Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recept Tayyip Erdogan hôm Chủ Nhật (15/12) đã đe dọa sẽ đóng cửa hai căn cứ chiến lược của quân đội Mỹ trên đất Thổ nếu Washington áp đặt chế tài vì Ankara mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga.

Embed from Getty Images

Nếu cần thiết, chúng ta sẽ đóng cửa [căn cứ] Incirlik và Kurecik,” ông Erdogan nói với báo giới trong nước hôm 15/12, đề cập tới hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ. “Nếu đe dọa áp đặt chế tài chống lại chúng ta được thực thi, chúng ta sẽ đáp trả họ trong khuôn khổ có đi có lại.

Incirlik là căn cứ không quân tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ đã đang đóng vai trò chính trong các hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông và Afghanistan, và gần đây hơn là chống nhóm khủng bố IS tại Syria và Iraq. Quân đội Mỹ cũng lưu kho khoảng 50 quả bom hạt nhân B-61 tại căn cứ này. Trong khi, Kurecik là căn cứ quân sự nằm ở miền đông Thổ Nhĩ Kỳ và là nơi đặt trạm radar NATO.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cũng đã đưa ra vấn đề đóng cửa hai căn cứ quân sự của Mỹ nêu trên nếu Washington áp đặt chế tài lên Ankara.

Quốc hội Mỹ thúc giục TT Trump áp chế tài

Các nhà lập pháp Mỹ của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đang gây áp lực lên Tổng thống Donald Trump phải áp đặt chế tài lên Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này mua và triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. Washington cho rằng hệ thống tên lửa này không phù hợp với NATO và đe dọa các chiến đấu cơ F-35. Mỹ cũng đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chiến đấu cơ F-35 mà Ankara đang là đối tác.

Bất chấp áp lực từ quốc hội, chính quyền Trump cho tới nay vẫn kiềm chế chưa áp đặt chế tài lên Thổ Nhĩ Kỳ – đồng minh NATO của Mỹ – vì lý do nước này mua hệ thống S-400.

Theo Đạo luật Trừng phạt Kẻ thù của Mỹ (CAATSA), các nước mua các thiết bị quân sự nhất định của Nga phải bị chế tài.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng đã leo thang căng thẳng khi Ankara đưa quân vào miền đông bắc Syria để tấn công lực lượng người Kurd – đối tác chống IS của Mỹ.

Sau khi quân đội Mỹ rút khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ – Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký thỏa thuận với Nga để cùng tuần tra miền bắc Syria.

>>Thổ Nhĩ Kỳ, Nga đạt thỏa thuận loại bỏ người Kurd khỏi biên giới Syria

Thổ Nhĩ Kỳ coi các chiến binh dân quân người Kurd tại Syria là một nhóm khủng bố có liên hệ với phiến quân người Kurd đã thực hiện cuộc nổi dậy chống nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ suốt 35 năm qua.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan hôm 15/12 cũng đe dọa sẽ trả đũa Mỹ sau khi Thượng viện và Hạ viện Mỹ bỏ phiếu công nhận vụ thảm sát người Armenia năm 1915 là một vụ diệt chủng. Tổng thống Trump vẫn chưa ký thông qua nghị quyết này của quốc hội.

Xuân Thành