Thủ tướng Úc Scott Morrison đang có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam ba ngày (22/8 đến 24/8). Trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 23/8, ông Morrison đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về căng thẳng Biển Đông.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Úc Scott Morrison đang có chuyến thăm Việt Nam ba ngày (22 đến 24/8).

Chuyến công du Việt Nam ba ngày lần này của ông Morrion là chuyến thăm đầu tiên của một thủ tướng Úc tới Việt Nam kể từ sau khi hai nước nâng cấp mối quan hệ song phương lên mức “đối tác chiến lược” vào tháng Ba năm ngoái.

Trong buổi họp báo chung với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 23/8 tại Hà Nội, Thủ tướng Úc Scott Morrison cho biết các nguyên tắc quốc tế nên được duy trì trong khu vực này.

Những nguyên tắc đó là tự do hàng hải, tự do hàng không, đảm bảo các quốc gia có thể theo đuổi các cơ hội phát triển hiện hữu trong vùng đặc quyền kinh tế và vùng biển của họ, và có thể tiến hành công việc đó theo cách không bị ngăn cản,” ông Morrison nói.

Cũng trong buổi họp báo này, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã lần đầu công khai lên tiếng về căng thẳng Biển Đông.

Ông Phúc nói: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây trên Biển Đông, nhất trí cùng hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, và phải giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982…

Phát biểu nêu trên của hai Thủ tướng Việt Nam và Úc đến trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang leo thang cẳng thẳng khi tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) bất chấp sự phản đối của Hà Nội và một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Mỹ.

Reuters dẫn theo dữ liệu từ trang Marine Traffic – một trang chuyên giám sát lộ trình tàu biển cho biết tính tới hiện nay (23/8), tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc vẫn đang hoạt động tại EEZ của Việt Nam. Đặc biệt hộ tống tàu khảo sát địa chất này là ít nhất 7 tàu Trung Quốc các loại.

Cũng dựa theo dữ liệu từ trang Marine Traffic, Reuters xác nhận có ít nhất hai tàu hải quân Việt Nam, trong đó có tàu khu trục Quang Trung do Nga chế tạo đang theo sát các tàu của Trung Quốc.

Hôm thứ Năm (22/8), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus bày tỏ quan ngại của chính phủ Mỹ đối với việc Trung Quốc liên tục quấy nhiễu và gây sức ép lên hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của Việt Nam.

Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc về việc Trung Quốc tiếp tục can thiệp vào hoạt động dầu khí lâu dài của Việt Nam trong khu vực được tuyên bố là Đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Điều này làm dấy lên một câu hỏi nghiêm túc về cam kết của Trung Quốc, trong đó có Tuyên bố ASEAN – Trung Quốc về Ứng xử của Các bên ở biển Đông, đối với giải pháp hòa bình trong các tranh chấp hàng hải,” bà Morgan nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Hành động của Trung Quốc đã làm tổn hại an ninh và hòa bình trong khu vực, cố tình gây ra chi phí kinh tế lên các nhà nước Đông Nam Á bằng việc ngăn chặn họ tiếp cận tới nguồn tài nguyên hydrocacbon chưa được khai thác trị giá 2,5 nghìn tỷ USD và thể hiện rằng Trung Quốc không đếm xỉa gì đến quyền thực hiện các hoạt động kinh tế tại vùng EEZ của các nước khác, theo luật Công ước Biển 1982 mà Trung Quốc đã ký kết vào năm 1996.

Trong bối cảnh căng thẳng Biển Đông, chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Úc – nguyên thủ của quốc gia có lực lượng hải quân mạnh và là đồng minh quan trọng của Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương đã được truyền thông nhà nước Việt Nam đưa tin đậm nét và đánh giá cao.

Theo tờ Vnexpress, lãnh đạo Việt Nam rất trọng thị chuyến thăm của Thủ tướng Úc Morrion và cho biết trong cuộc hội đàm song phương, hai Thủ tướng Úc – Việt đã thống nhất thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược trên ba trụ cột là tăng cường hợp tác kinh tế, hợp tác sâu rộng về an ninh quốc phòng và quan hệ đối tác về trí thức và đổi mới.

Về hợp tác quốc phòng, tháng Năm vừa qua hai tàu chiến của Úc đã tới thăm Việt Nam, cập cảng hải quân chiến lược Cam Ranh. Động thái này đánh dấu tăng cường hợp tác hải quân Úc – Việt, theo Reuters.

Về hợp tác kinh tế, theo số liệu của hải quan Việt Nam, thương mại song phương Úc – Việt năm 2018 đã tăng 19,4%, đạt mức 7,72 tỷ USD.

Úc hiện đang là nước xuất khẩu than lớn nhất sang Việt Nam, trong bối cảnh Hà Nội cần nhiều nguồn nguyên liệu hóa thạch để đáp ứng cho nền kinh tế đang phát triển nhanh.

Các chuyến hàng than từ Úc tới Việt Nam từ tháng Một tới tháng Bảy năm nay đã tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 8,51 triệu tấn, Reuters dẫn số liệu của hải quan Việt Nam.

Nhận xét khái quát về quan hệ giữa Úc và Việt Nam, Thủ tướng Morrison cho hay: “Úc và Việt Nam là những người bạn và theo cách nói của người Úc, chúng ta đã đi từ bạn bè sang chiến hữu.

Xuân Thành

Xem thêm: