Ủy ban chế tài Bắc Hàn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc gần đây đã chuẩn thuận cho phép phái đoàn Bắc Hàn tới Việt Nam họp hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn.

Embed from Getty Images

Hôm 20/2/2019, một phụ nữ Việt Nam đi qua một tấm áp phích thông tin về cuộc họp thượng đỉnh lần hai giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. (Ảnh: Nhac NGUYEN / AFP)

Từ năm 2006, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận tăng cường áp đặt chế tài lên Bắc Hàn nhằm nỗ lực bóp nghẹt tài chính đổ vào các chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng. Các chế tài này bao gồm cấm Bắc Hàn xuất khẩu than, sắt, chì, dệt may và hải sản và đặt mức hạn ngạch nước này nhập khẩu dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tinh chế.

Ngoài ra, theo các chế tài của Liên Hiệp Quốc, 12 quan chức cao cấp Bắc Hàn bị liệt vào danh sách phong tỏa tài sản và cấm di trú quốc tế. Theo Reuters, mặc dù không rõ liệu các quan chức bị chế tài này có trong phái đoàn sang Việt Nam hay không, nhưng Ủy ban chế tài Bắc Hàn của Hội đồng Bảo an vẫn chuẩn thuận đề nghị của Việt Nam về việc miễn trừ cho công dân Bắc Hàn sang Việt Nam dự thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn.

Quyết định của Liên Hiệp Quốc sẽ cho phép phái đoàn Bắc Hàn sang Việt Nam dự thượng đỉnh trong hai ngày 27 và 28/2 và những ngày trước đó để chuẩn bị cho cuộc họp rất quan trọng này.

Theo Yonhap News (Hàn Quốc), ông Kim Hyok-chol, Đặc phái viên về Mỹ của Bắc Hàn đã tới Hà Nội vào chiều tối ngày 20/2 (giờ Việt Nam). Ông Kim Hyok-chol có kế hoạch gặp người đồng cấp Mỹ, Đặc phái viên về Bắc Hàn Stephen Biegun vào ngày 21/2.

Cũng theo Yonhap, ông Stephen Biegun đã rời Washington D.C từ ngày 19/2 và dự kiến sẽ tới Hà Nội vào sáng 21/2 (giờ Việt Nam).

Phát biểu với báo giới về cuộc họp với lãnh đạo Bắc Hàn trong cuộc tiếp kiến Thủ tướng Áo Sebastian Kurz tại Tòa Bạch Ốc hôm 20/2, Tổng thống Donald Trump cho hay: “Chúng tôi sẽ họp với Chủ tịch Kim hai ngày và tôi nghĩ chúng tôi sẽ đạt được nhiều thứ. Tôi không nghĩ đây sẽ là cuộc gặp cuối cùng.”

Trước đó, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hôm 19/2, ông Trump nói: “Họ [Bắc Hàn] là đất nước có tiềm năng lớn, và tôi nghĩ đó là điều họ đang mong đợi để thực hiện. Chúng ta sẽ chờ xem. Nhưng chúng ta cũng đã đạt được nhiều tiến bộ. Chúng ta đã làm được những điều lớn lao. Điều đó không có nghĩa rằng đây sẽ là cuộc gặp cuối cùng, vì tôi không tin vậy. Tuy nhiên, chúng tôi có nhiều chủ đề thảo luận, sẽ rất hiệu quả, tôi tin thế.”

Về phía Bắc Hàn, họ luôn mong muốn Mỹ và cộng động quốc tế sẽ nới lỏng trừng phạt kinh tế, đặc biệt đối với các ngành sinh lời như xuất khẩu than và thủy sản. Bình Nhưỡng coi đó là bước tiến bộ thiện chí cần thiết để hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Nga ủng hộ lập trường nêu trên của Bắc Hàn và Moscow đổ lỗi các chế tài của Liên Hiệp Quốc đã gây ra “các vấn đề nhân đạo nghiêm trọng” tại Bắc Hàn.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia hôm 20/2 nói với báo giới: “Chúng ta cần khuyến khích viện trợ nhân đạo tới Bắc Hàn. Chúng tôi nghĩ rằng điều đó là phù hợp để khuyến khích họ về mặt kinh tế và có lẽ buộc phải dỡ bỏ, hoặc ít nhất là bỏ một phần các chế tài.”

Ông Nebenzia cho biết Nga hy vọng Hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Bắc Hàn tại Việt Nam sẽ kết thúc với kết quả tích cực, nhưng cũng cảnh báo: “Quý vị không thể kỳ vọng giải quyết nó [vấn đề Bắc Hàn] trong một cuộc họp hai ngày, đây là một con đường dài.”

Tân Bình (T/h)