Hôm Chủ nhật (16/4) Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu dân ý, tức là thành công trong việc tập trung quyền lực vào tay mình. Tuy nhiên, phe đối lập cho rằng việc kiểm phiếu có sai sót và họ sẽ không chấp nhận kết quả.

Ông Erdogan nói rằng 25 triệu người đã ủng hộ đề xuất thay đổi hệ thống nghị viện hiện tại với việc trao tất cả quyền lực cho tổng thống. Theo đó, số phiếu ủng hộ ước đạt khoảng 51,5%, một tỉ lệ chiến thắng rất sít sao. Hàng nghìn người ủng hộ đã tập trung tại Ankara và Istanbul vẫy cờ chúc mừng chiến thắng của ông Erdogan và đảng Công lý và Phát triển (AK).

Tuy nhiên theo thông tin sơ bộ ban đầu, tại khu vực đông nam nơi người Kurd chiếm đa số và 3 thành phố lớn, trong đó có thủ đô Ankara và Istanbul, người dân hầu hết bỏ phiếu “không”.

So sánh với các cuộc đảo chính đã làm hoen ố chính trị Thổ Nhĩ Kỳ nhiều thập kỷ qua, ông Erdogan nói: “Lần đầu tiên trong lịch sử nền Cộng hoà, chúng ta đang thay đổi hệ thống quản lý thông qua chính trị dân sự. Đó là lý do tại sao cuộc trưng cầu dân ý này rất có ý nghĩa”.

Chính bản thân ông Erdogan 9 tháng trước cũng đã phải đối mặt với một cuộc đảo chính bất thành. Sau đó, tổng thống đã phải thanh lọc cơ quan công quyền bằng việc sa thải khoảng 130.000 công chức và bắt giữ khoảng 45.000 người.

Phe ủng hộ ông Erdogan tại thủ đô Ankara đã kéo về trụ sở đảng AK để chào mừng chiến thắng, nhưng ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập nói rằng cần phải xem lại tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý này.

Đảng CHP trước đó cho biết họ sẽ yêu cầu tái kiểm phiếu 60% phiếu bầu sau khi Ủy ban Bầu cử tối cao của Thổ Nhĩ Kỳ (YSK) tuyên bố sẽ tính cả các lá phiếu không đóng dấu nếu CHP không chứng minh được có sự gian lận ở đó.

Ông Kilicdaroglu cáo buộc ông Erdogan muốn hướng tới “chế độ một người”, và nói rằng những thay đổi theo đều xuất đó sẽ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ gặp nguy hiểm.

Tại một số khu phố giàu có ở Istanbul, người dân đã xuống đường phản đối, trong khi những người khác đập các chậu và chảo ở nhà – một dấu hiệu của sự bất đồng đã phổ biến rộng rãi tương tự như trong các cuộc biểu tình phản đối ông Erdogan năm 2013.

Tại khu vực Besiktas của Istanbul, hơn 300 người biểu tình đã đỗ phương tiện giao thông tại một phố chính. Trong khi đó, ở thủ đô Ankara, khu vực gần trụ sở của CHP, những người ủng hộ hai đảng đã có xảy ra xô xát.

Một đất nước chia rẽ

 Cuộc trưng cầu dân ý lần này ít nhiều đã gây chia rẽ trong nội bộ đất nước. Nhưng ông Erdogan và những người ủng hộ nói những thay đổi này là cần thiết để sửa đổi hiến pháp hiện hành – do các tướng lĩnh quân đội soạn thảo từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 1980.  Việc thay đổi này sẽ giúp ngăn chặn các thách thức an ninh và chính trị mà Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt và tránh lăp lại các chính phủ liên minh mong manh trong quá khứ rất dễ dẫn tới các cuộc đảo chính.

Ông Bayram Seker, 42 tuổi, một người tự doanh, sống ở Istanbul, ủng hộ tổng thống Erdogan nói: “Đây là cơ hội để chúng ta kiểm soát đất nước”.

Tôi không nghĩ quyền lực đặt vào một người là điều gì đó quá kinh khủng. Trong quá khứ  đất nước chúng ta đã từng do một người lãnh đạo”. Ông Seker liên tưởng đến nhà sáng lập đất nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, Mustafa Kemal Ataturk khi bảo vệ vị tổng thống đương nhiệm.

Tuy nhiên, những người phản đối nói rằng đó là một bước tiến tới chủ nghĩa độc tài lớn hơn. Ông Erdogan và đảng AK được một phần lớn các phương tiện truyền thông ủng hộ, trong khi các nhà lãnh đạo của Đảng Dân chủ Nhân dân thân người Kurd chống lại những thay đổi này đã bị bắt giam trong nhiều tháng.

Anh Hamit Yaz, 34 tuổi, một thuyền trưởng, sau khi bỏ phiếu tại Istanbul đã nói: “Tôi bỏ phiếu ‘không’ vì tôi không muốn toàn bộ đất nước này, và các quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp đều do một người nắm giữ”.

Những người ủng hộ cải cách lập luận rằng thể chế mới sẽ chấm dứt “hệ thống hai đầu” hiện nay, trong đó cả tổng thống và nghị viện đều được bầu trực tiếp, một tình huống mà họ cho rằng có thể dẫn đến bế tắc.

Chính phủ cũng cho rằng hiện nay cần phải tập trung quyền lực mạnh mẽ và rõ ràng cho người đứng đầu để giúp đất nước đối mặt với các xung đột ở biên giới miền Nam với Syria và Iraq, cùng những đe dọa an ninh từ nhóm hồi giáo cực đoan IS và lực lượng PKK (nhóm phiến quân người Kurd).

Gói 18 sửa đổi do Tổng thống Erdogan đề xuất sẽ bãi bỏ văn phòng thủ tướng và trao cho Tổng thống quyền ban hành dự thảo ngân sách, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành các nghị định giám sát các bộ mà không cần sự chấp thuận của quốc hội.

Giãn cách với Liên minh châu Âu

Các chính trị gia châu Âu, những người có quan hệ ngày càng căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước tình hình Ankara hiện tại. Ủy ban Châu Âu (EC), cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU), cho biết kết quả sít sao trong cuộc trưng cầu dân ý này có nghĩa là Ankara nên tìm kiếm “sự đồng thuận rộng hơn trên toàn đất nước” trong việc thực hiện bỏ phiếu.

Mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã xuống rất thấp trong suốt chiến dịch trưng cầu dân ý khi các ước EU, trong đó có Đức và Hà Lan đã không cho phép chính phủ Erdogan tổ chức các cuộc meeting quy mô lớn để kêu gọi sự ủng hộ của người Thổ đang sống ở những nước này.

Ông Erdogan đã gọi những động thái này là “hành động phát xít” và nói Thổ Nhĩ Kỳ có thể xem xét lại mối quan hệ với EU sau nhiều năm muốn gia nhập khối liên minh này.

Cựu Thủ tướng Bỉ, Guy Verhofstadt, người đứng đầu nhóm Tự do Dân chủ (MEPs) tại Nghị viện châu Âu, cho biết ông Erdogan cần phải thay đổi lộ trình hành động, lưu ý kết quả trưng cầu là rất sít sao. “Nếu Erdogan vẫn tồn tại, EU nên ngừng đàm phán”,  ông nói.

Manfred Weber, lãnh đạo của nhóm theo đường lối trung hữu đã đăng tweet rằng: “Bất kể kết quả ra sao, với cuộc trưng cầu dân ý như vậy tổng thống Erdogan đang chia rẽ đất nước của mình”.

Sau cuộc bỏ phiếu Erdogan lặp lại ý định  xem xét lại việc Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ án tử hình, một bước gần như chắc chắn sẽ đánh dấu chấm hết cho quá trình gia nhập EU của Ankara.

Sự suy thoái sâu hơn trong quan hệ với EU cũng có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận giữa hai bên đạt được năm 2016, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ đã đồng ý hạn chế lưu lượng người di cư (chủ yếu là những người tị nạn từ Syria và Iraq) vào khối EU qua đường Thổ Nhĩ Kỳ.

Tân Bình

Xem thêm: