 du nhập ​từ nước ngoài ​tiếp tục diễn ra trong những tuần tiếp theo, và tổng số trường hợp được xác nhận của Trung Quốc hầu như không thay đổi (gần 82.000) trong vài tuần.

Tờ Die Welt đặt ra nghi vấn về dữ liệu của Trung Quốc: “Câu hỏi đặt ra là có thể nào kiềm chế dịch bệnh triệt để như thế trong vòng hai tháng, đến mức hầu như không ​còn ca lây nhiễm mới nào ở một quốc gia có 1,4 tỷ dân không. Hay là Trung Quốc đang đưa cho thế giới ​những con số không phản ánh sự thật, mà chẳng qua là mong tưởng ​viển vông của Đảng Cộng sản thôi.”

Bài báo của Die Welt đã trích dẫn báo cáo của tạp chí Tài Tân, Trung Quốc, cho biết có hơn một chục ca lây nhiễm COVID-19 ở Vũ Hán mỗi ngày nhưng những trường hợp đó vẫn không được báo cáo vì bệnh nhân không biểu hiện triệu chứng. Còn báo cáo được trích dẫn của Caixin có đoạn: “​Chắc chắn rằng có đến 85% số người nhiễm virus corona biểu hiện không có hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ.”​ Báo cáo của Caixin cũng đã dẫn lời Đài Phát thanh Truyền hình Hồng Kông (RTHK) cho biết ​các bệnh viện ​ở Vũ Hán đã từ chối điều trị cho một số bệnh nhân nhiễm virus corona.

Những con số không tăng

Die Welt cũng trích dẫn một bài báo khác của Caixin gợi ý rằng số ca tử vong chính thức của Trung Quốc không tăng lên. Theo đó, các nhà tang lễ của Vũ Hán đã bắt đầu cho phép người dân nhận tro cốt của người thân bị tử vong vì chủng virus này, và chỉ tính riêng một nhà tang lễ đã trả 3.500 bình đựng tro cốt trong một ngày. Khi mà số ca tử vong được báo cáo chính thức ở Vũ Hán chỉ dừng ở mức 2.531, bài báo của Caixin đã nhắc người đọc rằng đây chỉ là một trong tám nhà tang lễ ở Vũ Hán.

Die Welt còn dẫn lời ông Jeremy Wallace của Đại học Cornell cho biết, những con số đóng vai trò quan trọng trong trường ​chính trị của Trung Quốc. Ông phát biểu với Washington Post vào ngày 23/3 như sau: “Khi nhiệm vụ tuyên truyền của chính quyền trung ương ​nhằm chiến thắng trong ‘​chiến ​tranh nhân dân’ chống lại chủng virus này đã trở nên rõ ràng, thì các con số lại biến hóa để đạt được ​tầm nhìn đó. Kiểu biến đổi như vậy có thể rất tinh vi, tức là không phải là hàng trăm, hàng ngàn ca tử vong bị che giấu, mà là trừ ra những ​ca tử vong do các loại bệnh ​khác như viêm phổi ​hay suy tim chẳng hạn.”​

WHO lờ đi các cảnh báo

Die Welt chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đóng vai trò đặc biệt trong sự phát triển của đại dịch. Khi các chuyên gia y tế ở Vũ Hán xác định sự bùng phát của dịch bệnh vào ngày 30/12/2019, những nỗ lực của họ nhằm gia tăng báo động đã phải chịu hình phạt khắc nghiệt. Lãnh đạo cộng sản tối cao Tập Cận Bình đã nhận được thông báo vào ngày 7/1, nhưng CDC Trung Quốc đã không công bố dịch bệnh cho đến ngày 20/1, chỉ ba ngày trước khi 60 triệu người bị phong tỏa tại tỉnh Hồ Bắc.

Mặc dù không phải là thành viên của WHO, Đài Loan “đã cảnh báo WHO vào ngày 31/12 về khả năng lây truyền từ người sang người của chủng virus mới này”. Cảnh báo của họ đã bị tổ chức này phớt lờ, họ cũng từ chối trả lời một câu hỏi liên quan đến Đài Loan trong một cuộc phỏng vấn với RTHK, nhưng lại ca ngợi Trung Quốc vì đã thực hiện được “chiến dịch ngăn chặn dịch bệnh quyết liệt, nhanh chóng và tham vọng nhất trong lịch sử.”

Nhưng tổn thất là có thật, và các chuyên gia ước tính phần lớn các ca lây nhiễm có thể tránh được nếu Trung Quốc hành động kịp thời. “Nếu Trung Quốc được tự do báo chí, chủng virus corona này có thể đã không trở thành một đại dịch,” tổ chức Phóng viên Không Biên giới tuyên bố vào ngày 24/3.

Sử dụng tuyên truyền như một công cụ để giành lại quyền kiểm soát

Mặc dù Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị hủy, nhưng tỉnh Hồ Bắc lại gỡ bỏ lệnh phong tỏa vào ngày 26/3. Trong khi đó, trên các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát có hàng tấn bài báo ca ngợi ông Tập và Đảng.

Die Welt đã viết rằng chỉ tính riêng ngày 24/3, tờ Nhân dân Nhật Báo (một cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ) đã dành ba trong số bảy bài viết trên trang nhất để ca ngợi ông Tập. Giáo sư Trương Thái Tô tại Đại học Yale cho biết ĐCSTQ làm điều này để giành lại quyền kiểm soát, ở cả trong nước và quốc tế.

Những nỗ lực của Trung Quốc dường như đã có hiệu quả đối với một số quan chức Châu Âu. Một trong số đó là Ngoại Trưởng Ý, người đã phát một video trực tiếp lên Facebook để chúc mừng “hàng cứu trợ” từ Trung Quốc đã đến Ý. Tuy nhiên không lâu sau, các lô “hàng cứu trợ” này lại cho thấy chất lượng tệ hại hoặc là hàng cứu trợ vốn được phương Tây quyên góp cho Trung Quốc, nay chính phương Tây phải bỏ tiền mua lại. (Xem bài: Ít nhất 10 nước nhận phải khẩu trang, bộ xét nghiệm “dỏm” từ Trung Quốc)

ĐCSTQ đã và đang tự mô tả bản thân nó là một vị cứu tinh giúp đỡ các quốc gia khác trong cuộc khủng hoảng này. “Hầu như mọi câu chuyện trên trang nhất của các cơ quan tuyên truyền đối ngoại đều quảng bá những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giúp đỡ các quốc gia khác về hàng hóa và thông tin trong khi nhấn mạnh tính ưu việt trong cách tiếp cận của Bắc Kinh,” một tạp chí Mỹ đã viết vào ngày 18/3.

“Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi. Đó là nơi chủng virus này bùng phát, và phải chịu tội phần lớn cho sự lây lan toàn cầu của nó. Tuy nhiên cuối cùng nó lại có thể trồi lên mạnh mẽ hơn từ đại dịch,” bài báo cảnh báo trên tờ Die Welt.

T-online: Tuyên truyền về COVID-19 của ĐCSTQ

Ngày 31/3, trong một bài báo có tiêu đề “Tuyên truyền về Corona của Trung Quốc: Một hệ thống bệnh hoạn”, cổng thông tin lớn nhất của Đức là T-online đã báo cáo rằng: “Trung Quốc tuyên bố đã vượt qua cuộc khủng hoảng corona. Nhưng các dấu hiệu đang gia tăng, cho thấy các con số từ quốc gia này là không chính xác.”

“Trong khi các khu vực khác trên thế giới đang phải khổ sở với số lượng người nhiễm bệnh không ngừng gia tăng, thì Trung Quốc lại đang cố giành lấy quyền lực tối cao trong cuộc khủng hoảng và sử dụng nó trên phạm vi quốc tế cho các chính sách quyền lực”, bài báo viết: “Sự trở lại với cuộc sống hàng ngày ở Trung Quốc ở thời điểm hiện tại là hình ảnh biếm họa cho một hệ thống bệnh hoạn, hoàn toàn phụ thuộc vào hệ tư tưởng chính trị.”

Mặc dù các quan chức đã tuyên bố số người chết là 2.531 tại tâm dịch Vũ Hán, nhưng “Một số người dân Vũ Hán ước tính rằng số ca tử vong do virus corona có thể là 26.000, dựa trên số lượng bình đựng tro cốt được giao và phân phối trên khắp thành phố này,” bài báo trích dẫn từ báo cáo Newsweek ngày 29/3. “Các công dân trên mạng xã hội Trung Quốc đã nói rằng bảy nhà tang lễ ở Vũ Hán có thể sẽ phân phối bình quân 3.500 chiếc bình đựng tro cốt mỗi ngày từ ngày 23 tháng 3 đến ngày 4 tháng 4, bao gồm cả Tiết Thanh Minh, lễ hội quét mộ truyền thống. Theo ước tính đó, 42.000 chiếc bình đựng tro sẽ được đưa ra trong khoảng thời gian 12 ngày.”

Nếu Trung Quốc phản ứng nhanh hơn, quy mô của đại dịch này có thể đã bị suy yếu, ngay cả ở nước ngoài. “Nhưng thay vì thừa nhận thiếu sót của bản thân hoặc rút ra hậu quả từ các chợ động vật hoang dã, Trung Quốc – nơi có khả năng là nguồn gốc của đại dịch corona hiện đang cố gắng lợi dụng cuộc khủng hoảng này cho các mục đích về chính sách đối ngoại,” bài báo trên T-online viết.

Theo Minghui.org
Minh Ngọc tổng hợp