Thủ tướng Campuchia Hun Sen hôm thứ Bảy (3/3) đã cáo buộc Mỹ không trung thực trong thông báo cắt viện trợ tới quốc gia Đông Nam Á. Ông Hun Sen nói rằng Campuchia đã dừng nhận viện trợ của Mỹ từ năm 2016, theo Reuters.

Embed from Getty Images

Campuchia đang là đối tác thân cận của Trung Quốc. 

Trước đó vào thứ Ba (27/2) Nhà Trắng đã phát đi tuyên bố nói rằng Mỹ sẽ đình chỉ và cắt giảm một số chương trình hỗ trợ từ Bộ Tài chính, USAID và các chương trình hỗ trợ quân sự trong đó bao gồm trợ giúp quân đội, cục thuế và chính quyền địa phương Campuchia. Phía Mỹ nêu rõ việc cắt giảm này là do thời gian qua chính quyền Hun Sen vẫn tiếp tục đàn áp dân chủ, nhân quyền.

>>Tại sao Mỹ cắt viện trợ Campuchia?

Reuters cho biết trong phát biểu đầu tiên trước công chúng từ khi Mỹ thông báo đình chỉ viện trợ, Thủ tướng Hun Sen hôm thứ Bảy (3/3) đã cáo buộc Đại sứ Mỹ tại Campuchia William Heidt nói dối. Ông Hun Sen thông tin rằng việc cắt viện trợ cho cục thuế Campuchia đã được Mỹ tiến hành từ năm 2016.

Phát biểu trước hàng nghìn công nhân dệt may tại tỉnh Preah Sihanouk, miền nam Campuchia, ông Hun Sen cho hay: “Chúng ta, 16 triệu dân Campuchia, đã không nhận viện trợ của Mỹ về ngành thuế. Khoản viện trợ này đã kết thúc từ năm 2016”.

Thủ tướng Campuchia đặt câu hỏi với Đại sứ Mỹ: “Xin ông Đại sứ Mỹ trả lời giúp một câu hỏi: Tại sao ông lại thông báo cắt viện trợ trong khi chẳng hề có viện trợ nào? Ông có ý định xuyên tạc danh tiếng của Campuchia hay sao?”

Reuters thông tin rằng họ đã liên lạc với Đại sứ quán Mỹ tại Phnom Penh để chất vấn về phát biểu mới nhất của ông Hun Sen, nhưng không nhận được phản hồi.

Được biết, quyết định về cắt viện trợ Campuchia của Nhà Trắng diễn ra trong bối cảnh chính quyền Campuchia suốt hơn 1 năm qua đã và đang tăng cường trấn áp tiếng nói đối lập, chỉ trích Thủ tướng Hun Sen và Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền, hướng tới cuộc tổng tuyển cử vào tháng Bảy tới.

Cuộc trấn áp này nhắm trực tiếp vào các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông độc lập và các nhà lập pháp đối lập, mở đường cho ông Hun Sen tiếp tục tái đắc cử Thủ tướng.

Vào tháng 11/2017, Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) – đảng đối lập chính tại đất nước chùa tháp – đã bị Tòa án Tối cao, theo yêu cầu của chính quyền Hun Sen, ra phán quyết giải thể. Trước đó, tờ báo tiếng Anh Cambodia Daily – một trong số ít tờ báo in có tiếng nói độc lập với chính quyền tại Campuchia – cũng đã bị ép phải đóng cửa vì một cáo buộc nợ thuế.

Trong khi đó, ông Hun Sen – một đồng minh thân cận của chính quyền Trung Quốc – gần đây thường xuyên công khai chỉ trích Mỹ, đặc biệt nhấn sâu vào việc Mỹ ném bom Campuchia trong suốt chiến tranh Việt Nam – cuộc chiến kết thúc vào năm 1975.

Ông Hun Sen, cầm quyền ở Campuchia được 33 năm, đã từng cáo buộc lãnh đạo CNRP Kem Sokha âm mưu cùng Mỹ tìm cách lật đổ ông. Ông Sokha đã bị bắt giam từ năm ngoái vì tội phản quốc.

Các nhóm nhân quyền và các quốc gia phương Tây vẫn đang lên án mạnh mẽ cuộc đàn áp đối lập đang tiếp diễn ở Campuchia trước cuộc bầu cử vào 29/7.

Hội đồng Châu Âu (EC) đã thúc giục Campuchia “khôi phục nền dân chủ” sau khi có thông báo kết quả cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia hôm Chủ Nhật (25/2) khi mà Đảng của ông Hun Sen thắng tuyệt đối. EC đã đe dọa sẽ sớm áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Chính phủ Đức, hôm thứ Ba (27/2) cũng phát đi thông báo riêng rẽ nói rằng họ sẽ đình chỉ thị thực ưu tiên đối với các thành viên chính quyền Campuchia. Phía Đức nêu rõ thực thi động thái như vậy là do chính quyền Campuchia “tiếp tục trấn áp” phe đối lập, truyền thông và các tổ chức phi chính phủ.

Vào tháng 12 năm ngoái, chính phủ Trump cũng đã thông báo hạn chế thị thực đối với các thành viên chính quyền Campuchia.

Hùng Cường (T/h)

Xem thêm: