Có sự chuẩn bị tốt, kết hợp nhiều yếu tố phòng ngừa dịch bệnh dựa trên tình hình thực tế, đồng thời cố gắng tránh gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, có những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp… là những kinh nghiệm phòng dịch của Singapore.

Embed from Getty Images

1/ Yếu tố đầu tiên giúp Singapore ứng phó hiệu quả với COVID-19 là các kinh nghiệm xử lý dịch SARS vào những năm 2002 – 2003. Tại thời điểm đó, Chính phủ Singapore nhận thấy rằng, cơ sở hạ tầng quốc gia chưa sẵn sàng để ứng phó với sự bùng phát của những đại dịch. Vì vậy, Singapore đã bắt tay vào xây dựng những bệnh viện nằm ở khu vực tách biệt, lắp đặt thêm nhiều phòng áp lực âm và hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật để ứng phó với các dịch bệnh truyền nhiễm.

Khi Tổ chức Y tế thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp vào cuối tháng 1, Singapore đã sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.

2/ Yếu tố thứ hai của Singapore là việc tích cực xác định những người nhiễm bệnh, theo dõi các ca tiếp xúc gần. Những ai nhiễm bệnh đều được đưa vào viện điều trị, chứ không để bệnh nhân tự điều trị ở nhà, làm tăng nguy cơ lây ra cộng đồng. Bệnh nhân chỉ được xuất viện sau khi cơ sở y tế xác nhận họ đã hoàn toàn âm tính với virus. Còn những ca tiếp xúc gần sẽ được xét nghiệm, cách ly tại nhà và giám sát nghiêm ngặt bằng công nghệ.

Đối với các trường hợp không tuân thủ quy định cách ly, người vi phạm có thể đối mặt với mức án phạt lên tới 10.000 đô la Singapore và 6 tháng tù giam.

Ngoài cách ly người nhiễm bệnh, Singapore còn thực hiện giãn cách tại nơi làm việc và đóng cửa trường học. Các nhà hàng, quán bar phải giảm bớt số lượng khách hàng. 

Tóm lại, Singapore không thực hiện phong tỏa xã hội nghiêm ngặt như nhiều thành phố trên thế giới đã thực hiện, mà thực hiện các biện pháp kèm theo những khuyến cáo rõ ràng, đảm bảo doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn có thể vận hành.

Đài Loan chống dịch xuất sắc nhờ… không tin ĐCSTQ

3/ Từ giữa tháng 3, Singapore bắt đầu cách ly tất cả những người nhập cảnh. Sau đó 1 tuần, Singapore cấm tất cả khách du lịch nhập cảnh hay quá cảnh Singapore. Để hỗ trợ các khách sạn trong thời kỳ không có khách, chính phủ Singapore đã đặt các phòng khách sạn và căn hộ dịch vụ để cung cấp nơi ở cho người bị cách ly. Để chuẩn bị trước viễn cảnh kinh tế rơi vào khủng hoảng, chính quyền đã đưa ra gói kích thích 55 tỷ USD (khoảng 11% GDP). Gói hỗ trợ bao gồm chính sách miễn thuế tài sản năm 2020 đối với các khách sạn, cửa hàng.

4/ Tích cực sử dụng truyền thông: Chính phủ Singapore đã liên tục phát đi những thông điệp mạnh mẽ giúp người dân hiểu rõ những gì nên làm, được làm, và hiểu rõ hậu quả nếu họ không thực hiện theo những biện pháp đã được khuyến cáo. Thông tin từ chính phủ luôn rõ ràng, nhất quán và minh bạch.

5/ Sau một thời gian dài dường như đã khống chế được dịch bệnh, số ca nhiễm tại Singapore bắt đầu tăng nhanh, trong đó chủ yếu là các ca người Singapore về từ nước ngoài; hoặc do sự bùng phát từ một số ca lây nhiễm trong cộng đồng. 

Trước tình hình đó, chính phủ Singapore đã yêu cầu người dân đeo khẩu trang. Hiệp hội Nhân dân Singapore – cơ quan chính thức giám sát các ủy ban dân sinh khu vực – sẽ chịu trách nhiệm phân phát khẩu trang tái sử dụng cho người dân từ ngày 5/4. Trước đó, trong tháng Hai, chính phủ cũng phát 5,2 triệu khẩu trang y tế cho 1,37 triệu người dân.

Đồng thời, giới chức Singapore đã ban bố lệnh phong tỏa một phần, có hiệu lực từ ngày 7/4, khuyến khích người dân ở nhà, đóng cửa nhiều công sở, nhà hàng, cửa tiệm kinh doanh không thiết yếu. Các siêu thị, trung tâm dịch vụ ăn uống công cộng, bệnh viện, ngân hàng, giao thông công cộng vẫn tiếp tục được duy trì.

Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota, Mỹ, nói với Hãng tin Reuters rằng cách tiếp cận của Singapore là một trong những cách tốt nhất để kiểm soát và ngăn chặn dịch bệnh.

Trần Hoà (tổng hợp)

Xem thêm: