Ông Rodrigo Duterte dọa sẽ “tách” khỏi Liên Hiệp Quốc sau khi bị tổ chức này chỉ trích mạnh mẽ chiến dịch chống ma túy của ông.

Tổng thống Philippines

Liên Hiệp Quốc đã lặp đi lặp lại việc lên án các vụ tử hình vô tội vạ ở Philippines, và gọi đó là hành vi vi phạm nhân quyền.

Sau khi ông Duterte được bầu lên làm tổng thống Philippines hôm 9/5, gần 900 nghi buôn ma túy đã bị bắn chết, nhiều người không thông qua xét xử.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon và Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hiệp Quốc (UNODC) đều lên án lời nói của ông Duterte. Các quan chức LHQ này cho đó “rõ ràng là đang ủng hộ cho các vụ giết người bên ngoài khuôn khổ pháp lý, vốn là điều trái luật và vi phạm các quyền căn bản cũng như tự do của con người“.

Hôm Chủ nhật (21/8), Tổng thống Philippines công kích trực tiếp Liên Hiệp Quốc là một tổ chức vô ích, không giải quyết được tình trạng đói khát, chủ nghĩa khủng bố, và thất bại trong việc chặn đứng các vụ giết hại dân thường tại Iraq và Syria.

Nay, quý vị Liên Hiệp Quốc, nếu quý vị có thể nói một điều tồi tệ về tôi thì tôi có thể nói 10 điều [về quý vị]. Tôi nói cho mà biết, quý vị [vô tích sự]. Bởi nếu quý vị thực sự thành thật với sứ mệnh của mình, thì quý vị đã có thể chặn đứng được các cuộc chiến tranh, các cuộc giết chóc đó”, ông nói.

Tôi không muốn sỉ nhục quý vị. Nhưng có lẽ chúng tôi sẽ phải quyết định tách ra khỏi Liên Hiệp Quốc,” ông nói.

Hãy bỏ chúng tôi ra khỏi tổ chức của quý vị. Quý vị chả làm gì hết. Lần cuối cùng quý vị có mặt tại đây là khi nào? Chả khi nào hết. Chỉ có lên tiếng chỉ trích thôi”. Ngoài ra ông này còn yêu cầu LHQ trả lại khoản đóng góp của Philippines để nước này tách ra.

Ông Duterte nói ông có thể sẽ yêu cầu Trung Quốc và các nước Châu Phi thành lập ra một cơ quan khác.

Tổng thống Philippines giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tháng Năm, đã chuẩn thuận việc cảnh sát hoặc thường dân có thể giết chết các đối tượng vận chuyển ma túy mà không cần xét xử, nhằm xóa sổ tình trạng buôn bán bất hợp pháp loại chất bị cấm này.

Trọng Đức