Sau một loạt tranh chấp ngoại giao giữa Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) với Mỹ và các nước phương Tây khác, quan hệ Trung – Nhật cũng xấu đi hơn. Một số nguồn tin cho biết, khi giải nhiệm vào cuối tháng trước, cựu đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản là Khổng Huyên Hựu đã muốn thăm Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, nhưng phía Nhật Bản từ chối.

shutterstock 2178119671
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (Ảnh: Shag 7799 / Shutterstock)

Theo những nguồn tin truyền thông ĐCSTQ, ngày 28/2 đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản là Khổng Huyên Hựu đã giải nhiệm và trở về Trung Quốc, người thay vào vị trí là ông Ngô Giang Hạo (chức cũ là Trợ lý Ngoại trưởng).

Ngày 25/3, Kyodo News của Nhật Bản dẫn một số nguồn tin quen thuộc với quan hệ Nhật Bản – Trung Quốc tiết lộ, phía Trung Quốc đã đề xuất vào tháng 1 năm nay rằng:  ông Khổng Huyên Hựu hy vọng trước khi rời nhiệm sở muốn gặp Thủ tướng Kishida để hỏi về suy nghĩ của chính phủ Nhật Bản; phía Nhật Bản sau đó lấy “lý do lịch trình” để từ chối. Mặc dù chính phủ Nhật Bản cử Ngoại trưởng Hayashi Yoshimasa đại diện để gặp Khổng Huyên Hựu, nhưng sự kiện không được Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố.

Theo thông tin, trước đây hầu hết các đại sứ ĐCSTQ tại Nhật Bản khi rời nhiệm sở đều gặp thủ tướng Nhật Bản, do đó cách làm lần này của chính phủ Kishida là tương đối hiếm. Sự kiện cho thấy rõ thái độ thận trọng của Chính phủ Nhật Bản hiện nay đối với Trung Quốc, có thể là do lo ngại về dư luận cứng rắn ở Nhật Bản.

Một người trong Chính phủ Nhật Bản giải thích rằng thủ tướng không ngang hàng với đại sứ nên động thái “không có vấn đề về nghi thức ngoại giao”. Khi đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc trở về Nhật Bản, ông đã không thể gặp cấp cao nhất của ĐCSTQ, vì vậy phía Nhật Bản cũng “phải áp dụng nguyên tắc có đi có lại”.

Tuy nhiên, giáo sư Hiroshi Shiratori tại Viện Nghiên cứu của Đại học Hosei Nhật Bản đã để lại lời nhắn bên dưới bản tin, nói rằng trong năm nay Nhật Bản và Trung Quốc sẽ kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp ước Hòa bình và Hữu nghị, do đó động thái của Nhật Bản vào thời điểm này phải chăng vì muốn phá hủy hoạt động nghi lễ đối ngoại này? Giáo sư Hiroshi Shiratori cho rằng, về mặt nghi thức ngoại giao nên nhận lời chào của đại sứ trước khi giải nhiệm, việc từ chối lời chào biệt này là điều đáng lo ngại và có thể phủ bóng đen lên quan hệ hai nước.

Theo các thông tin trước đây, khi người tiền nhiệm Trình Vĩnh Hoa của ông Khổng Huyên Hựu rời nhiệm sở vào năm 2019, ngày 16/4 năm đó được Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Shinzo Abe tổ chức tiệc chia tay tại dinh thự cá nhân. Tối ngày 7/5, ông Shinzo Abe và phu nhân cùng hơn chục thành viên nội các Abe cũng tham dự tiệc chiêu đãi giải nhiệm của ông Trình Vĩnh Hoa được tổ chức tại khách sạn New Otani ở Tokyo.

Trong thập niên từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, chính sách ngoại giao ‘sói chiến’ của ông Tập đã khiến hình ảnh quốc tế của Trung Quốc xuống mức thấp chưa từng thấy. Bắc Kinh liên tục leo thang đe dọa vũ lực đối với Đài Loan, thường xuyên điều tàu vũ trang ra vào vùng biển quần đảo Điếu Ngư, khiến các nước láng giềng ngày càng xa Trung Quốc hơn, quan hệ Trung – Nhật ngày càng lạnh nhạt.

Mạng tin tức All Nippon (ANN) cách đây vài ngày đã đưa tin rằng, trong tháng này một giám đốc người Nhật của một công ty nổi tiếng của Nhật Bản trú ở Bắc Kinh đã bị an ninh ĐCSTQ bắt giữ, phía Trung Quốc cáo buộc “liên quan đến hoạt động gián điệp”. Kể từ năm 2014 khi ĐCSTQ thực thi cái gọi là “Luật phản gián”, tính đến tháng 2 năm nay có ít nhất 16 người Nhật đã bị bắt.

Ngay khi ông Tập Cận Bình đến thăm Moscow mới đây để bày tỏ sự ủng hộ đối với Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine đã kéo dài một năm, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã có chuyến thăm bất ngờ tới Ukraine, động thái được cho là để thể hiện thái độ đối với Trung Quốc cũng như công khai bày tỏ quan điểm về hiểm họa từ Trung Quốc và Nga.