Thế giới chống thu hoạch nội tạng: Chính nghĩa và hy vọng cho 2020

Vậy là đã hơn 3 năm kể từ khi Hiệp hội Bác sĩ Chống Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) chọn 1/10 làm ngày Thế giới chống thu hoạch nội tạng. Là một tổ chức nhân quyền từng được đề cử giải Nobel Hòa Bình, DAFOH đã không ngẫu nhiên khi lựa chọn ngày đặc biệt này trùng với dịp “Quốc khánh Trung Quốc”. Quốc khánh Trung Quốc, hay nói đúng hơn là Quốc khánh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đánh dấu thời điểm chế độ này lên nắm quyền vào năm 1949, mang lại những khổ đau cho người dân Trung Quốc, mà đỉnh điểm của tội ác có lẽ chính là hành vi thu hoạch nội tạng. Khác với những năm trước, 2019 kết thúc đã mang đến những chuyển biến thật lớn, đánh dấu sự hồi sinh của chính nghĩa và hy vọng trong cộng đồng quốc tế khi ứng xử với tội ác chống lại loài người này.

Kể từ năm 2006, các cáo buộc về tội ác thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn tại Trung Quốc đã bắt đầu xuất hiện thông qua nghiên cứu đầu tiên của luật sư nhân quyền David Matas và cựu quốc vụ khanh Canada David Kilgour. Từ đó tới nay, ngày càng nhiều nhà điều tra độc lập lên tiếng, ngày càng nhiều chứng cứ quan trọng được công bố, ngày càng nhiều báo cáo nghiên cứu dựa trên nhiều góc nhìn khác nhau được đưa ra.

Thế giới chống thu hoạch nội tạng: Chính nghĩa và hy vọng cho 2020
Bức “Punishing Evil Collectively” (Tạm dịch: Chung tay trừng trị cái ác) (2015),
mô tả các cá nhân và tổ chức trên toàn thế giới chống lại việc
đàn áp tín ngưỡng, thu hoạch nội tạng, nhựa hóa thi thể người tại Trung Quốc.
Họa sĩ: Jing Wang, Xiaoping Chen. Bố cục: Kunlun Zhang. (Artofcouragefilm.com)

13 năm là một khoảng thời gian dài cho một tội ác “chưa từng có trên hành tinh này” tiếp diễn. Nó đủ dài để cho thấy một sự thật rằng đứng trước lợi ích về kinh tế, về quyền lực quốc tế, về quan hệ ngoại giao, thì các giá trị phổ quát như lòng chính nghĩa, bảo vệ nhân quyền, tự do tín ngưỡng đã trở nên lu mờ trong các chính phủ hơn bao giờ hết. 13 năm qua, Liên Hợp Quốc cũng như chính phủ các quốc gia đã để ngỏ trách nhiệm chứng minh các cáo buộc nghiêm trọng này cho những cá nhân và tổ chức phi chính phủ. 13 năm qua, ngoài những nghị quyết lên án và kêu gọi chấm dứt thu hoạch nội tạng của Mỹ (2016) và Liên minh châu Âu (2016), không có một hành động thích đáng ở mức cấm vận nào đã được thực hiện. Chỉ có một vài quốc gia đi đầu khi có những động thái lập pháp, tránh cho công dân của mình đồng lõa với một tội ác chống lại loài người: Israel (2008), Tây Ban Nha (2010), Đài Loan (2015), Ý (2016), Na Uy (2017).

Lẽ dĩ nhiên, thế giới hiện đại đã phát triển vượt quá sự tưởng tượng của chúng ta. Địa vị của Trung Quốc là 1 trong 5 thành viên có quyền phủ quyết (veto right) trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc khiến cho việc kiểm chứng các cáo buộc về hành vi thu hoạch tạng là gần như không thể. Quyền lực mềm và cứng của một cường quốc kinh tế như Trung Quốc đã khiến các quốc gia khác phải e dè khi muốn khẳng định hay ngăn chặn tội ác.

Nhưng điều chúng ta cần nhấn mạnh là thế giới đã và vẫn đang phải đối diện với một tội ác chống lại loài người ở mức độ nghiêm trọng nhất. Chúng ta có thể gọi nó là thu hoạch nội tạng, nhưng chính xác hơn, cần gọi nó là “thu hoạch nội tạng sống từ tù nhân lương tâm do nhà nước hậu thuẫn”. Đây là hành vi giam giữ những người có tín ngưỡng, không phạm pháp, chỉ vì đức tin của họ, giết hại bằng cách mổ lấy nội tạng khi họ còn sống, để sử dụng như một nguồn nội tạng tươi mới, phục vụ cho cấy ghép nhằm thu lợi nhuận. Được chế độ Trung Quốc hậu thuẫn, tội ác ấy đã trở thành một ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng thu về 1 tỷ USD hàng năm, đó là chưa kể tới ngành công nghiệp nhựa hóa thi thể để tạo thành các tiêu bản phục vụ y tế và triển lãm.

Chinh nghia va hy vong 02
Liệu trong các thi thể nhựa hóa của phụ nữ mang thai và thai nhi này, 
bao nhiêu thi thể đến từ tù nhân lương tâm?
(Xem thêm trong bài: Nguồn gốc thi thể nhựa hóa – Hé mở từ hộp sọ bị đạn xuyên thủng)

Bước ngoặt trong sự nhận thức của thế giới khởi đầu từ cuối năm 2018, khi Liên minh Quốc tế chống Lạm dụng Ghép tạng tại Trung Quốc (ETAC) hỗ trợ khởi xướng một Tòa án Nhân dân độc lập để đánh giá các cáo buộc thu hoạch tạng tại Trung Quốc. Mức độ khả tín của tòa được dựng lập trên cơ sở uy tín của các thành viên bồi thẩm đoàn, trong đó chủ tọa là ngài Geoffrey Nice, một luật sư Anh Quốc mẫu mực trên trường quốc tế, từng tham gia vào nhiều tòa án độc lập quốc tế, hoạt động trong Tòa án Hình sự Quốc tế, từng phụ trách truy tố một trong những tội phạm chiến tranh cuối thế kỷ 20 là cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic. Những thành viên còn lại đều là các chuyên gia uy tín, bao gồm: 3 luật sư từ 3 nước khác nhau, với kinh nghiệm liên quan tới các lĩnh vực nhân quyền khác nhau; cùng 1 chủ tịch bệnh viện, bác sĩ cấy ghép; 1 doanh nhân; và 1 nhà lịch sử học.

Thế giới chống thu hoạch nội tạng: Chính nghĩa và hy vọng cho 2020
Tòa án độc lập tổ chức họp báo.

Trong thời gian các buổi làm chứng công khai diễn ra từ 8/12 đến 10/12/2018, Tòa án độc lập đã nghe lời chứng của các nhân chứng, bao gồm các nhân chứng trực tiếp, các nhà điều tra, các chuyên gia, đồng thời xem xét các tài liệu được cung cấp trên các khía cạnh:

• Sự trùng hợp thời gian giữa việc đàn áp tín ngưỡng và việc ngành công nghiệp cấy ghép nở rộ.

• Chứng cứ về kiểm định y tế, bao gồm chụp quét nội tạng, đối với các tù nhân lương tâm: người tập Pháp Luân Công, người Duy Ngô Nhĩ, người Turk. Sau khi kiểm định y tế, một số tù nhân bị đeo băng, bị giám sát chặt chẽ và biến mất.

• Chứng cứ từ những người từng làm việc trong chính quyền hay trong tổ chức y tế.

• Chứng cứ về sự hỏa thiêu và sự mất tích các thành viên trong các nhóm bị đàn áp.

• Bằng chứng các băng ghi âm điện thoại tới các bệnh viện Trung Quốc, trong đó các thành viên Pháp Luân Công được chào mời như một nguồn hiến tạng.

• Bằng chứng về những người vừa tham gia vào cuộc đàn áp, vừa tham gia vào ngành công nghiệp cấy ghép tạng.

Chinh nghia va hy vong 04

Liên quan tới riêng ngành công nghiệp cấy ghép tạng hiện thời tại Trung Quốc, các bằng chứng được cung cấp trên các khía cạnh sau:

• Số liệu lên tới 1000 bệnh viện đề nghị cấy ghép tạng.

• Số liệu về các bệnh viện có nguồn cung tạng dồi dào.

• Số liệu về số lượng lớn các nhân viên cấy ghép tạng được đào tạo.

• Bằng chứng về các sơ sở y tế quân đội liên hệ mật thiết với các hoạt động cấy ghép và nghiên cứu cấy ghép.

• Bằng chứng về việc nhà nước trợ cấp cho ngành công nghiệp sản xuất thuốc chống đào thải tạng cấy ghép.

• Bằng chứng về việc thời gian chờ tạng đột ngột sụt giảm lớn.

• Bằng chứng về việc các bệnh viện Trung Quốc quảng cáo dịch vụ ghép tạng cho người nước ngoài với lịch hẹn trước, bao gồm cả đối với cấy ghép tim.

• Bằng chứng về việc số lượng và chất lượng nội tạng tử tù là không đủ để phục vụ số lượng ca ghép tạng khổng lồ.

Chinh nghia va hy vong 05Đáng chú ý, ngay sau phiên làm chứng đầu tiên, hội đồng uy tín của tòa đã thực hiện một bước đi bất thường là đưa ra phán quyết tạm thời:

“Chúng tôi chắc chắn, đồng thuận, không chút hoài nghi rằng tại Trung Quốc, việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm đã được thực hiện trên quy mô lớn, trong một thời gian dài, dẫn tới số lượng nạn nhân rất lớn… bởi các tổ chức và cá nhân do nhà nước tổ chức và cho phép.”

Các thành viên trong hội đồng cho hay, họ hy vọng rằng phán quyết tạm thời có thể kịp thời…

“cứu những người vô tội khỏi bị giết hại”.

Ngài Geoffrey Nice cũng cho biết bên cạnh tội ác thu hoạch nội tạng, chính quyền Trung Quốc đồng thời vi phạm một lúc ít nhất 7 điều của Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế, trong đó bao gồm cả việc tra tấn, không tuân thủ luật pháp khi bắt giữ và xét xử, không tuân thủ quyền sống cơ bản nhất được nêu ra trong Tuyên ngôn.

Sau một thời gian nghiên cứu lượng tài liệu lớn, thẩm vấn chéo nhân chứng, và kêu gọi minh bạch hóa mọi bằng chứng có liên quan, 6 tháng sau, vào ngày 17/6/2019, Tòa chính thức tuyên bố chính quyền Cộng sản Trung Quốc phạm tội ác chống lại loài người. Nạn nhân là người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, và một số Kitô hữu không đăng ký với chế độ.

Trong quá trình tòa hoạt động, chính quyền Trung Quốc đã nhiều lần từ chối hồi đáp các lời mời tham gia bào chữa tại tòa hay đưa ra bằng chứng chứng minh họ vô tội.

Phán quyết tạm thời được tòa công bố vào cuối tháng 12/2018 thực sự mở màn cho một năm 2019 chính nghĩa. Nhiều nước trên thế giới đã có những động thái lập pháp, cấm hoặc xem xét cấm, và hình sự hóa du lịch ghép tạng. Tin tức liên tục đến từ Anh, Canada, Bỉ, Séc, Đức, các bang của Mỹ, v.v..

Thế giới chống thu hoạch nội tạng: Chính nghĩa và hy vọng cho 2020

Ít nhất, chính phủ các quốc gia đã hiểu ra rằng nếu họ chưa thể áp dụng các biện pháp trừng phạt để cấm chế độ Trung Quốc giết người dân, thì họ cũng phải ngăn không cho công dân của mình đồng lõa với tội ác.

Tuy nhiên đây chỉ là điểm khởi đầu cho chính nghĩa và hy vọng. Trong bối cảnh địa vị Trung Quốc lung lay trên trường quốc tế, với những thủ đoạn lộ liễu trong cuộc biểu tình Hồng Kông, với sự phơi bày các trại tập trung tại Tân Cương, với sự rạn nứt các mối quan hệ ngoại giao và kinh tế, chính phủ các quốc gia khác sẽ có ít điều để mất hơn khi dám đối diện với sự thực.

Chinh nghia va hy vong 06Ngày 11/10/2010, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc Peter Dutton đã tổng kết một câu nói thật hay rằng:

“Vấn đề của chúng tôi, như tôi đã nói, là không phải với người Trung Quốc, không phải với cộng đồng người Hoa đáng mến ở Úc. Vấn đề của tôi là với Đảng Cộng sản Trung Quốc và các chính sách của họ, bởi chúng không phù hợp với các giá trị quan của chúng ta.”

Nếu có thể chính nghĩa nhìn lại bản thân, nhân loại sẽ không thể chấp nhận giá trị quan của một chế độ với tội danh chống lại loài người, một chế độ với lịch sử giết chóc, với phong cách ngoại giao và làm việc gian dối.

Và như nghị sĩ Fiona Bruce, chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo thủ Anh, đã nói vào tháng 6/2019:

“Tội ác này cần phải được giải quyết. Những ai không chịu hành động rồi cũng sẽ phải chịu trách nhiệm [về sự thờ ơ của họ].”

Bài: Minh Nhật
Thiết kế: Quang Minh

Bình Luận