Trước cuộc gặp lần 2 với lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un, Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 15/2 nói rằng Thủ tướng Nhật Bản đã đề cử ông cho giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực khai mở đối thoại với quốc gia cô lập sở hữu vũ khí hạt nhân có khả năng đe dọa an ninh khu vực và thế giới này.

Embed from Getty Images

Thủ tướng Shinzo Abe đã “gửi tôi bản sao đẹp nhất của một bức thư mà ông đã gửi cho những người tổ chức cái gọi là giải Nobel Hòa bình”, ông Trump nói với phóng viên tại Vườn Hồng khi được hỏi về cuộc gặp tiếp theo với Kim Jong Un tại Việt Nam.

“Ông ấy nói: Đại diện cho Nhật Bản, tôi đã đề cử ông một cách trang trọng. Tôi đề nghị họ trao cho ông giải Nobel Hòa bình.”

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, người ca ngợi ông Trump vì đàm phán với Bắc Hàn, cũng ủng hộ Tổng thống Mỹ với giải Nobel Hòa bình.

Ông Trump nói rằng ban đầu những cuộc đấu khẩu giữa ông và Kim tràn đầy “thịnh nộ”, nhưng sau cuộc gặp trực tiếp đầu tiên hồi tháng 6/2018 tại Singapore, 2 người đã xây dựng được mối quan hệ tốt. Ông nói lãnh đạo Nhật đề cử ông bởi vì họ lo ngại về việc Bắc Hàn tiến hành thử tên lửa trên bầu trời Nhật Bản.

Năm 2009, Tổng thống Barack Obama cũng nhận được Nobel Hòa bình vì cam kết Mỹ sẽ “tìm kiếm hòa bình và an ninh trong một thế giới không có vũ khí hạt nhân.”

“Tôi có lẽ sẽ không bao giờ được trao giải, nhưng không sao,” ông Trump nói. “Họ đã trao giải cho Obama. Ông ta còn không biết vì sao ông ta được nó.”

Trước đó, ngày 1/5/2018, một nhóm gồm 18 Hạ Nghị sĩ Mỹ cùng ký vào một lá thư đề cử Tổng thống Trump cho giải Nobel Hòa bình 2019 vì những nỗ lực mang lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của ông.

“Từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã làm việc không mệt mỏi để gây áp lực cực đại lên Bắc Hàn nhằm chấm dứt chương trình vũ khí sai trái của họ và mang lại hòa bình cho khu vực”, bức thư viết.

Bức thư chính thức đề cử ông Trump được viết sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tuyên bố “ông Trump nên đạt được Nobel Hòa bình.” Thủ tướng Nhật bản cũng hoan nghênh ông Trump vì triển vọng hòa bình đạt được trong khu vực.

“Chính quyền của ông đã thành công trong việc đoàn kết cộng đồng quốc tế, bao gồm Trung Quốc, để áp đặt một trong những chế tài quốc tế thành công nhất trong lịch sử,” bức thư viết. “Chế tài đã làm suy yếu nền kinh tế Bắc Hàn và được công nhận đã khiến Bắc Hàn ngồi vào bàn đàm phán.”

Dân biểu  Luke Messer, người soạn bức thư đề cử, cho rằng “lý do duy nhất mà kẻ độc tài Bắc Hàn bước tới bàn đàm phán là bởi vì Tổng thống Trump đã bắt ông ta ngồi xuống và cho ông ta thấy rằng chúng ta có một lãnh đạo ở Mỹ, người dám làm dám chịu và đã thay đổi tình hình một cách đáng kể. Vì thế tôi nghĩ ông phải được cân nhắc cho giải Nobel Hòa bình.”

Từ đầu nhiệm kỳ, Bắc Hàn là mối đe dọa an ninh nguy hiểm nhất mà chính quyền ông Trump phải đối mặt. Chế độ độc tài nhà họ Kim sở hữu kho vũ khí hạt nhân tiên tiến, đã tiến hành thử thành công bom H lẫn tên lửa đạn đạo đủ khả năng vươn tới Hoa Kỳ. Ông Trump đáp lại những đe dọa này bằng những cảnh báo cứng rắn về sức mạnh quân sự Hoa Kỳ, đồng thời dàn trận hướng về phía Bắc Hàn. Cùng lúc đó, ông Trump tổ chức những đợt chế tài nghiêm khắc nhất trong lịch sử đối với Bắc Hàn và thành lập những liên minh cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Trung Quốc để gây áp lực kinh tế buộc Bình Nhưỡng phải đầu hàng.

Trọng Đức

Xem thêm: