Thời khắc nhấc bàn tay khỏi hai quyển Kinh thánh sau khi kết thúc nghi thức tuyên thệ, Donald Trump đã trở thành Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ, và gánh nặng thay đổi cũng chính thức đè lên vai của vị tân tổng thống già nhất lịch sử: phải thực hiện lời hứa về kế hoạch 100 ngày đầy tham vọng.

trump sworn wife

Từ một kẻ ngoài cuộc trong trò chơi chính trị gay gắt nhất thế giới, với tầm nhìn gây chấn động Washington, ông Trump sẽ có cơ hội đặt cạnh những tổng thống tiền nhiệm những di sản to lớn của riêng mình, nhưng áp lực đối với tổng thống và chính quyền mới là vô cùng nặng nề.

Tuy nhiên với tính cách “bất kham” và không ăn rơ với các ngôn từ chính trị phải đạo (political correctness), Trump thẳng thắn tuyên bố ông sẽ hết sức thực hiện tuyên ngôn tranh cử của mình: “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Trump nói tại lễ nhậm chức: “Hãy ghi nhớ rằng, chúng tôi sẵn sàng làm việc từ Ngày đầu tiên“. Tân Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cho biết tân tổng thống sẽ ký bốn hoặc năm sắc lệnh hành pháp sẵn sàng ngay ngày thứ Sáu, sau khi kết thúc tuyên thệ.

Sau đó, cử tri toàn nước Mỹ và cả những người đối lập sẽ dán mắt theo dõi ông thực hiện thế nào kế hoạch 100 ngày đầu tiên đầy tham vọng mà ông đã cam kết từ tháng 10 năm ngoái, trong một bài phát biểu ở thành phố Gettysburg, tiểu bang Pennsylvania.

>> Kế hoạch 100 ngày đầu làm tổng thống của Donald Trump

Đó là bản “Hợp đồng với cử tri Hoa Kỳ”, lời hứa của ông đối với những cử tri bầu cho ông và người dân toàn nước Mỹ nêu chi tiết 18 vấn đề. Sau đây tóm lược một số vấn đề trọng tâm mà tân tổng thống phải giải quyết trong những ngày đầu tiên cầm quyền:

Y tế

Tổng thống Trump muốn xoá bỏ và thay đổi triệt để ObamaCare. Tuy chưa trình bày rõ giải pháp thay thế là gì, nhưng gần đây ông đã hứa phương án này sẽ là bảo hiểm y tế cho tất cả mọi người với giá phí rẻ hơn nhiều. Đội phụ tá cho ông lên một kế hoạch gọi là “Health Savings Accounts”, cho phép bảo hiểm có thể được mang qua lại giữa các bang. Tân tổng thống nói ông vẫn đang lên kế hoạch cho bản kế hoạch chi tiết và sẽ sớm công bố. Tuy nhiên việc lật ngược ObamaCare khiến 20 triệu người rơi vào rủi ro mất bảo hiểm y tế, hậu quả là vô cùng to lớn nếu không tìm được giải pháp phù hợp với hàng triệu hoàn cảnh và nhu cầu phức tạp, khác nhau tại Hoa Kỳ.

Nhập cư

Ông Trump đã thề sẽ huỷ bỏ viện trợ ngân sách cho tất cả “thành phố trú ẩn” và mạnh tay trấn áp nhập cư bất hợp pháp. Ông cam kết sẽ khởi động việc trục xuất “những người nhập cư phi pháp phạm tội” ngay khi bắt đầu nhiệm kỳ, ngừng cho nhập cư người từ khu vực dễ bị khủng bố mà không thể kiểm tra một cách an toàn.

Ông cũng đã hứa sẽ làm việc với Quốc hội để thông qua “Luật chấm dứt nhập cư phi pháp” nhằm mang đến một loạt các thay đổi sâu rộng. Trong đó có quy định phạt tù ít nhất 2 năm toàn liên bang nếu người nhập cư bị trục xuất quay lại đất Mỹ trái phép. Luật này, theo các tài liệu từ chiến dịch tranh cử của Trump, cũng sẽ cấp ngân sách đầy đủ cho việc xây bức tường biên giới với Mexico và sau đó Mexico sẽ phải hoàn trả lại khoản tiền này.

Ông Trump cũng đã tuyên bố sẽ huỷ bỏ một số sắc lệnh hành pháp của ông Obama liên quan đến việc miễn hoặc hoãn trục xuất đối với một số đối tượng nhập cư phi pháp. Tăng cường trục xuất người nhập cư và bảo đảm người muốn đến Mỹ phải phù hợp với các giá trị của người Mỹ.

Nhưng những điều này sẽ gây sóng gió với những nhóm nhân quyền, những nhà vận động ở Mỹ và khắp thế giới. Chẳng hạn các đồng minh phương Tây sẽ yêu cầu Mỹ thực hiện vai trò trong cuộc khủng hoảng nhập cư, hay những phức tạp và vấn đề đạo đức trong xử lý người nhập cư đã có gia đình và sinh con ở Mỹ sau nhiều năm sinh sống trái phép. Bức tường với Mexico cũng đang còn tranh cãi về hiệu quả ngăn chặn nhập cư, tội phạm và ma tuý của nó so với chi phí bỏ ra để xây dựng.

Cải cách chính phủ

Tân tổng thống thề diệt sạch tham nhũng với tuyên bố “rút sạch đầm lầy”.

Nhưng gần đây nhiều thành viên Đảng Dân chủ đối lập đã bắt đầu chỉ trích Trump vì không thực hiện được cam kết chống tham nhũng của mình khi xét đến các mối quan hệ của những vị trí quan chức chính phủ mà ông lựa chọn. Donald Trump vẫn luôn lặp lại tuyên ngôn “rút sạch đầm lầy” Washington của mình và đặt tham vọng cao trong bản kế hoạch cải tổ lại chính phủ. Trong kế hoạch, ông đề xuất soạn một tu chính án để xác định giới hạn nhiệm kỳ cho thành viên quốc hội; giảm biên chế nhân viên chính phủ liên bang; yêu cầu cắt bớt quy định, pháp luật hiện hành; và cấm quan chức nhà nước trở thành các nhà vận động hành lang.

Vực dậy giai cấp công nhân

Tầng lớp trung lưu và những người lao động chân tay đặt nhiều kỳ vọng lên tân tổng thống sẽ nhanh chóng giúp họ cải thiện cuộc sống.

Donald Trump nói mạnh về thương mại từ lâu trước khi ông ra tranh cử. Năm 2015, ông thề sẽ biến ngôn từ thành này thành hành động, nhưng việc này cũng sẽ khó khăn.

Trong bản kế hoạch, ông nói sẽ yêu cầu Bộ trưởng Ngân khố liệt Trung Quốc vào nước thao túng đồng tiền, gây phản ứng lo ngại về bùng phát cuộc chiến thương mại. Ngoài ra ông cam kết sẽ bỏ các giới hạn môi trường đang hạn chế sự phát triển của ngành năng lượng hoá thạch mà Mỹ giàu tài nguyên, nhưng điều này cũng sẽ khiến các nhà hoạt động môi trường kịch liệt phản đối.

Tân tổng thống đã nói ông sẽ làm việc cùng với Quốc hội nhằm thông qua các phương án giúp kích thích kinh tế tăng lên 4% một năm và tạo ra ít nhất 25 triệu việc làm lương tốt. Bản kế hoạch vạch ra việc cải cách thuế khoá, cải cách thương mại và gỡ bỏ quy định lên doanh nghiệp. Về thuế, ông dự định giảm rổ thuế từ 7 xuống còn 3 loại thuế, đồng thời cắt thuế doanh nghiệp từ 35% xuống còn 15%. Kế hoạch này tuy nhận được nhiều đánh giá chủ quan nhưng vẫn còn không ít người hoài nghi về khả năng đạt mục tiêu hay tạo ra khủng hoảng của nó.

Một yếu tố quan trọng trong cải cách kinh tế là việc ông sẽ áp thuế cao đối với những công ty chuyển việc làm ra khỏi nước Mỹ.

Thương mại

Thương mại tự do nhưng phải công bằng là thông điệp quan trọng mà tân tổng thống truyền tải trong suốt quá trình tranh cử. Ông tuyên bố trong 100 ngày đầu tiên sẽ rút Mỹ khỏi TPP (Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương) và tái thương lượng hoặc rút luôn khỏi NAFTA (Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ) do Bill Clinton ký. Cả hai thoả thuận tự do thương mại này theo ông Trump, đều tàn phá công ăn việc làm của người Mỹ, vì thế Mỹ chẳng nên tham gia.

Đường lối của ông bị người chỉ trích cho là bảo hộ kinh tế, sẽ kích thích một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc cùng các siêu cường quốc khác. Một áp lực khác mà phe đối lập đang cảnh báo là “bảo hộ kinh tế” sẽ khiến Mỹ gập ông đập lưng ông, vì tiến bộ trong công nghệ, kỹ thuật hiện đại đồng nghĩa với việc công việc tay chân của tầng lớp công nhân đang nhanh chóng bị máy móc thay thế, nên dù có bảo vệ được nhà máy ở Mỹ thì cũng khó bảo đảm việc làm.

Tuy bản bản kế hoạch đầy tham vọng, nhưng tiếng vang lớn của nó không có nghĩa ông Trump là tổng thống đầu tiên thay đổi nhiều chính sách của người tiền nhiệm.

Tổng thống Obama ký tới 19 sắc lệnh hành pháp và đảo ngược 9 sắc lệnh của Tổng thống George W. Bush trong 100 ngày đầu làm việc của mình. 8 năm trước, ông Bush ký 11 sắc lệnh hành pháp mới và thu hồi 4 sắc lệnh của Tổng thống Bill Clinton.

Giới hạn 100 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng có lịch sử từ thời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt (1933). Trong vòng 105 ngày đầu tiên, Quốc hội trong thời ông Roosevelt thông qua 76 dự luật – nhiều hơn nhiều những đời tổng thống gần đây.

Mốc 100 ngày dường như không mang ý nghĩa lịch sử to lớn, nhưng nó quan trọng trong việc thiết lập đường hướng cho chính quyền mới.

Trong thời gian này, các chuyên gia nhận thấy rằng hai vấn đề quan trọng nhất mà tân tổng thống phải giải quyết là thay thế ObamaCare và lựa chọn Thẩm phán tối cao.

Một thách thức tức thời khác lên vị Tổng thống 71 tuổi là lộ trình để quốc hội chuẩn thuận đề cửa Tom Price làm Bộ trưởng Y tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng, nếu ý định của ông Trump là đồng thời xoá bỏ và thay thế ObamaCare, thì ông phải ngồi xuống thương lượng với các nghị sĩ Dân chủ đối lập để tránh phạm phải sai lầm của ông Obama.

Trọng Đức

Xem thêm: