Sau khi từ Trung Quốc trở về với những hợp đồng trị giá khoảng 34 tỷ đô la Mỹ, thủ tướng Malaysia Najib Razak đang phải đối mặt với những cáo buộc cho rằng ông đã  “bán rẻ” đất nước cho Trung Quốc.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters ngày 07/11/2016, thái độ công khai thân Bắc Kinh của ông đã vấp phải phản ứng nghi ngại, không chỉ từ phe đối lập, mà cả từ trong nội bộ đảng cầm quyền.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm 3/11/2016

Ngay từ hôm thứ Sáu 04/11, tức là ngay sau khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, thủ tướng Malaysia đã nhanh chóng bác bỏ những mối quan ngại khi cho rằng “Một vài người đã la hoảng rằng Malaysia đang bị bán rẻ. Đó là một điều hoàn toàn sai và vô lý“. Ông Najib Razak nhấn mạnh rằng tất cả cả dự án ký kết với Trung Quốc đều do người Malaysia làm chủ và điều hành.

Reuters phân tích các mối quan ngại trong dư luận Malaysia về nguy cơ nước này bị ông Najib bán rẻ cho Trung Quốc chủ yếu bắt nguồn từ tâm lý nghi kỵ truyền thống của người gốc Mã Lai theo Hồi Giáo, chiếm khoảng 50% dân số Malaysia, so với thiểu số người gốc Hoa, chiếm 25% số dân nhưng lại chi phối nền kinh tế.

Vấn đề là cộng đồng người Mã Lai đó lại chính là cơ sở đã giúp đảng của thủ tướng Najib là Tổ Chức Dân Tộc Mã Lai Thống Nhất (UMNO) cầm quyền liên tục từ ngày Malaysia được độc lập đến nay, do vậy, giới lãnh đạo đảng UMNO và bản thân ông Najib Razak không thể phớt lờ các chỉ trích nói trên.

Luận điểm thủ tướng Malaysia bán rẻ đất nước cho Trung Quốc đã được dư luận Malaysia nêu bật qua hai điểm.
Điểm được giới kinh tế chú ý là việc thủ tướng Najib đã mở rộng cửa cho Trung Quốc tung tiền vào phát triển những lãnh vực thuộc phạm trù tài sản chiến lược của Malaysia.

Theo ông James Chin, Giám đốc Học Viện Châu Á của Đại Học Tasmania (Úc), thì giới máu mặt trong cộng đồng người Mã Lai và các lãnh đạo cao cấp trong đảng UMNO rất hoan nghênh đầu tư của Trung Quốc vào các lãnh vực thuần túy thương mại, nhưng lại thận trọng hơn trước các thỏa thuận phát triển cơ sở hạ tầng, như dự án hơn 13 tỷ đô la mà Trung Quốc sẽ phát triển một mạng lưới đường sắt tại Malaysia.

Chuyên gia này ghi nhận: “Vấn đề đối với các hợp đồng đó là chúng được coi như là bán đi đồ gia bảo bằng vàng của đất nước“.

Còn giới hoài nghi thủ tướng Malaysia lại nhìn thấy việc ông bị Trung Quốc mua chuộc. Theo nhận xét của Reuters, ông Najib đang bị vướng vào một vụ tai tiếng biển thủ quỹ đầu tư quốc gia 1MDB, khiến cho bản thân quỹ này điêu đứng. Thế nhưng, vào cuối tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh đã không ngần ngại ‘cứu’ ông Najib khi tung ra 2,3 tỷ đô la để mua lại phần vốn của 1MDB, giúp quỹ này bớt lo lắng về món nợ đang phình lên.

Thương vụ liên quan đến 1MDB đó, theo Reuters, đã giúp quan hệ Trung Quốc-Malaysia đạt đến một đỉnh cao chưa từng có.

Phe đối lập Malaysia thì đả kích thủ tướng Malaysia đang lái đất nước đi theo hướng lệ thuộc Bắc Kinh. Trong một thông cáo công bố từ nhà tù nơi ông đang bị giam giữ, lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim nhận định: “Sự lệ thuộc kinh tế của Malaysia vào bất cứ một quốc gia duy nhất nào đều không hợp lý và sẽ ảnh hưởng đến quyền tự do, chiến lược địa chính trị và chính sách đối ngoại của đất nước”.

Giới lãnh đạo đảng cầm quyền UMNO đang muốn thủ tướng Najib mau chóng giải thích để họ có thể trấn an người ủng hộ ở cơ sở, đang càng lúc càng lo ngại trước nguy cơ ảnh hưởng Trung Quốc tăng cao. Điều này rất quan trọng vì Malaysia có thể sẽ bầu cử lại vào nửa cuối năm tới 2017.

Trọng Nghĩa|RFI

Xem thêm: