Một nhóm giám sát đạo đức vừa đệ đơn kiện tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Hai 23/1, cáo buộc ông đã vi phạm một điều trong Hiến Pháp vì để doanh nghiệp của mình nhận tài sản có nguồn gốc nước ngoài. 

Nhóm Công dân vì Trách nhiệm và Đạo đức tại Washington (viết tắt CREW), đã đệ đơn kiện lên toà án Quận Nam New York, cho rằng ông Trump đang vi phạm một điều trong Hiến Pháp Hoa Kỳ cấm doanh nghiệp của ông nhận tài sản có giá trị từ chính phủ ngoại quốc. Bởi vì ông Trump không từ bỏ hoàn toàn tập đoàn của mình, CREW cáo buộc ông đang nhận quà tặng từ các chính phủ nước ngoài thông qua các sự kiện ở khách sạn, hoạt động cho thuê tại các toà nhà ông sở hữu và các thoả thuận bất động sản ở nước ngoài.

Trong một thông báo vừa đăng, nhóm này viết: “Khi Tổng thống Trump ngồi vào bàn đàm phán các thoả thuận thương mại với những quốc gia này, người dân Mỹ không có cách nào biết được liệu ông có nghĩ đến những lợi ích cho doanh nhân Trump hay không“.

Giám đốc Truyền thông Chiến lược Nhà Trắng đã chỉ định luật sư Sheri Dillon của Tổng thống xử lý vụ kiện.

Trong một lá thư gửi báo Associated Press (AP), ông Hicks viết: “Bà ấy (luật sư Dillon) đã nói rất rõ về vấn đề này trong nhiều tuần qua và nay cũng không có gì thay đổi; ngài tổng thống không có xung đột lợi ích“.

Tờ New York Times đưa tin rằng nhóm giám sát CREW không đòi hỏi án phạt hay bồi thường bằng tiền, mà hy vọng toà New York sẽ ra phán quyết buộc doanh nghiệp của ông Trump không được nhận tiền hay hiện vật, quà tặng từ chính phủ nước ngoài nữa.

Cũng trên tờ báo này, con trai của ông Trump là Eric khẳng định Tập đoàn Trump đã thực hiện nhiều hơn những biện pháp cần thiết mà luật pháp yêu cầu để tránh tranh chấp kiện tụng. Eric chỉ trích vụ kiện của nhóm giám sát trên là “hoàn toàn là quấy nhiễu nhằm mục đích chính trị”.

Nhưng đơn kiện của CREW được cho là một trong rất nhiều đơn kiện sẽ được các nhóm quan sát, vận động gửi chống lại ông Trump.

New York Times lưu ý rằng Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ đang yêu cầu Bộ Tư Pháp, Cục quản lý Dịch vụ chung GSA và Văn phòng Đạo đức Chính phủ đưa ra bất cứ thông tin gì họ có về khả năng xảy ra vi phạm quy chuẩn đạo đức trong các hành động của ông Trump vì Tổng thống Trump là một trường hợp rất đặc biệt.

Trong buổi họp báo công khai đầu tiên sau khi nhậm chức hôm 11/1 luật sư Sheri Dillon đã trình bày chi tiết biện pháp mà ông Trump đã lựa chọn để tránh xung đột với các lợi ích kinh doanh trong tập đoàn Trump mà không khiến tân Tổng thống phải vứt bỏ sự nghiệp kinh doanh xây dựng cả đời.

Về cơ bản, hai con trai lớn của ông sẽ tiếp quản tập đoàn Trump trong khi ông cắt bỏ mọi liên hệ kinh tế, đưa tài sản của mình vào những quỹ của tập đoàn. Trump khẳng định 2 con của mình sẽ vận hành tập đoàn “một cách chuyên nghiệp” và không đề cập đến các vấn đề kinh doanh với ông.

Luật sư Dillo cũng giải thích vì sao đây là lựa chọn phù hợp nhất mà không phải bán đứt toàn bộ tập đoàn, đưa tài sản của ông Trump vào một quỹ blind trust:

Việc bán hết, trước tiên cũng không loại bỏ được khả năng xung đột lợi ích. Thực tế thì nó sẽ tăng thêm xung đột. Thương hiệu Trump là mấu chốt của giá trị tài sản tập đoàn Trump. Nếu Tổng thống tân cử bán thương hiệu của mình, ông sẽ được hưởng tiền hoa hồng khi người ta sử dụng nó, và điều này gây hậu quả rằng một quỹ có lợi ích đối với một thương hiệu nhưng không ai đảm bảo được quỹ này sẽ không lợi dụng chức danh tổng thống”. 

Trọng Đức

Xem thêm: