Thượng viện Mỹ hôm thứ Năm (14/5) đã nhất trí thông qua dự luật kêu gọi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tăng cường đáp trả việc chế độ Trung Quốc đàn áp cộng đồng thiểu số người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. 

toa nha quoc hoi my
Toà nhà quốc hội Mỹ. Ảnh Shutterstock)

Dự luật lưỡng đảng do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio giới thiệu kêu gọi chính quyền Trump áp đặt chế tài lên những người chịu trách nhiệm trong việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác tại Tân Cương. Dự luật đặc biệt nêu tên một thành viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về “những vi phạm nhân quyền thô bạo” tại Tân Cương.

Dự luật vừa được Thượng viện nhất trí thông qua sẽ được chuyển sang Hạ viện chuẩn thuận trước khi đưa tới Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Trump quyết định ký thành luật hoặc phủ quyết.

Thượng viện thông qua dự luật về vấn đề nhân quyền Duy Ngô Nhĩ trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng xấu đi liên quan tới vấn đề đại dịch virus corona toàn cầu. Trong đó, chính quyền Trump cáo buộc chế độ Trung Quốc đã thiếu minh bạch thông tin khi bệnh dịch bùng phát ban đầu tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc.

Trung Quốc đã khẳng định họ không xử lý sai dịch bệnh và đã lên án động thái thông qua các luật ủng hộ người Duy Ngô Nhĩ là những cuộc tấn công độc hại và can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Bắc Kinh nhấn mạnh rằng động thái can thiệp đó sẽ ảnh hưởng tới mối quan hệ hợp tác song phương Trung – Mỹ.

Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong những năm gần đây hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị giam giữ trong các trại tập trung tại Tân Cương. Chế độ Trung Quốc phủ nhận việc họ ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ và khẳng định các trại tập trung ở Tân Cương là nơi đào tạo nghề.

Hồi tháng 11/2019, Hạ viện Mỹ đã thống nhất thông qua một dự luật kêu gọi áp đặt chế tài đối với các quan chức cao cấp Trung Quốc chịu trách nhiệm về hoạt động đàn áp tại Tân Cương và đặc biệt chỉ thẳng tên Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương, Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Trần Toàn Quốc.

Trong dự luật vừa được Thượng viện Mỹ thông qua cũng nêu tên ông Trần Toàn Quốc và cựu phó Bí thư Tân Cương Chu Hải Luân phải chịu trách nhiệm trực tiếp cho việc vi phạm nhân quyền tại Tân Cương.

Trung Quốc trước đây đã từng cảnh báo rằng họ sẽ có hành động trả đũa “tương xứng” nếu ông Trần Toàn Quốc bị Mỹ chế tài.

Dự luật của Thượng viện cũng kêu gọi các công ty và cá nhân người Mỹ đang kinh doanh tại khu vực Tân Cương phải thực hiện các biện pháp để đảm bảo chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lao động cưỡng bức.

Hồi tháng Ba, Thượng nghị sĩ Rubio cũng là người đồng bảo trợ cho một dự luật khác nhắm vào việc ngăn chặn Mỹ nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp sử dụng lao động cưỡng bức tại Tân Cương.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa James Risch, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và đồng nghiệp của ông trong ủy ban này, Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez đã gọi việc Thượng viện thông qua dự luật về nhân quyền Duy Ngô Nhĩ hôm 14/5 là “bước đi quan trọng trong việc đối phó với sự vi phạm nhân quyền rộng rãi và kinh khủng của chính quyền toàn trị Trung Quốc”.

Hai Thượng nghị sĩ cũng kêu gọi Hạ viện cần sớm thông qua dự luật này và gửi nó tới Tòa Bạch Ốc để Tổng thống Trump ký thành luật.

Reuters cho biết họ đã liên lạc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington để yêu cầu bình luận về động thái mới nhất của Thượng viện Mỹ liên quan đến vấn đề nhân quyền Trung Quốc, nhưng không nhận được phản hồi.

Như Ngọc (Theo Reuters)

Xem thêm: